Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, công tác điều hành chi ngân sách năm 2024 được thực hiện chủ động, chặt chẽ theo dự toán, bảo đảm triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm những nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai. Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2024 theo báo cáo của bộ, ngành, địa phương là 64.014 tỷ đồng.
Năm 2024, ngành Thanh tra đã triển khai 6.673 cuộc thanh tra hành chính và 118.983 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 157.585 tỷ đồng, 245ha đất; kiến nghị thu hồi 85.403 tỷ đồng và thu hồi 41ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 72.183 tỷ đồng, 204ha đất; ban hành 105.108 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân, với số tiền 4.150 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính đối với 2.360 tập thể và 9.017 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 269 vụ, 173 đối tượng.
Năm 2025, Chính phủ tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách; điều hành chi ngân sách nhà nước theo dự toán, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính nhà nước gắn với huy động các nguồn lực xã hội và sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng báo cáo tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn
Tăng cường quản lý, sử dụng tài sản công, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, tập trung vào việc sắp xếp, xử lý tài sản, đặc biệt là nhà, đất gắn với việc sắp xếp, tổ chức tinh gọn bộ máy. Hoàn thành sắp xếp tổ chức tinh gọn bộ máy theo đúng mục tiêu, yêu cầu đề ra gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Báo cáo thẩm tra vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính cơ bản nhất trí với nhiệm vụ, giải pháp được Chính phủ đặt ra, đồng thời đề nghị tiếp tục rà soát, khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống lãng phí, xác định rõ vướng mắc, bất cập, đề xuất phương án xử lý đảm bảo hiệu quả; sớm tổng kết, sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Đẩy mạnh công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất; rà soát, chuyển giao các cơ sở nhà, đất kém hiệu quả do các cơ quan Trung ương quản lý về cho địa phương phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; quản lý chặt chẽ, có phương án xử lý tình trạng để hoang hóa, lãng phí nhà ở công vụ, công trình phúc lợi công cộng; có kế hoạch tổng thể về quản lý, sử dụng hiệu quả trụ sở làm việc sau tinh gọn tổ chức bộ máy để bố trí cho các công trình phúc lợi công cộng, cơ sở khám, chữa bệnh, trạm y tế xã, phường tại một số địa phương hoặc có phương án khai thác, sử dụng hiệu quả, kịp thời.
Đẩy mạnh xử lý tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai của các dự án chậm đưa vào sử dụng, để hoang hóa, đất của các nông lâm trường, các dự án bị dừng thực hiện sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu thảo luận. Ảnh: media.quochoi.vn
Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị cần chỉ rõ những tồn tại, yếu kém và nêu ví dụ hai dự án bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức tại tỉnh Hà Nam chưa thể đưa vào sử dụng cũng là lãng phí và vừa qua Tổng Bí thư Tô Lâm phải chỉ đạo điều tra; từ đó đặt ra yêu cầu rà soát lại tất cả các dự án đã có, đang dở dang, chậm triển khai hoặc có vướng mắc để tháo gỡ, sớm đưa vào sử dụng.
Đồng thời cần rà soát để tháo gỡ, đưa các dự án còn “trên giấy”, chưa thực hiện đi vào thực tiễn để khơi thông nguồn lực. “Có nhiều nơi đăng ký dự án nhưng để đấy khiến đất trống bao năm, do đó cần thống kê toàn bộ, nếu nơi nào không làm thì thu hồi để tránh lãng phí”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói và cho rằng trong bối cảnh đang thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính Nhà nước, cần phải quản lý tài chính, tài sản để chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực trong lúc sáp nhập, chuyển đổi, đưa vào sử dụng hiệu quả.
Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải thảo luận. Ảnh: media.quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho biết, theo dõi phụ lục báo cáo cho thấy tất cả bộ, ngành, địa phương đều có báo cáo, duy chỉ Bộ Giáo dục và Đào tạo không có báo cáo; một số đơn vị chưa tự đánh giá điểm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Từ đó, bà Nguyễn Thanh Hải đề nghị cần đánh giá việc thực hiện báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các đơn vị, địa phương.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh báo cáo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ chín.
Tiến Thành