Nhiều vụ lừa đảo bị phanh phui
Bất động sản là tài sản lớn, đây là mục tiêu của những kẻ lừa đảo. Thời gian qua, hàng loạt vụ lừa đảo bất động sản xảy ra là lời cảnh tỉnh rằng không phải lời hứa nào cũng đáng tin.
NHỮNG VỤ LỪA ĐẢO LỚN
Thời gian qua, nhiều vụ việc lừa đảo mua bán bất động sản đã được khởi tố. Theo đó, ngày 22/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Công Thắng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Odiland về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Cơ quan điều tra cáo buộc Trần Công Thắng biết rõ thửa đất số 592, tờ bản đồ số 8, diện tích hơn 4.800m2, ở phường An Phú Đông, quận 12, chưa thực hiện phân lô, tách thửa; bị can chỉ mới đặt cọc mua một phần đất của bà Phan Thị Tuyết Nga, hoàn toàn không có bất kỳ thủ tục xin lập dự án và không được các cơ quan chức năng cấp phép lập dự án.
Tuy nhiên, Thắng đã tự đặt tên khu đất trên thành dự án Ruby City để tư vấn, rao bán cho khách hàng, sau đó nhận tiền và chiếm đoạt của nhiều người.
Cơ quan điều tra đang tìm kiếm ai là người bị hại của Trần Công Thắng và Công ty Cổ phần Bất động sản Odiland, đề nghị đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM, tại số 674 đường Ba Tháng Hai, phường 14, quận 10, để tố giác tội phạm.
Hay vụ việc Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hải Dương đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam Lê Thanh Hồng, 52 tuổi, ở thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Nhiều vụ việc lừa đảo mua bán bất động sản đã được khởi tố
Trước thời điểm bị bắt, Lê Thanh Hồng là người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần đầu tư AVISA và Công ty cổ phần đầu tư Vạn Đạt Phát, cùng có trụ sở ở thành phố Hải Dương.
Kết quả điều tra ban đầu của công an, từ năm 2021 đến nay, Hồng đưa ra thông tin gian dối về dự án bất động sản do Công ty cổ phần đầu tư AVISA làm chủ đầu tư để rao bán, chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư.
Trong các dự án mà Hồng đưa ra thông tin gian dối có dự án AVISA City, ở khu đô thị Ái Quốc, thành phố Hải Dương. Dự án này chưa được cơ quan chức năng chấp thuận đầu tư.
Hiện Công an Hải Dương thông báo, ai là bị hại trong vụ án này cần sớm liên hệ với Cơ quan An ninh điều tra của Công an tỉnh Hải Dương tại số 35 đại lộ Hồ Chí Minh, thành phố Hải Dương.
Vào ngày 12/1/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Bùi Văn Hải (sinh năm 1981, quê quán huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa; đăng ký hộ khẩu thường trú tại phường An Hòa, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Bùi Văn Hải là Giám đốc Công ty Cổ phần kinh doanh Bất động sản Song Vi VN Group. Qua công tác nắm tình hình, xác minh, điều tra, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, công an xác định trong thời gian từ tháng 4/2022 đến tháng 9/2023, Bùi Văn Hải đã đưa ra các thông tin gian dối để ký hợp đồng hợp tác hỗ trợ tài chính với bà T.T.N. (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) tại dự án Trung tâm thương mại và nhà phố Eden tại phường Nam Ngạn, thành phố Thanh Hóa, qua đó đã chiếm đoạt của bà N. số tiền khoảng 2,7 tỷ đồng.
NHIỀU BẪY ĐƯỢC GIĂNG RA
Theo Công ty Cổ phần Địa ốc Mai Việt Land hiện nay, có nhiều đối tượng lợi dụng sự cả tin của nhiều người sẵn sàng ra tay, chiêu dụ người mua bất động sản “sập bẫy”. Thực tế đã có không ít người bị mất trắng hàng chục, hàng trăm, thậm chí cả tỷ đồng vì những chiêu trò lừa đảo này.
Để giảm thiểu rủi ro “tiền mất tật mang” khi mua bán bất động sản, Mai Việt Land đã chỉ ra 6 mánh lừa phổ biến trên thị trường hiện nay.
Thứ nhất, lừa đảo chiếm dụng tiền đặt cọc. Thời gian gần đây xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp địa ốc rao bán các dự án đất nền ma để chiếm đoạt tiền cọc của khách hàng. Họ thường cho môi giới gọi điện thoại mời khách đến địa điểm xem nền đất, nhưng thực tế là đất quy hoạch dành cho công trình công cộng, chưa được phê duyệt cho dự án nào.
Thậm chí, một số công ty còn chào bán công khai trên website với bản đồ quy hoạch, sa bàn dự án rất bắt mắt để thu hút người mua. Hầu hết những dự án này thường được chọn ở vị trí đẹp, gần các tuyến đường lớn, gần trường, chợ… và được rao bán với giá thấp hơn hẳn mức chung của thị trường.
Để chiếm được lòng tin của khách hàng, họ còn tổ chức cho nhân viên dẫn dụ khách đến xem trực tiếp khu đất dự án, rồi “bày binh bố trận” cảnh người người chen nhau mua bán, ký hợp đồng và thanh toán tiền ngay trước mặt người đi xem đất nhằm tạo độ “hot” cho dự án.
Thứ hai, giả ngân hàng thanh lý nhà đất. Để thu hút khách mua đất nền vùng ven, một số đối tượng cò đất nghiệp dư đã tung ra những thông tin quảng cáo vô cùng hấp dẫn như “bán đất nền ngân hàng thanh lý giá rẻ tại quận 2, quận 9, Thủ Đức”… hoặc mạo danh là nhân viên ngân hàng để tạo niềm tin với khách.
Thứ ba, mạo danh chính quyền, chủ đầu tư uy tín lừa bán đất. Vừa qua có hàng loạt công ty bất động sản có uy tín trên thị trường đã lên tiếng tố cáo nhiều cá nhân, tổ chức lập website mạo danh công ty để thực hiện hành vi lừa đảo khách hàng.
Cẩn trọng khi mua bán bất động sản
Theo đó, các website mạo danh này ngang nhiên sử dụng trái phép hình ảnh và đưa ra nhiều tài liệu sai lệch về dự án, ghi số điện thoại giả mạo. Thậm chí, có website còn đăng tải thông báo về việc thay mặt chủ đầu tư nhận tiền đặt cọc, giữ chỗ và đưa ra giá bán thấp hơn nhiều so với mức dự kiến của chủ đầu tư với mục đích để “dụ” khách hàng.
Thứ tư, một lô đất nhưng bán cho nhiều người. Hình thức này thường được các đối tượng lừa đảo sử dụng ở những mảnh đất, ngôi nhà đang đợi làm thủ tục chuyển đổi, ra sổ, đợi đền bù… Vì chưa có giấy tờ, không thể mua bán qua công chứng, nên hầu hết các giao dịch được thực hiện bằng giấy tờ viết tay. Với một mảnh đất, các đối tượng lừa đảo sẵn sàng viết giấy bán cho bất kì người nào muốn mua vì ham rẻ hoặc nhẹ dạ, cả tin.
Kết quả là khi bị phát hiện, kẻ lừa đảo ôm tiền lặn mất tăm, còn những người mua ở lại tiếp tục kiện tụng, tranh chấp không ngừng. Không chỉ với bất động sản chưa có giấy tờ, một số trường hợp nhà đất có giấy tờ chủ quyền cũng xảy ra tình trạng lừa đảo này.
Thứ năm, lừa đảo bán nhà đất qua vi bằng. Tại nhiều địa phương, một số đối tượng cò mồi, lừa đảo đã rao bán những miếng đất phân lô, xen kẹt, những căn nhà không đủ điều kiện pháp lý (thường là những căn nhà “ba chung”: chung giấy phép xây dựng, chung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chung số nhà) để giao dịch với lời quảng cáo hấp dẫn “giao dịch có vi bằng do Thừa phát lại lập”. Không ít người mua nhà nhầm tưởng vi bằng do thừa phát lại lập có thể thay công chứng, chứng thực, coi đó là bằng chứng pháp lý chắc chắn cho việc giao dịch để rồi vớ quả đắng.
Thứ sáu, giả khách mua đánh tráo sổ đỏ. Thủ đoạn lừa đảo này thường nhằm vào người có nhu cầu bán nhà đất. Nhóm đối tượng sẽ nhắm đến các nhà đất có giá trị cao. Sau khi liên hệ và tiếp cận trong vai trò là người đi xem mua nhà, chúng sẽ mượn bản sao sổ đỏ và chụp lại để xác minh thông tin, một lý do vô cùng hợp lý mà bạn không thể nào từ chối.
Bước kế tiếp, nhóm đối tượng này sẽ sử dụng các thông tin, hình chụp các giấy tờ nhà đất đó làm giả một bộ hồ sơ nếu chỉ nhìn bằng mắt thường rất khó phân biệt được. Tiếp theo nhóm đối tượng này sẽ đóng giả khách mua mới, tiếp cận chủ nhà lần hai để tìm cách đánh tráo hồ sơ nhà đất thật, giả và “cao chạy xa bay”.
CẨN TẮC VÔ ÁY NÁY
Nhiều cá nhân tổ chức lợi dụng lòng tin, kẽ hở của pháp luật để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trong mua bán bất động sản. Để tránh trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo này. Theo một vị luật sư có tiếng trong ngành, người mua cần trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng cần thiết.
Về giấy tờ pháp lý cần kiểm tra kỹ lưỡng giấy tờ pháp lý: Trước khi quyết định mua bất kỳ bất động sản nào, hãy kiểm tra sổ đỏ và các giấy tờ pháp lý liên quan tại cơ quan chức năng. Đảm bảo rằng tài sản không thuộc diện tranh chấp, cầm cố hoặc quy hoạch.
Đối với dự án, khách hàng cần tìm hiểu thông tin kỹ càng. Nếu mua bất động sản trong các dự án, hãy xác minh thông tin về chủ đầu tư, giấy phép xây dựng, và quy hoạch dự án. Đừng ngần ngại yêu cầu xem các văn bản pháp lý và hỏi ý kiến từ luật sư hoặc chuyên gia.
Bên cạnh đó, người mua nên đi tham khảo giá thị trường. Trước khi đưa ra quyết định mua, hãy khảo sát giá bất động sản trong khu vực để tránh bị mua giá quá cao. Sử dụng các nguồn thông tin đáng tin cậy hoặc tham khảo ý kiến từ các môi giới uy tín.
Hợp đồng cần rõ ràng, soạn thảo hợp đồng mua bán chi tiết, đầy đủ các điều khoản về quyền và nghĩa vụ của các bên. Nếu cần, hãy thuê luật sư để đảm bảo hợp đồng phù hợp với quy định pháp luật và bảo vệ quyền lợi của người mua.
Khách hàng nên cẩn trọng với các khoản đặt cọc. Không đặt cọc số tiền lớn khi chưa kiểm tra đầy đủ thông tin về tài sản. Hãy yêu cầu biên nhận hoặc hợp đồng đặt cọc có chữ ký của các bên liên quan. Tránh tâm lý vội vàng vì các kẻ lừa đảo thường tạo áp lực về thời gian, như "nếu không mua ngay sẽ mất cơ hội" để khiến bạn mất cảnh giác.
“Cuối cùng, điều quan trọng nhất là luôn tỉnh táo và thận trọng trong mọi giao dịch. Bất động sản là một tài sản có giá trị lớn, vì vậy đừng để những lời hứa hẹn hấp dẫn làm lu mờ sự cảnh giác”, vị luật sư bày tỏ.
Ngọc Duy