Đa dạng hóa các phương thức bảo vệ môi trường
Ngày 31.12.2021, Thành ủy Cần Thơ ban hành Chương trình số 27-CTr/TU về “Bảo vệ môi trường “Cần Thơ xanh và sạch”; phòng, chống ô nhiễm môi trường và ngập, nghẹt thành phố giai đoạn 2022 - 2025” với quan điểm “thu hút mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế, hợp tác quốc tế và lồng ghép chương trình mục tiêu quốc gia để bảo vệ môi trường “Cần Thơ xanh và sạch”, phòng, chống ô nhiễm môi trường và ngập, nghẹt bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, hợp lý trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của thành phố”.
Theo đó, thành phố đã tập trung đầu tư, từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật về xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp, nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt; triển khai nhiều dự án mở rộng khả năng bao phủ của hệ thống thu gom nước thải; nâng cao năng lực quan trắc, cảnh báo môi trường; cải thiện chất lượng môi trường ở nhiều kênh, rạch, ao, hồ khu vực nội ô. Lộ trình giảm phát thải khí nhà kính được triển khai thông qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai nhiều chương trình sản xuất sạch hơn; tập trung thực hiện tiêu chí về môi trường trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; phát động phong trào toàn dân tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, xây dựng TP. Cần Thơ xanh - sạch - đẹp - an toàn.
Nông dân Cần Thơ áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất. Ảnh: Hải Văn
Theo nhận định của tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam, thành tựu nổi bật của TP. Cần Thơ trong quá trình chuyển đổi xanh những năm gần đây là khuyến khích phát triển các hình thức giao thông ít phát thải khí carbon, tạo điều kiện thúc đẩy người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, xe đạp, xe điện; cải thiện kết cấu hạ tầng đường bộ để giảm thiểu khí thải do ùn tắc giao thông; đẩy mạnh chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; trồng cây và xây dựng thêm nhiều công viên…
Thời gian qua, thành phố cũng đã huy động nhiều nguồn lực để đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho 100% số hộ dân; khả năng đáp ứng nước sạch theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống đạt tỷ lệ 94,39%. Song song đó, thành phố thường xuyên triển khai nhiều chương trình thiết thực để bảo vệ môi trường như: “Ngày Chủ nhật xanh”; “Thứ Bảy tình nguyện”; “Đổi rác thải lấy quà tặng”; “Tuyến đường/khu dân cư xanh - sạch - đẹp”; ra quân thu gom rác thải, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật; xóa các biển quảng cáo trái phép; trồng cây xanh trên các tuyến đường, ven sông, kênh, rạch… Ở khu vực nông thôn, các mô hình “Phường sạch rác”, “Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp”... cũng được nhân rộng và ngày càng phát huy hiệu quả.
Để thành phố luôn “sáng - xanh - sạch - đẹp”
Với những nỗ lực bền bỉ để bảo vệ môi trường xanh, sạch, TP. Cần Thơ đã được WWF trao tặng danh hiệu “Thành phố Xanh quốc gia năm 2023 - 2024”. Trước đó, năm 2017, Cần Thơ đã được công nhận là “Thành phố có tiềm năng bền vững môi trường ASEAN lĩnh vực không khí”; năm 2021 đạt danh hiệu “Thành phố ASEAN bền vững môi trường lần thứ 5”. Những kết quả đó không chỉ thể hiện văn hóa ứng xử thân thiện với môi trường của người Cần Thơ, mà còn tăng thêm niềm tin, động lực để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố phấn đấu, sớm hiện thực hóa mục tiêu “xây dựng và phát triển Cần Thơ thành thành phố trung tâm vùng, sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long” theo Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5.8.2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Cần Thơ Dương Tấn Hiển cho biết: thời gian tới, để giữ vững những thành tựu đã đạt được trong công tác bảo vệ môi trường, bảo đảm cho thành phố luôn “sáng - xanh - sạch - đẹp”, TP. Cần Thơ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm huy động nhiều nguồn lực để tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các chính sách và giải pháp bảo vệ môi trường ở tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương. Trong đó, thành phố ưu tiên đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường trong phát triển công nghiệp, nông nghiệp, thương mại - dịch vụ; tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện các tiêu chí về môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng môi trường sống ở đô thị, nông thôn trên cơ sở tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa - Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị".
Song song với tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị theo hướng bền vững về môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu theo các tiêu chí phát triển bền vững của quốc gia và từng bước tiếp cận các tiêu chí bền vững về môi trường của khu vực và của thế giới, thành phố sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, hướng tới phát triển các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp xanh, tuần hoàn, phát thải thấp. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Cần Thơ Dương Tấn Hiển, là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định pháp luật để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường. Trước mắt, thành phố sẽ tăng cường vận động người dân tích cực tham gia các hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần; không xả rác tùy tiện và thu gom rác kịp thời trên các tuyến đường nội ô các khu đô thị.
Hiền Dung