Cảng biển Long An có thể đón tới 20 triệu tấn hàng vào năm 2030

Cảng biển Long An có thể đón tới 20 triệu tấn hàng vào năm 2030
5 giờ trướcBài gốc
Theo quy hoạch, cảng biển Long An gồm hai khu bến chính: Cần Giuộc và Vàm Cỏ, được thiết kế để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Cảng biển Long An được quy hoạch gồm khu bến Cần Giuộc và Vàm Cỏ với khoảng 8 bến cảng.
Mục tiêu đến năm 2030, cảng biển Long An sẽ đáp ứng sản lượng hàng hóa thông qua từ 13,25 - 18,25 triệu tấn/năm, trong đó hàng container đạt 0,35 - 0,43 triệu TEU/năm.
Về hạ tầng, khu vực cảng có 8 bến cảng với tổng số 17 - 20 cầu cảng, chiều dài bến tổng cộng khoảng 3.586 z 4.028m.
Giai đoạn sau năm 2030, cảng biển Long An sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng hàng hóa trung bình 3,5 - 3,8%/năm. Trong tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống bến cảng sẽ được hoàn thiện để phục vụ trực tiếp các cơ sở công nghiệp, dịch vụ và nhà máy trong khu vực, đặc biệt là tại hai khu bến Cần Giuộc và Vàm Cỏ.
Khu bến Cần Giuộc được quy hoạch 6 bến cảng, gồm 5 bến cảng chính với 13 cầu cảng; 1 bến cảng phát triển có điều kiện, tùy theo nhu cầu và năng lực của nhà đầu tư và các cơ sở công nghiệp liền kề, như Khu công nghiệp Tân Tập và các khu thu gom hàng hóa đường thủy.
Khu bến này sẽ đáp ứng lưu lượng hàng hóa từ 11 - 16 triệu tấn/năm, trong đó container từ 0,35 - 0,43 triệu TEU/năm.
Cụ thể, Bến cảng quốc tế Long An có 7 cầu cảng tổng hợp, hàng rời và container, tiếp nhận tàu đến 70.000 DWT hoặc lớn hơn (giảm tải).
Bến cảng Fu-I có 2 cầu cảng tổng hợp, tiếp nhận tàu đến 3.000 DWT (giảm tải).
Bến cảng Dầu khí quốc tế Pacific Petro có 1 cầu cảng hàng lỏng/khí, tiếp nhận tàu đến 49.000 DWT.
Bến cảng Tổng kho xăng dầu Long An gồm 2 cầu cảng hàng lỏng, tiếp nhận tàu đến 40.000 DWT.
Bến cảng LNG Cần Giuộc gồm 1 cầu cảng hàng lỏng/khí, tiếp nhận tàu đến 70.000 DWT hoặc lớn hơn (giảm tải), phục vụ trực tiếp cho Nhà máy điện khí LNG Long An.
Khu bến Vàm Cỏ được quy hoạch phục vụ khoảng 2,3 triệu tấn hàng hóa/năm, với 2 bến cảng gồm từ 3 - 6 cầu cảng, đóng vai trò hỗ trợ trung chuyển và kết nối đường thủy nội địa.
Trong quy hoạch, kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng sẽ được duy trì theo chuẩn tắc luồng hiện hữu. Lộ trình đầu tư phụ thuộc vào khả năng bố trí và huy động nguồn lực; trong trường hợp xã hội hóa, có thể cho phép đầu tư nạo vét luồng phù hợp với quy mô bến cảng.
Đến năm 2030, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho hệ thống cảng biển Long An ước khoảng 3.710 tỷ đồng, gồm 500 tỷ đồng cho hạ tầng hàng hải công cộng; 3.210 tỷ đồng cho đầu tư các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa.
Trong đó, các hạng mục ưu tiên đầu tư bao gồm kết cấu hạ tầng phục vụ đảm bảo an toàn hàng hải, cơ sở vật chất phục vụ công tác quản lý nhà nước chuyên ngành, và đặc biệt là bến cảng LNG Cần Giuộc nhằm phục vụ vận hành Nhà máy điện khí LNG Long An - một dự án trọng điểm về năng lượng.
Hồ An
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/cang-bien-long-an-co-the-don-toi-20-trieu-tan-hang-vao-nam-2030-192250708134309035.htm