Thông tin từ UBND TP Cần Thơ cho biết, trước khi sáp nhập, tỉnh Hậu Giang (cũ) đã tiến hành rà soát các dự án đầu tư chậm tiến độ, tồn đọng nhằm có hướng xử lý phù hợp. Qua đó ghi nhận toàn tỉnh còn 43 dự án chậm tiến độ, trong đó có 1 dự án đầu tư bằng ngân sách và 42 dự án đầu tư ngoài ngân sách.
Việc rà soát này nhằm làm rõ thực trạng từng dự án, xác định nguyên nhân và trách nhiệm cụ thể trước khi bàn giao về cho TP Cần Thơ tiếp tục quản lý sau sáp nhập.
Một góc phường Vị Thanh. Ảnh: CTV
Sau quá trình rà soát, Tổ công tác xử lý các dự án đầu tư chậm tiến độ cho biết, có 4 dự án tồn đọng kéo dài, đang gặp khó khăn nghiêm trọng về tài chính và pháp lý.
Cụ thể, dự án nhà ở cho người thu nhập thấp tại phường Thuận An (thị xã Long Mỹ, cũ) do Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư xây dựng H&B làm chủ đầu tư, được khởi công từ năm 2010 đến nay vẫn chưa hoàn thành. Chủ đầu tư đã xây dựng và bán một số căn hộ ở giai đoạn 1 và 2 nhưng chưa thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết như thẩm định giá bán nhà theo quy định. Tổ công tác khẳng định hiện nay công ty không còn đủ năng lực tài chính để tiếp tục triển khai dự án.
Dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng Khu dân cư thương mại thị trấn Bảy Ngàn (huyện Châu Thành A, cũ) do Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Hiệp Thuận làm chủ đầu tư. Theo Tổ công tác, khu B của dự án hiện vẫn chưa giải phóng được mặt bằng do chưa đạt được sự đồng thuận với người dân, trong khi khu A đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Điều này dẫn đến ảnh hưởng đến quy hoạch chung của khu vực.
Dự án Khu dân cư thương mại xã Vị Thanh (huyện Vị Thủy, cũ) do Công ty CP Xây dựng Sài Gòn Phố - Chi nhánh Hậu Giang làm chủ đầu tư. Dự án đã được giao đất và chủ đầu tư đã triển khai xây dựng một số hạng mục hạ tầng. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn chưa hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng, chưa hoàn ứng kinh phí ngân sách theo cam kết và không chứng minh được năng lực tài chính để tiếp tục thực hiện dự án.
Dự án Nhà máy Sản xuất dứa đóng hộp và nước trái cây tại TP Vị Thanh (cũ) do Công ty CP Chế biến Dứa Hậu Giang đầu tư. Dự án đã hết thời hạn thực hiện từ tháng 12/2022 nhưng đến nay chỉ mới hoàn thành phần nhà xưởng, thiết bị chưa được lắp đặt. Tổ công tác cho biết doanh nghiệp đã mất đối tác nước ngoài, không còn khả năng huy động vốn để triển khai tiếp. Nếu không được xử lý kịp thời, dự án có nguy cơ gây lãng phí lớn về đất đai và tài nguyên.
Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang (cũ) khẳng định, việc để các dự án chậm tiến độ kéo dài không chỉ gây lãng phí mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín của tỉnh trong thu hút đầu tư.
Do đó, UBND TP Cần Thơ yêu cầu các sở, ngành và địa phương liên quan tiếp tục rà soát chặt chẽ từng dự án, xác định rõ nguyên nhân chậm tiến độ, trách nhiệm cụ thể của nhà đầu tư và cơ quan quản lý.
"Trên cơ sở đó, các cơ quan có liên quan cần đề xuất các phương án xử lý phù hợp, vừa đảm bảo đúng quy định pháp luật, vừa hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Đối với các nhà đầu tư không còn đủ năng lực, cần mạnh dạn xem xét thu hồi dự án hoặc chuyển giao cho đơn vị khác có đủ năng lực triển khai", lãnh đạo UBND TP Cần Thơ chỉ đạo.
Đào Văn