Cần Thơ: Đẩy nhanh 'tái khởi động' Bệnh Viện Ung Bướu

Cần Thơ: Đẩy nhanh 'tái khởi động' Bệnh Viện Ung Bướu
9 giờ trướcBài gốc
Mô hình Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ
Vào trưa ngày 11/7, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Văn Lâu đã trực tiếp kiểm tra hiện trạng dự án. Ông Trần Văn Lâu nhấn mạnh, dự án không chỉ có ý nghĩa quan trọng với người dân Cần Thơ mà còn với cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nơi đang rất cần một cơ sở chuyên khoa ung bướu hiện đại.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Văn Lâu thực tế hiện trạng dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ.
Dự án Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ, do Sở Y tế làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư ban đầu 1.727 tỷ đồng, trong đó 80,66% là vốn vay ODA từ Chính phủ Hungary và phần còn lại là vốn đối ứng của TP Cần Thơ. Khởi công năm 2017 và dự kiến hoàn thành vào năm 2022, dự án đã bị chậm tiến độ nghiêm trọng do nhiều nguyên nhân khách quan, bao gồm ảnh hưởng của dịch bệnh. Đặc biệt, hiệp định vay vốn ODA đã hết hiệu lực từ tháng 7/2022 và không được gia hạn, buộc dự án phải dừng thi công.
Tính đến nay, liên danh nhà thầu đã thực hiện khối lượng công việc tương đương gần 300 tỷ đồng, chỉ đạt 21,3% tổng giá trị. Mặc dù phần xây dựng đã đạt 80% khối lượng, nhưng toàn bộ phần trang thiết bị y tế vẫn chưa được triển khai. Tổng mức đầu tư sau điều chỉnh hiện đã tăng lên hơn 1.927 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá Euro.
Một số hình ảnh của dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ phơi nắng, phơi mưa
Vướng mắc lớn nhất hiện nay là việc chuyển đổi nguồn vốn từ ODA sang vốn trong nước, đòi hỏi phải có sự chấp thuận của Chính phủ. TP Cần Thơ đã đề xuất hai phương án giải quyết, cụ thể:
Đề nghị Trung ương hỗ trợ: Kêu gọi Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ khoảng 1.300 tỷ đồng để hoàn thiện dự án.
Sử dụng ngân sách địa phương: Nếu không có nguồn hỗ trợ từ Trung ương, TP Cần Thơ sẽ cân nhắc điều chỉnh ngân sách thành phố giai đoạn 2026 - 2030 để bố trí vốn, với sự cho phép của Ban Thường vụ Thành ủy.
Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ Hoàng Quốc Cường cho biết dự án đang trong quá trình điều chỉnh chủ trương đầu tư. Sau khi được chấp thuận, các bước tiếp theo như điều chỉnh dự án, phê duyệt trang thiết bị và thẩm định lại cấu hình thiết bị mới có thể được triển khai.
Dự án bị đình trệ không chỉ gây lãng phí nguồn lực mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng. Việc sớm đưa Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ đi vào hoạt động không chỉ đáp ứng nhu cầu cấp thiết về khám và điều trị ung bướu tại địa phương mà còn góp phần nâng cao chất lượng y tế cho toàn bộ khu vực ĐBSCL.
Lâm Vũ
Nguồn Vietnamdaily : https://vietnamdaily.kienthuc.net.vn/can-tho-day-nhanh-tai-khoi-dong-benh-vien-ung-buou-post1554289.html