Đại biểu Nguyễn Thị Sửu, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Huế trả lời phỏng vấn.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (thành phố Huế) cho rằng quy trình hậu kiểm hiện nay chưa được thực hiện tốt nên dẫn đến những hệ quả không mong đợi. Đó là nhiều đối tượng, trong đó có cán bộ làm công tác kiểm tra, kiểm duyệt hàng hóa đã bị truy tố trước pháp luật.
"Đây là một điều đáng tiếc, nhưng tôi nghĩ rằng đây cũng là một cảnh báo trong vấn đề quản lý", đại biểu Nguyễn Thị Sửu nhận xét.
Theo đại biểu, thanh tra chuyên ngành rất quan trọng, đặc biệt là lĩnh vực an toàn thực phẩm. Đây là những người đảm nhận nghiệp vụ chuyên môn về công tác kiểm soát, quản lý để đảm bảo an toàn thực phẩm đưa ra thị trường phục vụ cho người tiêu dùng, do vậy phải nghiêm minh, minh bạch, khách quan trong thực thi công vụ, không vì lợi ích cá nhân.
Nếu vì lợi ích cá nhân thì không chỉ gây ảnh hưởng đến vị trí việc làm cán bộ đó đảm nhận, mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người dân, an ninh lương thực, an ninh cuộc sống. Do đó, phải bị pháp luật xử lý một cách nghiêm minh, đại biểu Nguyễn Thị Sửu nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho rằng, những vụ việc bị phát hiện vừa qua là bài học cảnh báo, cần thiết có sự rà soát, bổ sung, sửa đổi, cải tiến các quy định của pháp luật. Với những lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp tới người dân, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa tiền kiểm và hậu kiểm.
"Trước khi đưa sản phẩm hàng hóa ra thị trường cần có sự kiểm soát chặt chẽ. Những yếu tố nào làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, những yếu tố nào làm hại đến sức khỏe, tinh thần của người dân thì phải được sàng lọc, loại trừ ngay", đại biểu nêu rõ.
Bên cạnh việc siết chặt công tác kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm nói riêng, hàng hóa nói chung ra thị trường, đại biểu Nguyễn Thị Sửu cũng nêu bật thực trạng hiện nay, các sản phẩm, hàng hóa được quảng cáo tràn lan, thổi phồng trên mạng xã hội, chủ yếu do những người nổi tiếng, có ảnh hưởng lớn trong xã hội (KOLs), các diễn viên quảng cáo sai sự thật, làm mất lòng tin của người tiêu dùng.
Đại biểu cho biết, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, trong đó có việc siết chặt các quy định, kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm và quảng cáo, đặc biệt tập trung vào hoạt động quảng cáo trên không gian mạng, mạng xã hội và quảng cáo hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới.
Theo đại biểu, người nổi tiếng phải có trách nhiệm xác thực thông tin, đảm bảo nội dung quảng cáo minh bạch, an toàn, tuân thủ pháp luật và bảo vệ người tiêu dùng. Cùng với đó, pháp luật cần tăng cường chế tài xử lý, xử phạt nghiêm khắc đối với người nổi tiếng vi phạm, như thu hồi giấy phép hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến quảng cáo có vi phạm; truy thu khoản tiền thu được từ quảng cáo vi phạm; cấm hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo đã vi phạm...
Cùng quan điểm, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) hoan nghênh việc cơ quan Công an đã vào cuộc nhanh chóng, kiên quyết xử lý nhiều cán bộ quản lý an toàn thực phẩm vi phạm pháp luật.
Đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai trả lời phỏng vấn.
Theo đại biểu Trịnh Xuân An, các vụ việc sai phạm trong đoàn thanh tra, giám sát, quản lý nhà nước chuyên ngành là vấn đề đạo đức công vụ. Cho biết, Quốc hội đang thảo luận về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), trong đó nhấn mạnh tới đạo đức công vụ, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, Nhà nước không thể cứ thành lập ra một đoàn, rồi lại có một đoàn đi giám sát. Quan trọng là phải nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ.
“Chúng ta đã có quy định pháp luật. Trong Luật Thanh tra đã có những quy định phòng ngừa, nhưng vấn đề vẫn là con người và trách nhiệm của người đứng đầu. Nếu nâng cao được đạo đức công vụ, cùng việc tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu và có một xã hội văn minh hơn, người dân có nhiều kênh để phản biện, thông báo những sai phạm, thực hiện tốt hơn dân chủ cơ sở, thì sẽ loại trừ được dần những sai phạm của các cơ quan công quyền", đại biểu chia sẻ.
Đại biểu Trịnh Xuân An cũng cho rằng, vụ việc liên quan tới hàng loạt cán bộ nguyên là lãnh đạo, công chức của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) là bài học để những người đứng đầu các bộ, ngành, nhất là những bộ, ngành liên quan trực tiếp đến người dân, xã hội, phải siết chặt công tác quản lý cán bộ; đồng thời cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thông tin của báo chí, truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân về việc bảo vệ sức khỏe và tránh tâm lý "tham của rẻ".
Tin, ảnh: Việt Đức (TTXVN)