Cần triển khai toàn diện công tác điều tra tài nguyên du lịch

Cần triển khai toàn diện công tác điều tra tài nguyên du lịch
2 tháng trướcBài gốc
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong đánh giá, Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế riêng biệt để phát triển du lịch như nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nền văn hóa đa dạng, hấp dẫn với các danh lam thắng cảnh, di tích cùng với đó là văn hóa lễ hội độc đáo.
Cả nước có hơn 40.000 di tích và gần 70.000 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê. Trong đó, có 32 di sản được UNESCO ghi danh; 128 di tích quốc gia đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng; 3.621 di tích quốc gia; 11.232 di tích cấp tỉnh; 534 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Bên cạnh đó, Việt Nam còn sở hữu bờ biển dài 3.260 km với 125 bãi tắm biển, 7.966 lễ hội, 34 vườn quốc gia và trên 1.000 hang động, công viên địa chất, khu dự trữ sinh quyển...
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong phát biểu tại Hội nghị triển khai điều tra tài nguyên du lịch năm 2024. (Ảnh: Đăng Khoa)
Tuy nhiên, Thứ trưởng Hồ An Phong nhìn nhận, mặc dù sở hữu nguồn tài nguyên tự nhiên vô cùng phong phú nhưng đến nay việc điều tra, đánh giá phân loại tài nguyên du lịch trên cả nước vẫn chưa được thực hiện bài bản, thống nhất, triệt để.
Theo Thứ trưởng Hồ An Phong, công tác điều tra tài nguyên du lịch là nhiệm vụ quan trọng có phạm vi triển khai rộng lớn trên cả nước. Việc tổ chức điều tra tài nguyên du lịch nhằm hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên du lịch, phục vụ công tác quản lý, lập quy hoạch, phát triển sản phẩm du lịch và các khu, điểm du lịch trên phạm vi cả nước.
"Luật Du lịch năm 2017 đã quy định chi tiết về công tác điều tra tài nguyên du lịch. Do đó, cần triển khai toàn diện, thực hiện bài bản và chi tiết đến từng địa bàn, từng loại tài nguyên để làm cơ sở dữ liệu sử dụng lâu dài" - Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong nhấn mạnh.
Hội nghị có sự tham dự của hơn 200 đại biểu là cán bộ, quản lý, chuyên viên phụ trách lĩnh vực du lịch thuộc các Sở Du lịch, Sở VH-TT-DL 43 tỉnh, thành trên cả nước. (Ảnh: Đăng Khoa)
Tại Hội nghị, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã triển khai kế hoạch tổng thể điều tra tài nguyên du lịch, gồm: Đối tượng, bộ tiêu chí đánh giá, phạm vi, phương án, thời gian tiến hành điều tra…
Cùng với đó, các đại biểu tham dự đã thảo luận, đóng góp ý kiến về những vấn đề liên quan như: Phân loại danh mục tài nguyên, mẫu biểu điều tra; bộ tiêu chí đánh giá; cách thức, lộ trình thực hiện.... Đồng thời, đề nghị cần có văn bản hướng dẫn thống nhất về khung kinh phí, quy trình thực hiện áp dụng chung để các tỉnh có căn cứ lập kế hoạch tham mưu UBND tỉnh phê duyệt làm căn cứ pháp lý.
Các đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến tại Hội nghị. (Ảnh: Đăng Khoa)
Chia sẻ tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Ngọc Khánh bày tỏ sự vinh dự khi được Bộ VHTTDL chọn làm địa phương tổ chức Hội nghị triển khai điều tra tài nguyên du lịch năm 2024 và hân hoan chào đón các đại biểu đến từ hơn 43 tỉnh thành trên cả nước về tham dự Hội nghị.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đây là cơ hội để địa phương được tập huấn, hướng dẫn về công tác điều tra, đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch. Từ đó hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên du lịch bài bản phục vụ cho công tác quản lý, lập quy hoạch, phát triển sản phẩm du lịch, phát triển các khu, điểm du lịch.
Trước đó, ngày 31/10, Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã chủ trì khảo sát thực địa tài nguyên du lịch các điểm đến trên địa bàn tỉnh gồm: Khu di tích lịch sử văn hóa Dinh Cô, Khu di tích lịch sử căn cứ Minh Đạm và suối khoáng nóng Bình Châu. Tham gia đoàn khảo sát có hơn 200 cán bộ, quản lý, chuyên viên phụ trách lĩnh vực du lịch Sở Du lịch, Sở VH-TT-DL trên cả nước.
Đoàn khảo sát tại Khu di tích lịch sử văn hóa Dinh Cô. (Ảnh: Đăng Khoa)
Đoàn khảo sát tập trung vào 3 nhóm chỉ tiêu chính gồm: thông tin chung về tài nguyên du lịch (tên gọi, vị trí, phạm vi, diện tích đất đang sử dụng, chủ thể quản lý, sử dụng); hiện trạng khai thác và sử dụng tài nguyên du lịch; đặc điểm, tính chất, giá trị của tài nguyên du lịch. Việc khảo sát thực địa các điểm đến trên là bước thí điểm nhằm đánh giá bộ tiêu chí, phương án, các yêu cầu thông tin mang tính kỹ thuật, quy trình thu thập thông tin, phân loại tài nguyên.
Hải Bình
Nguồn Tổ Quốc : https://toquoc.vn/can-trien-khai-toan-dien-cong-tac-dieu-tra-tai-nguyen-du-lich-20241101195245718.htm