Tăng giải pháp huy động nguồn lực, trao quyền để đẩy nhanh tiến độ
Phát triển mạng lưới đường sắt đô thị được xem là giải pháp căn cơ để giải bài toán ùn tắc, ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông đô thị và các thành phố có dân số khoảng 5 triệu người, thu nhập bình quân đầu người khoảng 6.000 USD/người/năm được khuyến nghị cần đầu tư hệ thống đường sắt đô thị. Với quy mô dân số tại TP. Hà Nội khoảng 8,5 triệu người và tại TP. Hồ Chí Minh khoảng 9,5 triệu người năm 2023; thu nhập bình quân đầu người năm 2023 của TP. Hà Nội khoảng 5.900 USD/người/năm và của TP. Hồ Chí Minh khoảng 6.700 USD/người/năm, việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đưa vào vận hành, khai thác đồng bộ, đồng loạt hệ thống đường sắt đô thị ở thời điểm hiện tại là phù hợp.
Với vai trò của hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị đối với phát triển giao thông công cộng, phát triển kinh tế - xã hội nói chung của TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước đã quan tâm, yêu cầu cần sớm thúc đẩy đầu tư, phát triển mạng lưới đường sắt đô thị theo quy hoạch.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Tuy nhiên, thực tiễn triển khai các dự án đường sắt đô thị tại hai thành phố lớn nhất cả nước những năm qua cũng cho thấy, tiến độ xây dựng hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị được triển khai rất chậm, không đáp ứng được yêu cầu. Từ năm 2007 đến nay mới chỉ có tuyến Cát Linh - Hà Đông đưa vào vận hành. Nêu thực tế này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, nếu tiến độ vẫn như những năm vừa qua, việc triển khai hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại hai thành phố được coi là “cực tăng trưởng”, “đầu tàu” kinh tế của cả nước sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu phát triển và nhu cầu vận tải. "Chính vì vậy, rất cần có những cơ chế, chính sách đặc thù để rút ngắn quy trình thủ tục, huy động nguồn lực nhằm thực hiện mạng lưới này".
Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Nghị quyết quy phạm hóa 6 nhóm chính sách đặc thù, đặc biệt đã được các cơ quan có thẩm quyền thông qua, gồm các nhóm chính sách về: huy động nguồn vốn; trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư; phát triển đô thị theo mô hình TOD; phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; chính sách về vật liệu xây dựng và bãi đổ thải…
Trong đó, về huy động vốn, dự thảo Nghị quyết quy định, trong quá trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư các dự án, Thủ tướng được quyết định cân đối, bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương, tối đa không vượt 215.350 nghìn tỷ đồng cho TP. Hà Nội và tối đa không vượt 209.500 nghìn tỷ đồng cho TP. Hồ Chí Minh trong các kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 và 2031 - 2035 làm cơ sở quyết định đầu tư và thực hiện đầu tư các dự án.
Dự thảo Nghị quyết cũng cho phép Thủ tướng sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương hàng năm và các nguồn vốn hợp pháp khác mà không phải theo thứ tự ưu tiên; huy động vốn ODA, vốn vay ưu đãi mà không phải lập đề xuất dự án. Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương khi trao quyền cho UBND Thành phố được quyết định: việc phân chia dự án thành các dự án thành phần, tiểu dự án khi phê duyệt dự án; quyết định gia hạn thời gian thực hiện khi tổng mức đầu tư không tăng mà không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án; quyết định công trình không phải thi tuyển phương án kiến trúc; chỉ định thầu các gói thầu tư vấn, phi tư vấn, xây lắp và nhà đầu tư; được ứng trước ngân sách địa phương năm sau để thực hiện dự án đáp ứng tiến độ...
Gỡ vướng mắc trong hỗ trợ bồi thường, tái định cư
Quan tâm đến các giải pháp huy động vốn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An cho biết, hiện nay đang thiếu vắng các nhà đầu tư chiến lược nhằm huy động vốn tư nhân, trong khi việc đầu tư xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị tại hai thành phố lớn nhất cả nước không thể trông cậy vào mỗi nguồn vốn từ đầu tư công. Các Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội các địa phương được Quốc hội ban hành thời gian qua đều đã có nội dung về cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đơn cử là Nghị quyết cho tỉnh Khánh Hòa nêu cụ thể các chính sách mà nhà đầu tư chiến lược được hưởng. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm các hình thức nhằm huy động vốn từ khu vực tư nhân.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Chính phủ dự kiến nguồn kinh phí để đầu tư, thực hiện hệ thống đường sắt đô thị tại hai thành phố khoảng 3.065.100 tỷ đồng. “Như vậy bắt buộc sẽ phải huy động vốn ngoài nguồn vốn từ đầu tư công, tức là vốn tư nhân hoặc qua hình thức đối tác công - tư”. Nêu vấn đề này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Hải Nam cũng thấy rằng, cần phân tích, làm rõ hơn các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt về huy động nguồn vốn nhằm tăng tính thuyết phục của dự thảo Nghị quyết khi trình Quốc hội.
Đại biểu cũng nêu một “đặc thù” trong triển khai các tuyến đường sắt đô thị tại TP Hà Nội, TP. HCM vừa qua là đội vốn, kéo dài thời gian thực hiện và cho rằng, một trong những nguyên nhân là do bất cập về cơ chế, chính sách hỗ trợ bồi thường, tái định cư. “Tuyến đường sắt đô thị Xã Đàn mới - Voi Phục của Hà Nội mất bao nhiêu năm cũng không thể giải quyết xong việc bồi thường, tái định cư. Với quy mô các dự án đường sắt đô thị sẽ được triển khai đầu tư tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới là rất lớn, công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự kiến sẽ càng khó khăn hơn". Do đó, đại biểu đề nghị cần có những chính sách “đặc biệt của đặc biệt” gỡ nút thắt về cơ chế, chính sách liên quan đến thu hồi đất, bồi thường, tái định cư để triển khai dự án quan trọng này.
Cùng với đó, đại biểu cũng đề nghị cần có cơ chế, chính sách khả thi về bộ máy thực hiện Dự án. Với dự án quy mô lớn như đề xuất sẽ vượt quá khả năng của một Ủy ban thuộc Bộ Giao thông Vận tải. Do đó, cần có những cơ chế chính sách đặc thù về nguồn nhân lực, trong đó, không chỉ cần chính sách về miễn trừ trách nhiệm pháp lý mà cần bảo đảm một bộ máy đủ số người, đủ năng lực thực hiện các dự án xuyên suốt, bảo đảm việc triển khai hiệu quả, đồng bộ; kèm theo đó là chế độ, lương thưởng phù hợp.
Nhật An