Thanh tra ở Công ty Hello về chính sách BHXH cho người lao động
Gặp chị N. V. tại sàn giao dịch việc làm, lại nghe chị than ngắn thở dài. Chuyện là chị đóng BHTN được 5 năm, “đùng cái” doanh nghiệp phá sản, chị phát hiện doanh nghiệp đã trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) suốt thời gian dài. Hậu quả, chị không chốt được sổ BHXH để hưởng BHTN, đi tìm việc ở công ty mới cũng bị từ chối với lý do "bị nợ BHXH nên tuyển vào thấy phiền toái”. Chúng tôi hỏi, nếu pháp luật cho phép chị nộp tiền vào quỹ bảo hiểm để được chốt sổ tới thời điểm đã đóng đủ thì chị có nộp không. Chị bảo, vợ chồng tôi rất khó khăn, công việc bấp bênh, con lại đau ốm nên không có khả năng để đóng thay doanh nghiệp.
Thực tế, lâu nay, doanh nghiệp phá sản thì người lao động được xác nhận sổ BHXH đến thời điểm doanh nghiệp đã đóng BHXH, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đến khi nào thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì các ngành liên quan sẽ xác nhận bổ sung trên sổ BHXH. Như vậy, người lao động vẫn có thể được chốt sổ bảo hiểm khi doanh nghiệp nợ tiền đóng BHXH.
Trở lại với Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng hoặc trốn đóng BHTN, người lao động được lựa chọn nộp số tiền vào Quỹ BHTN thuộc trách nhiệm đóng BHTN của mình, nhưng người sử dụng lao động chưa đóng cho cơ quan BHXH để làm các thủ tục giải quyết hưởng các chế độ BHTN. Khi cơ quan BHXH thu hồi được số tiền chậm đóng, trốn đóng BHTN của người sử dụng lao động thì sẽ hoàn trả lại số tiền người lao động đã đóng. Nhiều ý kiến cho rằng, tính khả thi của quyết định này khi áp dụng vào thực tiễn sẽ chưa cao, bởi khả năng thu hồi tiền để trả lại cho người lao động không biết kéo dài đến bao giờ.
Tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 11 vừa qua, nhiều đại biểu đã chỉ ra những bất cập, cho rằng quy định này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động và có thể gây bức xúc trong dư luận, vì doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm mà người lao động phải tự nộp. Đưa ra những đề xuất, giải pháp, các đại biểu cho rằng, trong trường hợp doanh nghiệp không còn khả năng đóng BHTN hoặc trốn đóng, cơ quan bảo hiểm có thể tạm ứng để người lao động không bị gián đoạn quyền lợi và bổ sung quy định buộc doanh nghiệp hoàn trả toàn bộ số tiền bảo hiểm thất nghiệp đã bị trốn đóng kèm lãi suất tương ứng. Cũng có đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm bồi thường của người sử dụng lao động nếu không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động. Đồng thời, có quy định về chế tài xử phạt cụ thể đối với các hành vi vi phạm. Bởi, đóng BHTN không chỉ là quyền lợi của người lao động, mà còn là nghĩa vụ pháp lý bắt buộc của người sử dụng lao động.
Xét một cách tổng thể, cũng cần áp dụng cơ chế giãn, hoãn hoặc giảm mức đóng BHTN cho các doanh nghiệp gặp khó khăn về vấn đề tài chính trong trường hợp kinh tế khó khăn, thiên tai, dịch bệnh. Cần nhiều giải pháp hơn nhằm xây dựng một hệ thống pháp luật chặt chẽ, hiệu quả hơn trong việc quản lý BHTN; đảm bảo sự cân bằng giữa quyền lợi của người lao động và khả năng tuân thủ của doanh nghiệp.
Bài, ảnh: AN NHIÊN