Bởi đây là những mặt hàng có sức tiêu thụ mạnh trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Vậy làm sao để có thể lựa chọn những mặt hàng Tết đảm bảo an toàn thực phẩm?
Người tiêu dùng nên cẩn trọng khi lựa chọn các thực phẩm đóng gói sẵn. Ảnh: Vũ Minh
Liên tiếp phát hiện hàng Tết vi phạm an toàn thực phẩm
Nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) phục vụ nhân dân đón Tết, các đoàn liên ngành kiểm tra ATTP từ trung ương đến các địa phương đã và đang tập trung kiểm tra các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều, có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm. Ngày 25-12, Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP số 1 của Thành phố Hà Nội đã ra quân kiểm tra công tác bảo đảm ATTP dịp Tết và lễ hội Xuân năm 2025 tại một số xưởng sản xuất bánh kẹo phục vụ dịp Tết trên địa bàn thành phố.
Qua kiểm tra, Đoàn đã quyết định tạm dừng hoạt động Công ty TNHH thực phẩm Hải Việt (cụm công nghiệp Yên Nghĩa, Hà Đông) do vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm như nhà xưởng không đảm bảo vệ sinh, các thành phẩm bị đặt trực tiếp trên sàn nhà, người lao động không sử dụng quần áo bảo hộ, găng tay hay khẩu trang khi trực tiếp tiếp xúc với sản phẩm.
Tương tự với các lỗi vi phạm trên, ngày 7-1, Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP số 1 của Thành phố Hà Nội đã tạm dừng hoạt động Công ty CP Công nghiệp thực phẩm An Đông - cơ sở sản xuất và cung ứng kẹo cứng và bánh quy (xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội). Cũng trong ngày 7-1, xưởng sản xuất bim bim, bánh snack, bánh kẹo của Công ty CP Thương mại và CNTP Đức Vinh (địa chỉ: Số 2 đường Thanh Niên, điểm Công nghiệp La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội) bị tạm dừng hoạt động do không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cơ sở có điều kiện xuống cấp, nhếch nhác, các loại bim bim được đổ xuống sàn đất két bẩn dầu mỡ, công nhân dùng tay không bốc sản phẩm đóng gói. Kinh hoàng hơn, trong xưởng sản xuất phát hiện có cả xác chuột chết đã bốc mùi hôi thối.
Ngoài mặt hàng bánh kẹo nói trên, đặc sản truyền thống nổi tiếng của Hà Nội như cơ sở bánh cốm Nguyên Ninh (11 Hàng Than, quận Hoàn Kiếm) cũng bị phát hiện nhiều lỗi vi phạm ATTP như khu vực sản xuất, kho chứa thực phẩm, nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng, tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập…
Tiếp đến là các loại thực phẩm đóng gói sẵn, Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP số 1 của Thành phố Hà Nội kiểm tra đột xuất tại Công ty TNHH Sản xuất chế biến thực phẩm Alishan (cơ sở sản xuất chế biến chân gà) tại thôn Phù Yên, xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ phát hiện các lỗi vi phạm: Hệ thống cống rãnh chưa kín; tường, trần, nền còn ẩm mốc; thiếu kho bảo quản thành phẩm. Đáng lo ngại, cơ sở này cũng chưa chứng minh được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm chân gà đưa vào chế biến do cũng được nhập lại từ một công ty ở tỉnh Thái Bình. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội sẽ phối hợp với cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình truy xuất nguồn gốc chân gà này. Nếu cơ sở không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, sẽ đưa ra hình thức xử lý. Ngoài ra, Đoàn kiểm tra cũng lấy mẫu chân gà về để kiểm định chất lượng.
Mới đây nhất, ngày 8-1, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an thành phố Hà Nội phối hợp lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm ở xã Kim Quan, huyện Thạch Thất đã phát hiện hơn 3 tấn thực phẩm gồm nầm, tràng, chân gà, đuôi trâu bò các loại… không rõ nguồn gốc. Đây cũng là những món ăn “khoái khẩu” trên bàn nhậu trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân sắp tới.
Đại diện đoàn kiểm tra liên ngành về công tác ATTP số 1 của Thành phố, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong đánh giá: Tính từ ngày 25-12 đến hết ngày 7-1, Đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra đột xuất, không báo trước với 6 cơ sở trên địa bàn Hà Nội. Đáng lo ngại, cả 6 cơ sở đều không đảm bảo ATTP với nhiều lỗi vi phạm nghiêm trọng. Đoàn đã yêu cầu các cơ sở tạm dừng hoạt động để khắc phục lỗi vi phạm. Trong quá trình thanh kiểm tra, những hình ảnh ghi nhận thực tế tại một số cơ sở sản xuất là “khủng khiếp về mức độ mất an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Lưu ý khi sử dụng và bảo quản thực phẩm bao gói sẵn trong dịp Tết
Bên cạnh sự nỗ lực của lực lượng chức năng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phục vụ Tết cần nâng cao ý thức tự giác chấp hành nghiêm quy định pháp luật về ATTP; không vì lợi nhuận nhất thời mà đánh đổi thương hiệu, uy tín của đơn vị mình để đưa ra thị trường những sản phẩm không bảo đảm chất lượng hoặc có nguy cơ mất ATTP. Đặc biệt, đối với người tiêu dùng cần cẩn trọng trong việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn, đặc biệt là các loại thực phẩm đóng gói sẵn thường được tiêu thụ mạnh trong dịp Tết.
Bà Lê Thị Hằng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đưa ra khuyến cáo, người tiêu dùng phải có kiến thức cơ bản để biết cách lựa chọn các mặt hàng đóng gói sẵn. Khi mua thực phẩm loại này thì chỉ chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, kiểm tra kỹ nhãn mác, tuyệt đối không sử dụng thực phẩm đã có dấu hiệu ôi thiu, mốc hỏng. Ngoài ra, người tiêu dùng cần quan sát kỹ thông tin trên bao bì sản phẩm, bao bì phải có đầy đủ các nội dung về nhãn theo quy định như tên sản phẩm, thông tin nơi sản xuất, xuất xứ, ngày sản xuất, hạn sử dụng, định lượng, thành phần hoặc thành phần định lượng, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản, thông tin cảnh báo.
Đối với sản phẩm nhập khẩu phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt. Người tiêu dùng không lựa chọn, sử dụng thực phẩm khi có dấu hiệu bị phồng hộp. Nếu chọn những thùng thực phẩm đóng gói sẵn tổng hợp trong đó có nhiều loại sản phẩm khác nhau, người tiêu dùng cần chú ý chất lượng sản phẩm bên trong, kiểm tra kỹ hạn sử dụng của riêng từng loại sản phẩm và nhờ người bán xếp thành giỏ quà. Đối với các sản phẩm khô, chọn loại có màu sắc tự nhiên, hạn chế những sản phẩm có nhiều màu sắc tổng hợp; chọn sản phẩm bao bì còn nguyên vẹn, bày bán nơi thoáng mát, mới sản xuất và còn hạn sử dụng; quan sát kỹ bên ngoài sản phẩm nếu phát hiện mứt bị mốc thâm kim hay mốc xanh, mùi hôi, chảy nước, mùi chua thì tuyệt đối không mua, sử dụng.
Ngoài ra, việc bảo quản thực phẩm cũng rất quan trọng. Trong những ngày Tết, tủ lạnh của các gia đình hầu như bị quá tải do có quá nhiều thức ăn. Với tâm lý “Tết no đủ”, nhiều bà nội trợ vẫn có tâm lý tích trữ các loại thức ăn truyền thống như bánh chưng, giò chả, bánh mứt kẹo… Với thời tiết nồm ẩm của miền Bắc trong những ngày Tết, bánh chưng rất dễ bị mốc, sản sinh độc tố aflatoxin gây độc cho gan và làm tăng nguy cơ ung thư.
Do đó, thay vì tích trữ quá nhiều bánh chưng, mọi người nên mua đủ ăn, chọn mua bánh chưng từ các cơ sở uy tín, bảo quản bánh trong ngăn mát tủ lạnh với nhiệt độ từ 5 - 10oC thì có thể sử dụng bánh trong khoảng 15 - 20 ngày. Cách bảo quản giò lụa, giò bò, chả tốt nhất là để ở nhiệt độ thường dưới 25oC trong điều kiện thời tiết khô ráo, khi bảo quản đúng cách giò sẽ giữ được khoảng 2 - 4 ngày. Nếu để giò chả trong ngăn mát tủ lạnh sẽ được khoảng 1 tuần.
Dưa hành, củ kiệu muối và dưa món là những món ăn kèm chống ngán trong mâm cỗ Tết. Tuy nhiên dưới tiết trời mùa xuân độ ẩm cao, dưa hành nếu không được bảo quản tốt rất dễ bị nổi váng mốc và có màu, mùi khác lạ. Do đó, chúng ta cần chú ý luôn đậy kín lọ và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh để giữ nguyên hương vị của dưa hành, củ kiệu. Các loại mứt và trái cây khô thường chứa nhiều đường nên rất dễ bị chảy nước và dễ bị mốc. Muốn bảo quản các loại mứt được lâu, cần cho mứt vào lọ hoặc hộp kín nắp hoặc túi ni-lon buộc chặt. Mỗi lần tiếp khách, mọi người chỉ nên lấy lượng vừa đủ ra đĩa hoặc khay có nắp đậy; lưu ý không nên cất các loại mứt vào tủ lạnh vì khi bỏ ra ngoài rất dễ hút ẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm mốc phát triển.
Bảo Ngọc