Cần thúc đẩy thị trường mỹ thuật Cố đô

Cần thúc đẩy thị trường mỹ thuật Cố đô
7 giờ trướcBài gốc
Họa sĩ Nguyễn Thị Huệ bên tác phẩm gốm nghệ thuật
Những "sải chân" mạnh mẽ của thế hệ tiên phong
Sự thay đổi được thể hiện rõ đầu tiên bởi tác phẩm của những tên tuổi lớn của Huế, như: họa sĩ Bửu Chỉ, Vĩnh Phối, Trương Bé, Công Huyền Tôn Nữ Tuyết Mai, điêu khắc gia Mai Văn Quýnh… Những nghệ sĩ thời kỳ đầu đổi mới này, người thì tự học thành tài, người được đào tạo bài bản ở nước ngoài, nhưng đều có điểm chung là đã mang mỹ thuật Việt Nam mà cụ thể là mỹ thuật Cố đô Huế ra thế giới.
Thế hệ thứ hai của họa sĩ Huế thời kỳ đổi mới là những Hà Văn Chước, Phan Thanh Bình, Đặng Mậu Tựu, Đặng Mậu Triết, Nguyễn Thiện Đức… Họ là nhóm họa sĩ đã thay đổi cách nhìn, cách biểu hiện, tìm kiếm những kỹ thuật, chất liệu mới để làm mới nghệ thuật. Điều đáng nói là tác phẩm của họ giữ được hồn cốt nghệ thuật, mang đậm tính triết lý, đời sống nhân sinh, ca ngợi con người, đất nước, di sản văn hóa Huế..., mở ra một lối đi khá rõ ràng cho thế hệ tiếp theo. Đa phần đều có nền tảng kiến thức mỹ thuật vững vàng, tiếp thu kiến thức nghệ thuật thế giới, các tác giả trẻ vẫn không ngừng tìm kiếm sự cách tân, từ chọn lựa phong cách, chủ đề, thủ pháp tạo hình, ngôn ngữ chất liệu… Nhiều tác giả đạt được những kết quả quan trọng qua những giải thưởng mỹ thuật trong và ngoài nước, thường xuyên tham gia các sự kiện mỹ thuật, được cộng đồng nghệ thuật Việt Nam và quốc tế đánh giá cao.
Triển lãm gốm thu hút sự quan tâm của những người yêu nghệ thuật
Yếu tố cách tân của thế hệ họa sĩ này được thể hiện rõ qua những lựa chọn thể nghiệm các loại hình mới, như sắp đặt và trình diễn của họa sĩ Nguyễn Văn Hè; điêu khắc, làm gốm, sắp đặt của vợ chồng họa sĩ Nguyễn Thị Huệ, Hoàng Thanh Phong; video art của hai anh em sinh đôi Lê Ngọc Thanh, Lê Đức Hải...
Thị trường mỹ thuật còn trầm lắng
Việc thành phố Huế thường xuyên có những trại sáng tác, triển lãm mỹ thuật đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy sự phát triển nghệ thuật trong đội ngũ người làm nghệ thuật, đồng thời “hâm nóng” tình yêu nghệ thuật, cổ vũ sự phát triển trong cộng đồng. Dù vậy, so với các đô thị lớn, đặc biệt như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thì thị trường mỹ thuật Cố đô vẫn còn rất trầm lắng.
Với họa sĩ Đỗ Lân, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố Huế, có nhiều lý do khiến việc thị trường mỹ thuật Huế trầm lắng hơn các địa phương khác, như: tính cách Huế, thời tiết Huế, tài chính của người dân, tài năng nghệ sĩ, chính sách của thành phố..., đã ảnh hưởng đến tâm lý sưu tập, kinh doanh các loại hình nghệ thuật chất lượng cao. Người dân Cố đô đa phần tiếp cận các dòng tranh giá rẻ nhằm mục đích trang trí đơn thuần, mà thiếu hẳn những người chuyên sâu theo dòng phát triển để sưu tầm thành bộ. Cùng với đó là việc quảng bá tác phẩm chưa sâu rộng, chưa tiếp cận được nhiều số đông, chưa có một số điểm trưng bày, phòng tranh chuyên nghiệp để các nghệ sĩ có động lực thể hiện tài năng. Hiện các phòng tranh ở Huế còn nhỏ lẻ, đơn độc và cả… tạm bợ, nên chưa phát huy được giá trị tác phẩm một cách tinh tế, sang trọng để có thể chạm được tâm hồn người thưởng lãm.
Gần đây, một số tác giả trẻ bán được tranh online nhưng không đáng kể vì giá không cao và muốn bán đa phần phải vẽ theo dòng tranh thị trường. Người sưu tập cũng như mạnh thường quân, các giám tuyển nghệ thuật gần như vắng bóng tại thị trường Huế, khiến mỹ thuật Huế như một "ao nhỏ" không lưu thông dòng nước. Các tác giả ở Huế, đặc biệt là tác giả trẻ, vẫn đang nuôi sống đam mê từ những nghề khác chứ ít có ai có thể sống hoàn toàn nhờ vào nghệ thuật.
Để thúc đẩy thị trường mỹ thuật Huế, họa sĩ Đỗ Lân cho rằng, cần tập trung vào các giải pháp như phát triển hạ tầng và không gian nghệ thuật bằng cách đầu tư vào các gallery tư nhân cũng như nâng cấp không gian trưng bày hiện có. Bên cạnh đó là nâng cao tính thương mại và tiếp cận thị trường, khuyến khích nghệ sĩ phát triển sản phẩm mỹ thuật ứng dụng, quà tặng cao cấp và tổ chức triển lãm, đấu giá định kỳ. Đồng thời, xây dựng sự kiện mỹ thuật thường niên uy tín và ứng dụng nền tảng trực tuyến để quảng bá tác phẩm.
Họa sĩ Đỗ Lân cho biết: “Việc phát triển và hỗ trợ nguồn nhân lực cũng là một giải pháp quan trọng. Cần có các khóa học về kinh doanh nghệ thuật cho nghệ sĩ, khuyến khích trao đổi kinh nghiệm quốc tế, tạo diễn đàn kết nối giữa nghệ sĩ, nhà sưu tầm và doanh nghiệp du lịch. Ngoài ra, thành lập quỹ hỗ trợ dự án nghệ thuật và khai thác nguồn tài trợ quốc tế".
Cuối cùng chính là việc xây dựng thương hiệu và quảng bá hình ảnh nghệ sĩ, hình thành làng nghệ sĩ để tổ chức tour tham quan chuyên nghiệp, đồng thời tổ chức các triển lãm giao lưu văn hóa quốc tế nhằm đưa mỹ thuật Huế ra thế giới và thu hút nghệ sĩ quốc tế đến Huế.
Với những bất cập, những hạn chế hiện có, mỹ thuật Huế cần lắm những cú hích, không chỉ tinh thần mà là một cách làm, cách tổ chức hiệu quả hơn cho nghệ sĩ mà định hướng phải là làm sao cho nghệ sĩ sống được bằng nghề.
Phạm Phước Châu
Nguồn Thừa Thiên Huế : https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/can-thuc-day-thi-truong-my-thuat-co-do-155552.html