Ban lãnh đạo Cảng Cần Thơ nhận Cờ Đơn vị thi đua xuất sắc của Tổng công ty hàng hải Việt Nam năm 2024.
Đẩy mạnh kết nối chuỗi dịch vụ logistics
Trong năm 2024, Cảng Cần Thơ đã tập trung phát triển các lines tàu trực tiếp vào bến cảng Cái Cui, tuyến sà lan container 200 TEUs Cần Thơ - Cái Mép Vũng Tàu - TP. Hồ Chí Minh; đẩy mạnh kết nối chuỗi dịch vụ logistics tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); triển khai phương án tăng vốn điều lệ để thu hút các nhà đầu tư chiến lược; phát triển dịch vụ vận tải khép kín nhập phế liệu thép phôi, xuất sắt thành phẩm giữa cảng Hoàng Diệu và nhà máy Thép Tây Đô.
Bên cạnh đó, công ty đồng thời thực hiện tốt hợp đồng cung ứng chuỗi phân phối hàng xe máy tại khu vực ĐBSCL cho khách hàng tại bến cảng Cái Cui; tiếp thị, mời gọi các đối tác, khách hàng tham gia hợp tác đầu tư kho, bãi tại bến cảng Hoàng Diệu và cảng Cái Cui để tạo chân hàng ổn định sau cảng; đấu giá thuê đất và hợp tác ICD tại phần đất dự trữ mở rộng cảng Cái Cui 15 ha.
Ngoài ra, công ty triển khai phần mềm CloudGO - CRM trong công tác tiếp thị và chăm sóc khách hàng; xây dựng module quản lý giá thành dịch vụ tập trung hướng đến quản lý giá thành real-time; nâng cấp phần mềm quản lý khai thác cảng kết hợp đầu tư cổng thông minh tại bến cảng.
Đáng chú ý, trong năm 2024, Cảng Cần Thơ đã được chọn làm trung tâm cho chuỗi cung ứng xe máy của Honda tại ĐBSCL; Cảng Cái Cui dự kiến sẽ xử lý lượng container thông qua là 350 - 450 container 40 ft, tương đương khoảng 18.000 xe máy mỗi tháng. Hơn nữa, Trung tâm Chiếu xạ Cần Thơ đi vào hoạt động; Cảng Cần Thơ phối hợp cùng khách hàng Tratimex triển khai lắp đặt hệ thống ống dẫn, tiếp đón dịch vụ nhập khẩu mặt hàng vật tư giao thông từ Singapore về bến Cảng Cái Cui; phối hợp cùng các đối tác Chiếu Xạ Cần Thơ (ICT), Công ty Thuận Thành Đạt, Công ty Thanh Khôi triển khai dự án các dịch vụ trọn gói liên quan đến xuất khẩu hàng mỡ cá đi các nước như Nhật, EU... tại bến cảng Cái Cui. Từ các hoạt động kinh doanh, thu nhập bình quân của người lao động đạt 12,1 triệu đồng/người, tăng 11,7% so với năm 2023 là 10,8 triệu đồng/người.
Đầu tư phát triển hạ tầng cảng và giao thông khu vực
Sản lượng hàng hóa thông qua Cảng Cần Thơ năm 2024 tăng cao.
Năm 2025, Cảng Cần Thơ đặt kế hoạch 2.302.750 tấn hàng hóa, doanh thu đạt 170 tỷ đồng; tập trung đầu tư cho 11 dự án, trong đó thi công nghiệm thu 1 dự án, đầu tư mới 7 dự án và nâng cấp, sửa chữa cho 3 dự án.
Để triển khai kế hoạch này, dự kiến tổng mức đầu tư của Cảng Cần Thơ năm 2025 hơn 28,1 tỷ đồng, trong đó đầu tư cho dự án chuyển tiếp từ năm 2024 hơn 23,3 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng cơ bản hơn 5 tỷ đồng; dự án mua sắm thiết bị hơn 15,7 tỷ đồng; dự án mua sắm thiết bị bổ sung hơn 2.6 tỷ đồng; dự án khởi công năm 2025 hơn 4,7 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng cơ bản hơn 2,2 tỷ đồng và dự án mua sắm thiết bị hơn 2,2 tỷ đồng.
Trên cơ sở nắm bắt, cập nhật sát diễn biến, đơn vị đánh giá, dự báo thị trường các mặt hàng container và ngoài container (bách hóa, cát, đá, clilnker, gạo, cám, phân bón, sắt thép, than đá và các mặt hàng khác); thị phần container, thị phần hàng hóa của các cảng trên khu vực sông Hậu… mục tiêu trọng tâm Ban lãnh đạo Cảng Cần Thơ đề ra trong năm 2025 là thúc đẩy tăng trưởng bền vững các hoạt động cốt lõi, giữ vững và phát triển thị trường, thị phần, tìm kiếm và tạo động lực tăng trưởng mới trên cơ sở hệ sinh thái cảng biển - vận tải biển - logistics.
Cùng với đó, thực hiện quản lý chi phí và sử dụng nguồn lực hiệu quả. Phấn đấu tiết giảm chi phí thuê, mua ngoài (ngoài hệ sinh thái VIMC) từ 5 đến 7% so với kế hoạch năm 2025; thiết kế và cung cấp trải nghiệm khách hàng xuất sắc, nâng tầm và lan tỏa văn hóa “Lấy khách hàng làm trung tâm” trong mọi không gian, hoạt động; triển khai chương trình quản lý kế hoạch trọng yếu (KAM); xây dựng chính sách nâng cao trải nghiệm khách hàng nhằm duy trì khách hàng, hãng tàu hiện hữu và phát triển thêm khách hàng, chủ hàng, hãng tàu mới; tiếp tục sắp xếp lại tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc “Lấy con người làm trung tâm”; đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, khai thác.
Theo Ban Lãnh đạo Cảng Cần Thơ, thị trường hàng hóa thông qua cảng khu vực sông Hậu đóng vai trò quan trọng trong việc lưu thông hàng hóa tại khu vực sông Hậu - một trong hai nhánh chính của sông Mekong, là tuyến đường thủy quan trọng, giúp kết nối các tỉnh trong khu vực với cảng biển quốc tế.
Tăng khả năng cạnh tranh, thúc đẩy kinh tế khu vực
Các cảng lớn như: Cảng Cần Thơ, cụm Cảng Cái Cui, Cảng Trà Nóc… là những trung tâm chính trong vận chuyển hàng hóa nông sản, thủy sản, gạo và các sản phẩm công nghiệp từ Đồng bằng sông Cửu Long đi khắp nơi trong nước và xuất khẩu ra thế giới. Tuy nhiên, việc phát triển hạ tầng cảng và giao thông tại khu vực này vẫn là một thách thức, cần được cải thiện để tăng khả năng cạnh tranh và thúc đẩy kinh tế khu vực.
Trí Dũng