Cảng Quy Nhơn - Địa điểm 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc: Địa chỉ đỏ được xếp hạng Di tích quốc gia

Cảng Quy Nhơn - Địa điểm 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc: Địa chỉ đỏ được xếp hạng Di tích quốc gia
13 giờ trướcBài gốc
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định xếp hạng di tích lịch sử cảng Quy Nhơn – Địa điểm 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc (1954 - 1955) phường Hải Cảng, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định là di tích quốc gia.
Nhân kỷ niệm 70 năm hoàn thành việc chuyển quân tập kết ra Bắc của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và học sinh miền Nam tại Quy Nhơn (16/5/1955 - 16/5/2025), chiều 16/5, đã diễn ra Lễ dâng hoa tại Di tích quốc gia Cảng Quy Nhơn - Địa điểm 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc. Dự Lễ dâng hoa có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn Giáo Đào Ngọc Dung; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; đại biểu Ban Liên lạc học sinh miền Nam tập kết ra Bắc; các cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tại Quy Nhơn.
Di tích lịch sử cảng Quy Nhơn – Địa điểm 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc (1954 - 1955)
Lễ Dâng hoa kỷ niệm Cảng Quy Nhơn - Địa điểm 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc. Ảnh: baodantoc.vn
Theo quyết định, khu vực bảo vệ di tích được xác định theo biên bản và bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích trong hồ sơ. Ủy ban nhân dân các cấp nơi có di tích được xếp hạng trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Được biết, sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954), quân và dân Việt Nam buộc thực dân Pháp ngồi vào bàn đàm phán, ký Hiệp định Giơnevơ (21/7/1954) về đình chỉ chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Lào và Campuchia. Đất nước ta tạm thời chia làm hai miền, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới, miền Bắc được giải phóng tiến lên Chủ nghĩa xã hội, miền Nam tạm thời do quân đội Liên hiệp Pháp cai quản, hai năm sau sẽ Hiệp thương Tổng tuyển cử thống nhất đất nước.
Thi hành Hiệp định Giơnevơ, Bình Định là khu vực có 300 ngày để tập kết các lực lượng vũ trang, lực lượng chính trị của toàn Liên khu V ra Bắc và cảng Quy Nhơn được chọn là địa điểm tập kết 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Số lượng người ra đi rất lớn, gồm toàn bộ lực lượng vũ trang, phần lớn cán bộ, các đội thanh niên xung phong, một số gia đình cán bộ, một số con em cán bộ và học sinh ở các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên xuống tàu thủy tập kết ra Bắc.
Đến ngày 16/5/1955, Trung đoàn 803 là đơn vị vũ trang cuối cùng đã rời Quy Nhơn. Đây là cuộc chia tay thiêng liêng, cao cả và hết sức cảm động. Vì thế sự kiện lịch sử 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc trở thành một sự kiện lớn trong lịch sử Việt Nam.
Di tích Cảng Quy Nhơn đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định xếp hạng tại Quyết định số 845/QĐ-UBND ngày 24/12/2007 với tên gọi: Cảng Quy Nhơn - Điểm 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc.
Sự kiện lịch sử 300 ngày tập kết ra Bắc diễn ra tại cảng Quy Nhơn cách nay 70 năm đã trở thành một sự kiện lớn trong lịch sử cận hiện đại Việt Nam. Đây là một sự kiện lịch sử trọng đại có tính chất chiến lược trong việc thực hiện sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình lịch sử cách mạng của dân tộc.
Ngày nay, Tượng đài kỷ niệm tập kết ra Bắc không chỉ là công trình có ý nghĩa lịch sử, chính trị, văn hóa to lớn, ghi lại dấu ấn sự kiện tập kết chuyển quân ra Bắc, mà công trình này còn là địa chỉ “đỏ” góp phần giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, là nơi sinh hoạt truyền thống cho mọi tầng lớp nhân dân tỉnh nhà và du khách thập phương.
Năm 2007, di tích Cảng Quy Nhơn - Địa điểm 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc được UBND tỉnh Bình Định xếp hạng Di tích lịch sử, đồng thời xây dựng Đài kỷ niệm tập kết ra Bắc để ghi nhớ sự kiện lịch sử 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc.
Bức phù điêu hình con tàu, bên trên có hai bàn tay nắm chắc ngọn cờ, thể hiện tinh thần ý chí “ra đi giữ vững ngọn cờ độc lập” (Lâm Quang Nới) được làm bằng chất liệu đá Granite. Tượng đài dài khoảng 8m, phần phù điêu dài 7,5m, khối biểu tượng cao 9,5m thể hiện hình ảnh mũi tàu vươn ra trên sóng. Riêng khối phù điêu cao 2,5m, điêu khắc cảnh tiễn gia đình đưa cán bộ và chiến sĩ lên đường ra miền Bắc, ánh mắt tha thiết gửi gắm niềm tin vào một ngày đoàn tụ trong độc lập, thống nhất…
Phía sau bức phù điêu, có một bia đá nổi bật hàng chữ: “ DI TÍCH ĐỊA ĐIỂM CHUYỂN QUÂN TẬP KẾT RA MIỀN BẮC – Nơi đây là khu vực tập kết 300 ngày đêm (20/7/1954-16/5/1955) của các lực lượng vũ trang, lực lượng chính trị cách mạng toàn liên khu V trước khi chuyển quân ra miền Bắc thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, ghi dấu một thắng lợi mới của lịch sử cách mạng Việt Nam”.
Xung quanh khu vực tượng đài tráng lệ là hệ thống cây xanh và tiểu cảnh được thiết kế hài hòa, khoa học với các mảng xanh tạo thành điểm nhấn cho công trình.
Minh Vũ
Nguồn Công dân & Khuyến học : https://congdankhuyenhoc.vn/cang-quy-nhon-dia-diem-300-ngay-chuyen-quan-tap-ket-ra-bac-dia-chi-do-duoc-xep-hang-di-tich-quoc-gia-1792505161736206.htm