Cẩn trọng với những cán bộ quyết giữ 'ghế' bằng mọi giá

Cẩn trọng với những cán bộ quyết giữ 'ghế' bằng mọi giá
5 giờ trướcBài gốc
Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang được tiến hành hết sức khẩn trương theo tinh thần sáp nhập cấp xã, cấp tỉnh, bỏ cấp huyện. Trong quá trình đó, việc sáp nhập địa giới hành chính cũng đồng nghĩa với việc tinh gọn lại bộ máy, sắp xếp lại nhân sự, từ cán bộ lãnh đạo cho đến người lao động. Vậy ai sẽ là người được chọn để giữ vị trí lãnh đạo ở đơn vị, tổ chức mới sau khi sáp nhập?
Tất nhiên, sẽ có những tiêu chí cụ thể để lựa chọn cán bộ lãnh đạo khi sáp nhập các cơ quan, tổ chức. Mặc dù vậy, trong quá trình sắp xếp, vẫn không loại trừ việc xuất hiện những người cơ hội—những người không thực tâm vì lợi ích chung nhưng quyết giữ “ghế” bằng mọi giá. Trong tiến trình tinh giảm bộ máy hành chính và các tổ chức chính trị - xã hội đang bắt đầu diễn ra tại Việt Nam, nguy cơ này rất cần được nhận diện sớm và ngăn ngừa một cách chủ động, kiên quyết.
Ảnh minh họa, báo Hải Dương
Cải cách tinh gọn bộ máy không đơn thuần là vấn đề giảm biên chế hay hợp nhất một vài cơ quan. Bản chất đây là cuộc cách mạng tháo nút thắt về thể chế và gắn liền với chất lượng cán bộ, hiệu lực quản trị và bản lĩnh lãnh đạo. Từng bước đi đều liên quan mật thiết đến vận mệnh của hệ thống chính trị và niềm tin của nhân dân. Trong bối cảnh đó, kẻ cơ hội không chỉ là người thiếu năng lực, mà là người biết tận dụng các “kẽ hở” để mưu lợi cá nhân, giả vờ thích ứng với cái mới, miệng nói đổi mới mà tâm vẫn muốn níu kéo nhằm giữ hoặc củng cố quyền lực, lợi ích cũ.
Một trong những biểu hiện cần lưu ý nhất chính là tình trạng lợi dụng chủ trương tinh giản, sáp nhập để củng cố quyền lực cá nhân. Dù quá trình này tại Việt Nam đang ở giai đoạn khởi đầu, chưa có nhiều biểu hiện rõ nét, nhưng cần cảnh giác trước nguy cơ xuất hiện những cán bộ chuẩn bị nghỉ hưu hoặc chuyển công tác sẽ tìm cách sắp xếp người thân hoặc phe nhóm vào những vị trí chủ chốt trước khi bàn giao, sáp nhập tổ chức.
Thực tế thời gian qua tại một số địa phương cũng đã từng xảy ra việc cán bộ lãnh đạo, trước khi rời vị trí công tác, đã tranh thủ bổ nhiệm “thần tốc” người thân hoặc thân hữu vào các vị trí quan trọng, tạo nên những hệ quả nghiêm trọng về lâu dài. Những vụ việc ấy không những gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm suy giảm niềm tin của nhân dân, mà còn khiến chính những người ra quyết định phải chịu trách nhiệm. Đây là bài học lớn cần được rút kinh nghiệm để ngăn ngừa tái diễn trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy lần này.
Ngoài ra, một biểu hiện khác cũng cần lưu tâm trong quá trình sáp nhập, tinh gọn chính là sự xuất hiện của những cán bộ có tâm lý “dĩ hòa vi quý”, "tròn vo". Đây là những người không muốn va chạm, ngại tranh luận, giữ mình trong vỏ “kén” an toàn để tránh rủi ro, giữ phiếu tín nhiệm. Nếu những người này “lọt” vào bộ máy lãnh đạo sau tinh giản, họ sẽ khó tạo ra bất kỳ động lực nào cho đổi mới, thậm chí kéo theo tình trạng trì trệ, làm mất dần sức sống và năng lực thực thi chính sách của tổ chức.
Quyết giữ “ghế” bằng mọi giá cũng được biểu hiện ở hành vi “chạy chọt”, vận động hậu trường nhằm chiếm lấy những vị trí quan trọng trong cơ cấu tổ chức mới. Những người này, khi “lọt” vào bộ máy, sẽ làm méo mó mục đích của cải cách, khiến tổ chức mới chỉ là "bình mới, rượu cũ".
Singapore từng rất thành công trong việc ngăn ngừa kiểu cán bộ nói không đi với làm nhờ áp dụng quy trình đánh giá cán bộ dựa trên kết quả công việc cụ thể, có giám sát chặt chẽ từ nhiều phía, bao gồm cán bộ cấp dưới, người dân, đối tác. Với quy trình chặt chẽ và minh bạch đó, kẻ cơ hội gần như không còn “đất sống” để leo lên bằng cách luồn lách, chạy chọt hay tạo vỏ bọc an toàn giả tạo.
Tương tự, Trung Quốc trong những năm qua đã rất quyết liệt trong công tác nhân sự, đặc biệt gắn trách nhiệm của người giới thiệu cán bộ vào vị trí lãnh đạo. Người tiến cử phải chịu trách nhiệm nếu người mình giới thiệu không hoàn thành nhiệm vụ, hoặc phạm phải sai lầm nghiêm trọng sau khi được bổ nhiệm. Chính sự ràng buộc này khiến cán bộ khi tiến cử phải rất thận trọng và nghiêm túc, tránh được tình trạng cơ hội, “chạy chức chạy quyền. Những bài học đó là kinh nghiệm quý giá để chúng ta tham khảo khi triển khai quá trình tinh giản, sắp xếp lại bộ máy lần này. Trước hết, rất cần quán triệt hơn nữa Quy định 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 của Bộ Chính trị thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.
Bởi vậy, trong quá trình sắp xếp tổ chức, bộ máy, các quyết định nhân sự cần được xem xét cẩn trọng, công khai, minh bạch và đa chiều. Người đứng đầu tuyệt đối không vì ngại va chạm, không vì nể nang mà đưa vào bộ máy mới những người “an toàn”, chỉ biết im lặng, “tròn vo” mà không làm được việc.
Người đứng đầu và các cơ quan tổ chức nhân sự cần mạnh dạn xây dựng cơ chế đánh giá, giám sát rõ ràng và liên tục. Những người có tư tưởng cơ hội, né tránh, vụ lợi cá nhân không thể tồn tại trong một môi trường minh bạch, được giám sát công khai, dân chủ. Trong giai đoạn đầu triển khai tinh giản lần này, càng phải chú ý phát hiện sớm những biểu hiện lệch lạc, ngăn chặn kịp thời, không để các mầm mống cơ hội phát triển.
Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy là cuộc cách mạng cả về trách nhiệm và bản lĩnh của đội ngũ làm công tác tổ chức. Cần nhấn mạnh rằng, phòng ngừa và nhận diện sớm các dấu hiệu cơ hội là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, góp phần quyết định thành bại của quá trình cải cách. Chủ động ngăn ngừa ngay từ khi chưa xuất hiện biểu hiện cụ thể mới là phương cách hiệu quả nhất, bền vững nhất, để cuộc cách mạng tinh gọn thực sự đạt được mục tiêu như kỳ vọng của nhân dân và xã hội.
TS Hoàng Ngọc Vinh
Nguồn VOV : https://vov.vn/chinh-tri/can-trong-voi-nhung-can-bo-quyet-giu-ghe-bang-moi-gia-post1189406.vov