Nữ sinh G., 20 tuổi, sinh viên đại học trên địa bàn Hà Nội là một trong những nạn nhân của chiêu trò này. Ban đầu, cô nhận được cuộc gọi từ một người đàn ông tự xưng là trung úy Nguyễn Văn Nam công tác tại Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP. Hà Nội. Người này thông báo cô đang là nghi can trong một vụ án hình sự và yêu cầu vào TP. Hồ Chí Minh trong 5 - 10 ngày để trình diện và phối hợp điều tra. Khi nữ sinh cho biết vướng lịch học, một người đàn ông yêu cầu cô cài ứng dụng Zoom để tham gia cuộc họp trực tuyến. Tại đây, nhóm lừa đảo thông báo danh tính của cô bị lợi dụng trong đường dây chiếm đoạt 31 tỷ đồng, đồng thời gửi công văn và hình ảnh tang vật để tăng độ tin cậy. Khi thấy “nạn nhân” tỏ ra nghi ngờ, nhóm này bật camera để cô thấy một người mặc quân phục công an, bảng tên Trần Hiếu Nghĩa, kèm theo súng và còng tay. Họ yêu cầu cô giữ kín sự việc trong 72 giờ, nếu không sẽ “bị xử lý hình sự”.
Sau đó, chúng yêu cầu cô chuyển một khoản tiền, chụp ảnh thẻ sinh viên, chia sẻ màn hình điện thoại và máy tính để “phục vụ điều tra”. Khi nữ sinh nói không có tiền, chúng hướng dẫn cô bịa chuyện với gia đình để xin. Theo kịch bản dựng sẵn, cô nói dối là được học bổng toàn phần và cần chứng minh tài chính để làm thủ tục du học. Tin lời, cô xin tiền từ mẹ. Bằng thủ đoạn tinh vi và thao túng tâm lý, nhóm này đã chiếm đoạt hơn 3 tỷ đồng.
Tương tự, chị T. (SN 2004, Hà Nội) nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là cán bộ công an, thông báo chị liên quan đến vụ án rửa tiền do Công an TP. Hải Phòng điều tra. Đối tượng yêu cầu chị giữ kín sự việc, nếu không sẽ bị phạt tới 10 năm tù, đồng thời yêu cầu chuyển tiền để “chứng minh vô tội”. Vì quá hoảng sợ, chị T. đã chuyển 1,6 tỷ đồng vào tài khoản do nhóm này cung cấp. Sau đó, nhận thấy nhiều dấu hiệu bất thường, chị đã đến cơ quan công an trình báo vụ việc.
Trước tình trạng lừa đảo gia tăng, Công an TP. Hà Nội liên tục phát đi cảnh báo về các thủ đoạn tinh vi của tội phạm. Kịch bản phổ biến là giả mạo số điện thoại của cơ quan công an, gọi điện cho nạn nhân, thông báo họ đang bị kiện, nợ tiền hoặc liên quan đến một vụ án đang điều tra - thậm chí có “lệnh bắt” từ Viện Kiểm sát. Sau đó, các đối tượng yêu cầu nạn nhân kê khai tài sản, số dư tài khoản, rồi dùng lời đe dọa như bắt tạm giam để ép chuyển tiền hoặc cung cấp mã OTP, chiếm đoạt tài sản dưới vỏ bọc “xác minh, điều tra”.
Một đặc điểm thường thấy ở các đối tượng này là yêu cầu nạn nhân tuyệt đối không tiết lộ sự việc với bất kỳ ai. Mục đích là để họ không có thời gian kiểm chứng thông tin, không kịp trình báo với cơ quan chức năng. Dù nhiều người hoàn toàn trong sạch, không vi phạm pháp luật, nhưng trước áp lực tâm lý và thủ đoạn tinh vi, họ dễ hoảng loạn, mất cảnh giác và sập bẫy lừa đảo.
Công an TP. Hà Nội khẳng định, khi làm việc với cá nhân, tổ chức hoặc doanh nghiệp, cơ quan công an luôn cử cán bộ đến trực tiếp hoặc gửi văn bản thông báo, giấy triệu tập tới chính quyền địa phương, nơi cư trú, trụ sở công ty hoặc thân nhân của người liên quan. Đặc biệt, cơ quan chức năng không bao giờ yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng, cũng như không yêu cầu cài đặt phần mềm trên điện thoại để phục vụ điều tra.
Do đó, trong trường hợp nhận được các cuộc gọi đáng ngờ, người dân cần giữ bình tĩnh, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, không chuyển tiền, không giao tài sản hay làm theo bất kỳ yêu cầu nào từ người lạ. Nếu phát hiện các hành vi có dấu hiệu lừa đảo tương tự, cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ hoặc tra cứu địa chỉ tố giác tội phạm trên Chuyên mục “Hướng dẫn tố giác tội phạm” của Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an (địa chỉ http://bocongan.gov.vn hoặc http://mps.gov.vn) để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.
Đồng thời, Công an TP. Hà Nội khuyến cáo người dân cần tỉnh táo, thận trọng trong mọi tình huống để bảo vệ bản thân và những người xung quanh; Chủ động phòng ngừa chính là biện pháp hiệu quả nhất để tự bảo vệ trước các rủi ro.
Trà Giang