Cần Thơ - Đô thị sinh thái, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước

Cần Thơ - Đô thị sinh thái, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước
3 giờ trướcBài gốc
Diện mạo mới khang trang
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP. Cần Thơ, đến nay, thành phố đã hoàn thiện quy hoạch đô thị, lập và phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu trên địa bàn các quận và điều chỉnh các đồ án quy hoạch chung thị trấn; ban hành Quy chế quản lý kiến trúc đô thị TP. Cần Thơ; thường xuyên rà soát các đồ án quy hoạch không còn phù hợp để tạo thuận lợi trong công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng. Trong quá trình rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị, thành phố luôn bám sát các chủ trương, chỉ đạo từ Trung ương hướng đến phát triển đô thị tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương.
Qua hơn 5 năm thực hiện Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030, thành phố đã huy động nhiều nguồn vốn để từng bước đầu tư hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt đô thị; xây dựng hệ thống hạ tầng kiểm soát và giảm tình trạng ngập nghẹt ở khu vực trung tâm thành phố do mưa, lũ, triều cường; kết nối hệ thống hạ tầng giữa khu vực trung tâm với các khu đô thị mới ở các quận, huyện. Cùng với việc đầu tư, nâng cấp các điểm tập trung, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt hiện đại; triển khai thực hiện kế hoạch phân loại, thu gom, trung chuyển rác để bảo đảm mỹ quan đô thị, thành phố đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, nhiên liệu sạch thân thiện với môi trường và giảm thiểu phát thải trong giao thông. Đến nay, nhiều công trình thuộc Dự án Phát triển TP. Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (Dự án 3) như cải tạo hệ thống thoát nước khu vực trung tâm quận Ninh Kiều (32 tuyến đường), xây dựng kè sông Cần Thơ; xây dựng bờ kè rạch Cái Sơn - Mương Khai; tuyến đường nối Cách mạng tháng Tám với đường tỉnh 918, xây dựng các cống ngăn triều và các âu thuyền kết hợp với cống ngăn triều (rạch Cái Sơn và Cái Khế), 9 cống ngăn triều trên tuyến hành lang kiểm soát ngập, cầu Trần Hoàng Na bắc qua sông Cần Thơ… đã tạo diện mạo ngày càng khang trang của đô thị sông nước Cần Thơ.
TP. Cần Thơ có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển thành đô thị xanh. Ảnh: Chí Quốc
Ðể bảo đảm cân bằng sinh thái, phát triển xanh, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, trong quá trình xây dựng và chỉnh trang đô thị, thành phố xác định trồng cây xanh là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên ở tất cả các địa phương. Những năm gần đây, phong trào trồng cây xanh đã trở thành hoạt động thường niên và là nét đẹp văn hóa gắn liền với quá trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Theo thống kê sơ bộ, giai đoạn 2021 - 2023, thành phố đã trồng gần 4,2 triệu cây phân tán, vượt 4,85% kế hoạch. Cây xanh đã tạo thành những “lá phổi sống” thanh lọc và cải thiện môi trường, tăng vẻ mỹ quan cho nhiều khu vực đô thị và nông thôn trên địa bàn.
Xây dựng, phát triển đô thị Cần Thơ gắn liền với bản sắc sông nước
Nghị quyết số 59-NQ/TW, ngày 5.8.2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết số 59-NQ/TW) xác định TP. Cần Thơ đến năm 2030 “là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước đồng bằng sông Cửu Long”. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố là tập trung triển khai thực hiện tốt quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tầm nhìn dài hạn, phát huy tốt nhất những tiềm năng, lợi thế để đưa Cần Thơ vươn lên không chỉ là đô thị phát triển năng động, mà còn là đô thị sinh thái mang bản sắc văn hóa sông nước đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Theo Quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với vị trí là đô thị trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long, phương án phát triển hệ thống đô thị của thành phố sẽ theo hướng tiên phong cho những mô hình phát triển đô thị đặc thù của vùng sông nước. Trong đó, tập trung vào 3 mô hình là: đô thị sinh thái sông nước dọc sông Hậu: lấy sông Hậu là mặt tiền chính cho toàn thành phố, phát triển bản sắc của từng quận, huyện thành đô thị bên các sông nhánh. Đô thị hiện đại, xanh, thân thiện với môi trường: phát triển trục hạ tầng đa phương thức dọc theo trục hành lang kinh tế Đông - Tây, đường sắt trên cao phục vụ cảnh quan, du lịch dọc sông Hậu; phát triển đô thị gắn với nhà ga đường sắt, sân bay. Đô thị thông minh: đô thị số gắn với phát triển kinh tế số, tích hợp kỹ thuật số để nâng cao hiệu quả của hệ thống hạ tầng cứng, nhất là hạ tầng giao thông.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng TP. Cần Thơ Mai Như Toàn, để phát triển đô thị Cần Thơ đúng theo định hướng mà Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị và quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra, vấn đề cần nhất quán trong nhận thức của cả hệ thống chính trị và nhân dân thành phố là xây dựng và phát triển đô thị Cần Thơ phải gắn liền với bản sắc sông nước trong bối cảnh quản trị đô thị thông minh, phát triển bền vững. Đô thị Cần Thơ phải gắn bó hữu cơ với sự vận hành của hệ thống đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long, liên kết với TP. Hồ Chí Minh và cả nước. “Chỉ có như thế, Cần Thơ mới có thể trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long; thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á, trở thành thành phố thông minh đáng sống của Việt Nam” - ông Mai Như Toàn nhấn mạnh.
Minh Phương
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/can-tho-do-thi-sinh-thai-mang-dam-ban-sac-van-hoa-song-nuoc-post395621.html