Chỉ sau một tiếng đồng hồ mưa lớn chiều 5/7, nhiều khu vực Đà Nẵng đã ngập sâu, đâu là nguyên nhân của tình trạng này, thưa tiến sĩ?
TS Lê Hùng: Trước hết, đây là cơn mưa lớn. Tuy nhiên, nếu nói nguyên nhân chính do mưa lớn và các cửa xả chưa khơi thông thì chưa thuyết phục, bởi hệ thống cửa gom và xả nước này đã được "làm sạch" sau trận mưa lớn tháng 6 vừa rồi. Và thời gian qua, Đà Nẵng có nhiều trận dông và mưa.
TS Lê Hùng phát biểu trong một hội thảo về chống ngập đô thị Đà Nẵng do Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng tổ chức (Ảnh TL).
Trái lại, chỉ trong một giờ mưa chiều 5/7 với tần suất thiết kế mực nước triều đang ở thời điểm triều thấp mà nhiều tuyến đường bị ngập chứng tỏ đa số tuyến cống Đà Nẵng không chịu được tần suất mưa thiết kế dù triều thấp hơn thiết kế nhiều.
Các cống thoát nước tại TP Đà Nẵng chưa được thiết kế đáp ứng đúng tần suất yêu cầu?
Như vậy hạ tầng cống, hệ thống thoát nước của Đà Nẵng hiện nay đang quá tải, theo ông?
Thực trạng nhiều khu vực trong thành phố Đà Nẵng ngập lụt sau mưa lớn cho thấy vấn đề không chỉ nằm ở việc xác định lượng mưa đầu vào, mà còn ở phương pháp tính toán thủy lực chưa phù hợp, ảnh hưởng đến khả năng chịu tải và thoát nước thực tế của hệ thống cống.
Theo tôi, trong công tác tính toán thiết kế hệ thống thoát nước, cả trước đây và hiện nay tại thành phố đều sử dụng lượng mưa trong 1 giờ làm cơ sở. Tuy nhiên, ngoài yếu tố lượng mưa vượt quá tần suất thiết kế trong hơn 10 năm qua tại Đà Nẵng, nhiều tuyến cống hiện nay cũng chưa được thiết kế đáp ứng đúng tần suất yêu cầu.
Cụ thể, theo tiêu chuẩn TCVN 7957:2023 vẫn giữ nguyên phương pháp tính toán lượng mưa - dòng chảy đối với khu vực Đà Nẵng như trong TCVN 7957:2008. Trong khi thực tế hơn 10 năm qua cho đến nay, đã có hơn 6 trận mưa có cường độ trên 80mm/giờ - vượt quá tần suất thiết kế.
Điều này cho thấy lượng mưa thiết kế được sử dụng trong TCVN 7957:2023 không còn phù hợp với điều kiện thực tế tại Đà Nẵng. Việc áp dụng các giá trị lượng mưa này trong quá trình quy hoạch hoặc thiết kế sẽ dẫn đến quy mô hệ thống bị thiết kế thiếu, không đáp ứng yêu cầu thoát nước hiện nay.
Bên cạnh đó, trong TCVN 7957:2023, chỉ có hướng dẫn về phương pháp tính toán thủy văn, chưa có hướng dẫn cụ thể về tính toán thủy lực. Điều này dẫn đến tình trạng các đơn vị tư vấn thiết kế hiểu và áp dụng chu kỳ tràn cống 5 năm theo nhiều cách khác nhau, đặc biệt là trong việc xác định tổ hợp giữa mưa và triều cường, gây thiếu nhất quán trong thiết kế.
Mặt khác, do tiêu chuẩn không quy định cụ thể công thức tính toán thủy lực cho cống thoát nước, một số đơn vị tư vấn đã lựa chọn các công thức tính toán thủy lực chưa phù hợp với đặc điểm dòng chảy và cấu trúc cống. Việc lựa chọn công thức không phù hợp dẫn đến tình trạng là mặc dù thiết kế đã tuân thủ tần suất thiết kế 20% (tương ứng với chu kỳ tràn cống 5 năm), nhưng trên thực tế, hệ thống vẫn xảy ra ngập lụt ngay cả khi lượng mưa thực tế nhỏ hơn so với tần suất thiết kế.
Phương tiện gặp khó vì nước ngập sau trận mưa xảy ra ngày 5/7 tại TP Đà Nẵng.
Vậy để xử lý vấn đề ngập úng, TP Đà Nẵng cần giải pháp như thế nào?
Theo tôi, cần rà soát, tính toán lại quy hoạch, thiết kế công, hệ thống thoát nước của thành phố theo thực tế, cập nhật các quy định mới, hoặc căn cứ hiện trạng, đánh giá tổng thể các yếu tố đầu vào, đầu ra. Đồng thời, TP Đà Nẵng cần triển khai đồng bộ các giải pháp mang tính trước mắt và lâu dài nhằm cải thiện hiệu quả hệ thống thoát nước và giảm thiểu tình trạng ngập úng đô thị.
Trong đó, các giải pháp trước mắt cần giải tỏa các nút thắt "cổ chai" tại cầu Thanh Nghị và cầu Đa Cô (bắc qua sông Phú Lộc) nhằm: Mở rộng cầu đường sắt cắt ngang hai hồ Trung Nghĩa; xử lý tổn thất tại cấu trúc tách dòng (CSO) ở cuối tuyến cống đường Ông Ích Khiêm (kết nối vào trạm bơm).
Qua đó, tại khu vực Thanh Vinh cần mở rộng cầu tại vị trí giao đường Cách Mạng Tháng Tám với kênh Nguyễn Nhàn, đồng thời mở rộng cầu Nguyễn Nhàn. Việc này nhằm giảm mực nước trên sông Phú Lộc, tăng năng lực thoát nước cho khu vực Mẹ Suốt - hạ lưu hồ Phước Lý Tăng khả năng thoát nước giảm ngập cho khu vực Yên Thế - Bắc Sơn và vùng lân cận Bến xe Trung tâm, giảm ngập cho khu vực thượng lưu tuyến này như các tuyến đường Hàm Nghi, Hải Phòng, Quang Trung...
Thành phố cần đầu tư bổ sung tuyến cống đôi (2 khoang 3x2m) dọc theo đường số 4, nối vào hồ điều hòa gần đó giúp giảm mực nước trong hệ thống cống dọc đường số 4, đồng thời giảm ngập cho khu vực lân cận, tăng năng lực thoát nước cho khu vực xung quanh hồ Bàu Gia Hạ.
Về các trạm bơm cưỡng bức cần đầu tư đầy đủ và đúng theo hồ sơ thiết kế các trạm bơm như: trạm bơm Trần Thị Lý, trạm bơm Ông Ích Khiêm… nhằm hạ thấp mực nước tại bể hút (cuối tuyến cống). Phát huy tối đa năng lực thiết kế của các tuyến cống; đồng thời, cần kiểm tra và khắc phục các tồn tại kỹ thuật tại một số trạm bơm để nâng cao hiệu quả vận hành.
Về hồ điều hòa, cần xây dựng quy trình vận hành hồ điều hòa linh hoạt, kết hợp với đầu tư bổ sung cửa van điều tiết, trạm bơm hỗ trợ cho phép vận hành điều tiết theo thời gian thực, tạo không gian chứa nước trong các đợt mưa lớn. Có thể áp dụng phương án bơm hạ mực nước các hồ điều hòa trước khi mưa khoảng 6-12 giờ, tăng khả năng trữ nước, góp phần giảm ngập hiệu quả.
Xin cảm ơn tiến sĩ!
Đô thị "cứ mưa là ngập" cảnh báo xu hướng phát triển thiếu bền vững
Trao đổi với PV, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho hay, Đà Nẵng là đô thị đặc thù một bên giáp Biển Đông, một bên có sông Hàn nên đúng ra sẽ khó ngập vì nước có thể thoát ra hai phía biển và sông. Nếu quản lý quy hoạch tốt, thành phố sẽ khó ngập. Ngược lại, tình trạng ngập gia tăng là cảnh báo xu hướng phát triển thiếu bền vững trong thời gian qua.
Thực tế, 10 năm trở lại đây lượng mưa không phải tăng đột biến, nên chuyện ngập của Đà Nẵng cần xem lại vấn đề quy hoạch hạ tầng đô thị chứ không phải tại mưa quá vũ lượng. Nguyên nhân đầu tiên kể đến do Đà Nẵng phát triển đô thị “nóng”, nhà cao tầng, bê tông hóa khá nhiều, hệ thống hạ tầng thoát nước không theo kịp. Thứ 2, quy hoạch diện tích không gian xanh rất ít, gây thiếu không gian cho nước lưu tạm khi mưa lớn. Đà Nẵng vẫn có công viên, hồ nước, không gian xanh, nhưng tỷ lệ này chưa đảm bảo với tỷ lệ bê tông hóa và mật độ xây dựng nhà cao tầng.
Ông Sơn cũng cho rằng, cần rà soát cơ sở tiêu chuẩn áp dụng quy hoạch, thiết kế hệ thống thoát nước; đồng thời bổ sung một hệ số nữa là nước tràn trên bề mặt bê tông hóa, chảy từ khu vực cao xuống khu vực thấp. Nếu chỉ tính lượng mưa rơi xuống mà không tính lượng nước vùng cao chảy xuống vùng thấp thì chưa đủ các yếu tố đầu vào tác động đến việc tính toán, thiết kế hệ thống đường cống thoát nước phù hợp.
Theo ông Nam Sơn, để ứng phó điều này, chỉ có cách thực nghiệm vào thực địa. Đà Nẵng lập biểu đồ ngập úng, ghi nhận khu vực nào ngập, ở quy mô, độ sâu bao nhiêu, nước tăng lên bao nhiêu, từ đó tính ra khối lượng cần thiết. Còn về dài hạn phải rà soát lại quy hoạch và bớt tỷ lệ bê tông hóa.
Thanh Đức