Cảng cá Thuận An của thành phố Huế chính thức đi vào hoạt động

Cảng cá Thuận An của thành phố Huế chính thức đi vào hoạt động
3 giờ trướcBài gốc
Trong không khí phấn khởi vươn khơi ra quân khai thác thủy sản đầu năm mới Ất Tỵ 2025, Ủy ban Nhân dân thành phố Huế vừa ban hành quyết định công bố mở cảng cá loại II đối với cảng cá Thuận An, góp phần tạo đà phát triển cho ngành khai thác, chế biến hải sản của địa phương gia tăng giá trị, phát triển bền vững, đồng thời là cơ sở hậu cần nghề cá lớn ở khu vực miền Trung phục vụ tàu thuyền của các tỉnh, thành lân cận.
Theo Ban Quản lý Cảng cá Huế, bến cập tàu thứ hai của cảng cá Thuận An có chiều dài cầu cảng là 370m; độ sâu của luồng - 3.4m, chiều rộng luồng 60m; độ sâu vùng nước đậu tàu và vùng nước trước cầu cảng - 2,6m; tổng diện tích vùng đất cảng rộng 5,47 ha; tổng diện tích vùng nước trước cầu cảng là hơn 13 ha; năng lực bốc dỡ hàng hóa tối thiểu 20.000 tấn/năm; đáp ứng nhu cầu neo đậu và tránh trú bão cùng lúc cho 500 tàu thuyền các loại có chiều dài từ 6m trở lên.
Việc cảng cá Thuận An chính thức đi vào hoạt động còn đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn của Ủy ban châu Âu (EC) về quản lý cảng cá, góp phần chung trong nỗ lực tháo gỡ “thẻ vàng” IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định) hiện nay.
Dự án “Xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá” tỉnh Thừa Thiên-Huế (nay là thành phố Huế) được thực hiện từ năm 2019 gồm có 3 dự án thành phần, với tổng mức đầu tư 400 tỷ đồng, từ nguồn vốn bồi thường của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, trong đó hợp phần xây dựng cảng cá Thuận An kết hợp khu neo đậu tránh trú bão ở thành phố Huế có tổng mức đầu tư 220 tỷ đồng.
Những hạng mục đầu tư chính của dự án xây dựng cảng cá Thuận An kết hợp khu neo đậu tránh trú bão gồm: bến cập tàu, đường giao thông, đê chắn sóng, hệ thống phao neo, nhà điều hành, nhà phân loại cá, khu hạ tầng kỹ thuật, hệ thống cấp nước ngọt, xử lý nước thải, nạo vét khu neo đậu, luồng chạy tàu…
Hợp phần xây dựng cảng cá Thuận An kết hợp khu neo đậu tránh trú bão đã phải nhiều lần gia hạn thời gian về đích do ảnh hưởng của dịch bệnh, năng lực của nhà thầu và vướng mắc các thủ tục liên quan đến mở cảng. Khu vực cảng cá Thuận An cũ được xây dựng cách đây hơn 10 năm và trở nên quá tải, do số lượng tàu đánh cá của địa phương tăng nhanh.
Các tàu cá địa phương khi vươn khơi đánh bắt trở về phải “xếp hàng” nhiều giờ đồng hồ mới có vị trí để bốc cá lên bờ, những xe ôtô thu mua hải sản đông lạnh có trọng tải lớn không thể chạy ra khu vực cầu cảng để nhận hàng, qua đó gây nhiều bất tiện trong quá trình thu mua, sơ chế cấp đông sản phẩm để đưa đi tiêu thụ.
Theo Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Huế Trần Quang Nhất, với các khu chức năng đã được quy hoạch, thời gian tới, đơn vị sẽ kêu gọi doanh nghiệp đầu tư các hoạt động cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá như xăng dầu, nước ngọt, xưởng sản xuất đá cây, xưởng phân loại, cấp đông cá, các gian hàng dịch vụ nhằm phục vụ nhu cầu của khách du lịch đến trải nghiệm đời sống của bà con ngư dân vùng cửa biển và đầm phá ở thành phố Huế./.
(TTXVN/Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/cang-ca-thuan-an-cua-thanh-pho-hue-chinh-thuc-di-vao-hoat-dong-post1011055.vnp