Trẻ nhỏ thường xuyên ốm vặt, cần cha mẹ chăm sóc sát sao-một trong những nguyên nhân khiến nhiều người trẻ e ngại chuyện sinh con.
Giới trẻ ngại sinh con
Trong xã hội hiện đại, ngày càng nhiều phụ nữ trẻ có suy nghĩ, việc sinh con không còn là nghĩa vụ bắt buộc, mà là một lựa chọn mang tính cá nhân. Chị Nguyễn Phương, 34 tuổi (thành phố Thủ Đức), làm việc cho công ty nước ngoài, chia sẻ: “Tôi chưa có ý định lập gia đình hay sinh con. Vì hiện nay công việc quá bận rộn, trong khi chi phí sinh hoạt ngày càng leo thang. Nếu sinh con, tôi sẽ phải đánh đổi sự tự do và thời gian cá nhân-điều mà tôi chưa sẵn sàng”.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Thương, 36 tuổi (quận Gò Vấp), nhân viên bán hàng online, cho biết, đã kết hôn được 6 năm nhưng vẫn chưa có kế hoạch sinh con. Vợ chồng chị nhiều lần tính đến chuyện có con, nhưng rồi lại chùn bước vì sợ không đủ điều kiện để lo cho con một cuộc sống đầy đủ.
Trưởng phòng Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh) Trần Thị Ngọc Yến cho biết: Trong 10 năm qua, mức sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh luôn duy trì dưới mức sinh thay thế (2,1 con/ phụ nữ).
Hiện nay, mức sinh tại thành phố giảm xuống dưới mức 1,2 con/phụ nữ, mức thấp nhất cả nước. Nguyên nhân chính là đô thị hóa nhanh, áp lực công việc, nhà ở, giáo dục và chi phí nuôi con cao.
Từ góc độ quản lý, Thầy thuốc Nhân dân Phạm Việt Thanh, nguyên Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh phân tích: Sau năm 1975, chính sách dân số khuyến khích mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có 1-2 con, kèm theo chế tài trong bộ máy công quyền.
Dần dần, tư duy này trở thành thói quen xã hội. Lớp trẻ bây giờ lại sống theo lối tự do, không muốn ràng buộc con cái, dẫn đến mức sinh thấp. Nếu không có sự điều chỉnh chính sách hợp lý, Việt Nam sẽ đi vào “vết xe” của Nhật Bản và Hàn Quốc-những quốc gia đang vật lộn với dân số già và thiếu hụt lao động trẻ.
Chính sách mới phải đủ sức hút
Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Nghị quyết số 40/2024/NQ-HĐND, có hiệu lực từ ngày 21/12/2024, trong đó điểm đáng chú ý nhất là chính sách hỗ trợ một lần ba triệu đồng cho phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi. Chi cục Dân số Thành phố Hồ Chí Minh đang phối hợp các sở, ban, ngành để thống kê và triển khai các khoản hỗ trợ đầu tiên trong năm 2025.
Ngoài ra, Trung ương chính thức bãi bỏ giới hạn số con, cho phép đảng viên là cán bộ sinh con thứ ba, không xem xét xử lý kỷ luật. Đây được xem là chính sách mang tính bước ngoặt trong tư duy điều hành chính sách dân số.
Tiến sĩ, bác sĩ Bùi Chí Thương, Trưởng Khối sản Bệnh viện Nhân Dân Gia Định cho rằng: Người trẻ trì hoãn sinh con hoặc không sinh con đã trở thành một bài toán của xã hội. Nếu nhóm có tri thức, thu nhập tốt, vị trí xã hội ổn định cũng không muốn sinh con, thì tương lai nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ bị thiếu hụt trầm trọng.
Để khuyến sinh, cần có thêm nhiều chính sách khác, đó là hỗ trợ trong giai đoạn khám thai, trợ cấp tài chính, kéo dài thời gian nghỉ thai sản và cả thời gian nghỉ cho người chồng để chăm con phụ vợ...
Theo ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Dân số- Kế hoạch hóa gia đình (Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh), nhiều cặp vợ chồng mong muốn có hai con, nhưng để thực hiện điều này, họ cần có sự hỗ trợ từ bốn yếu tố quan trọng như: giáo dục, y tế, nhà ở và chính sách thuế thu nhập cá nhân.
Về giáo dục, các phụ huynh yêu cầu có một hệ thống nhà trẻ và trường mầm non có khả năng tiếp nhận trẻ dưới 12 tháng tuổi; đồng thời kéo dài thời gian giữ trẻ sớm vào buổi sáng và trả trẻ muộn vào buổi chiều. Họ cũng mong muốn được hỗ trợ chi phí bán trú cho trẻ. Tuy nhiên, các vấn đề về nhà ở và miễn giảm thuế thu nhập cá nhân nằm ngoài khả năng giải quyết của thành phố và cần sự can thiệp từ các chính sách của Trung ương.
Để có chính sách khuyến khích sinh con thật sự phát huy hiệu quả, cần có sự điều chỉnh đồng bộ nhằm hài hòa lợi ích giữa người lao động, doanh nghiệp và Nhà nước. Việc kéo dài thời gian nghỉ thai sản, hỗ trợ tài chính hay tạo điều kiện về nhà ở là những giải pháp quan trọng, nhưng cần đi kèm với các biện pháp bảo vệ quyền lợi việc làm, bảo đảm thu nhập và tạo môi trường làm việc thân thiện với gia đình.
Bên cạnh đó, các chính sách phải được triển khai linh hoạt theo từng khu vực, nhất là tại các đô thị lớn và khu công nghiệp, nơi mức sinh đang giảm mạnh. Thành phố Hồ Chí Minh đang đứng trước ngã rẽ lớn trong chính sách dân số. Giải bài toán mức sinh thấp không thể chỉ dựa vào các khoản hỗ trợ nhỏ lẻ mà cần một chiến lược tổng thể, dài hạn và mang tính hệ thống.
Bài và ảnh: CHI MAI