Căng thẳng Ấn Độ - Pakistan và cơ hội hòa giải từ Mỹ, Nga?

Căng thẳng Ấn Độ - Pakistan và cơ hội hòa giải từ Mỹ, Nga?
5 giờ trướcBài gốc
Mỹ và Nga có thể định hình hòa bình giữa Ấn Độ và Pakistan? Lực lượng an ninh Ấn Độ gác tại điểm kiểm soát ở Amritsar, bang Punjab, Ấn Độ. Ảnh: ANI/TTXVN
Theo tạp chí Bne IntelliNews chuyên đưa tin về tin tức kinh tế và chính trị tại hơn 30 quốc gia Đông Âu và Âu-Á ngày 7/5, lịch sử đã nhiều lần chứng minh rằng, ngay cả trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị gay gắt, Mỹ và Nga vẫn có khả năng đóng vai trò then chốt trong việc hạ nhiệt căng thẳng và định hình hòa bình giữa Ấn Độ và Pakistan, hai cường quốc hạt nhân láng giềng luôn tiềm ẩn nguy cơ xung đột.
Hành động quân sự gần đây của Ấn Độ trong Chiến dịch Sindoor, nhắm vào các mục tiêu bên trong Kashmir do Pakistan kiểm soát và lãnh thổ Pakistan, đã khơi lại vòng xoáy căng thẳng quen thuộc giữa hai quốc gia. Trong khi thế giới lo ngại về nguy cơ leo thang, vai trò tiềm tàng của ngoại giao hòa giải, với sự tham gia của các cường quốc bên ngoài, có thể là chìa khóa để ngăn chặn một cuộc xung đột toàn diện.
Chiến dịch Sindoor, được triển khai để đáp trả vụ sát hại 26 dân thường ở Pahalgam của Ấn Độ, đánh dấu một động thái quân sự quyết đoán nhất của New Delhi kể từ cuộc không kích Balakot năm 2019. Không giống như lần đó, vốn kết thúc bằng sự trả đũa hạn chế và nhanh chóng hạ nhiệt, những thông tin về các cuộc tấn công chính xác từ ngày 7/5 cho thấy một sự khẳng định mạnh mẽ hơn về khả năng răn đe xuyên biên giới của Ấn Độ.
Đáp lại, Pakistan đã nâng cao mức cảnh báo, tuyên bố về các lựa chọn phản ứng tương xứng và lên án hành động của Ấn Độ là một hành động "chiến tranh" vô cớ. Tuyên bố đối đầu đang leo thang, nhưng sự hiện diện của các nhà hòa giải dày dặn kinh nghiệm ở hậu trường có thể ngăn chặn một kịch bản tồi tệ lặp lại. Đặc biệt, cả Mỹ và Nga đều duy trì những đòn bẩy quan trọng - chính trị, quân sự và uy tín - định vị họ là những tác nhân chủ chốt trong việc quản lý thời điểm nguy hiểm này.
Trong suốt Chiến tranh Lạnh và giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh, Washington và Moskva đã nhiều lần can thiệp vào những thời điểm then chốt để ngăn chặn các cuộc khủng hoảng ở Nam Á vượt khỏi tầm kiểm soát. Trong các cuộc chiến tranh năm 1965 và 1971 giữa Ấn Độ và Pakistan, dù đứng ở hai bên chiến tuyến ý thức hệ đối lập, cả hai cường quốc đều đã thực hiện các bước đi để ngăn chặn sự leo thang rộng hơn. Đặc biệt, cuộc xung đột năm 1971 chứng kiến sự phối hợp ngầm giữa Mỹ và Liên Xô trong việc ngăn chặn cuộc chiến khu vực này lôi kéo Trung Quốc hoặc dẫn đến một cuộc đối đầu trực tiếp giữa các siêu cường. Việc Moskva ký Hiệp ước Hòa bình, Hữu nghị và Hợp tác Ấn Độ - Liên Xô năm đó đã tạo cho Ấn Độ một sự bảo đảm chiến lược để kiềm chế hành động chống lại Pakistan, trong khi Washington, dù liên minh với Islamabad, đã âm thầm nỗ lực hạn chế phạm vi xung đột.
Trong một bối cảnh khác, Chiến tranh Kargil năm 1999 chứng kiến vai trò hòa giải quyết định của Mỹ. Khi lực lượng Pakistan xâm nhập Đường kiểm soát vào lãnh thổ Ấn Độ, Washington đã sử dụng ảnh hưởng của mình đối với giới lãnh đạo quân sự Pakistan để đảm bảo việc rút quân. Vào thời điểm mà đối thoại trực tiếp giữa hai nước láng giềng bị đình trệ, Mỹ đã đóng vai trò là kênh liên lạc quan trọng để khuyến khích và đạt được sự hạ nhiệt. Những ví dụ này cung cấp một tiền lệ quan trọng cho tình hình hiện tại.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (phải) và người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar tại cuộc họp báo ở Astana, Kazakhstan ngày 3/7/2024. Ảnh: ANI/TTXVN
Mặc dù bối cảnh địa chính trị đã thay đổi, các nguyên tắc cơ bản của răn đe và quản lý khủng hoảng vẫn còn nguyên giá trị. Sự tự tin quân sự ngày càng tăng của Ấn Độ và nhu cầu duy trì sự cân bằng chiến lược của Pakistan tạo ra một động lực bất ổn. Trong bối cảnh đó, vai trò của một bên ổn định bên ngoài không chỉ hữu ích mà còn trở nên cần thiết. Mỹ, dù đã chuyển trọng tâm sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và tăng cường quan hệ với Ấn Độ, vẫn duy trì các mối liên hệ về thể chế và quốc phòng với Pakistan.
Khả năng duy trì các kênh liên lạc riêng biệt với cả hai bên, đặc biệt là ở cấp độ quân sự, cho phép Nga theo dõi các "lằn ranh đỏ" và đề xuất các giải pháp thoát khỏi khủng hoảng. Vị thế toàn cầu của Nga như một cường quốc hạt nhân và một bên bảo đảm an ninh cũng củng cố lời kêu gọi kiềm chế của họ. Hơn nữa, Nga đã phát triển thành một đối tác khu vực cân bằng hơn. Từng là đối tác an ninh đáng tin cậy nhất của Ấn Độ, trong những năm gần đây, Moskva đã xây dựng mối quan hệ với Islamabad, đặc biệt trong các lĩnh vực hợp tác năng lượng và chống khủng bố. Sự tham gia kép này mang lại cho Nga một uy tín độc đáo, đặc biệt là với tư cách là một bên tham gia phi phương Tây mà cả New Delhi và Islamabad đều coi là độc lập về mặt chiến lược.
Quan trọng hơn, cả Mỹ và Nga đều cho thấy rằng sự tham gia của họ ở Nam Á không chỉ đơn thuần là sự liên kết ý thức hệ mà còn xuất phát từ mối quan tâm nhất quán về sự ổn định khu vực. Đối với Moskva, các cuộc chiến tranh khu vực trong vùng ngoại vi ảnh hưởng của họ gây phức tạp cho các mục tiêu chính sách đối ngoại rộng lớn hơn như ở châu Âu và Trung Đông. Đối với Washington, một Nam Á bất ổn làm suy yếu khoản đầu tư của họ vào sự trỗi dậy của Ấn Độ như một đối trọng với Trung Quốc và đe dọa các hành lang thương mại và năng lượng quan trọng.
Sự hội tụ lợi ích trên không nhất thiết dẫn đến hành động chung hoặc sự phối hợp chính thức giữa hai cường quốc. Thay vào đó, nó cho thấy rằng mỗi bên, thông qua các kênh song phương và phạm vi ảnh hưởng riêng, có thể giúp tạo ra các điều kiện thuận lợi cho một sự đối thoại ngoại giao. Các cuộc đàm phán bí mật, đề nghị chia sẻ thông tin tình báo và các biện pháp xây dựng lòng tin tạm thời, như kích hoạt lại đường dây nóng hoặc thông báo trước về các cuộc tập trận quân sự, là những công cụ mà họ đã sử dụng trong quá khứ và có thể sử dụng lại trong tình hình hiện tại. Nhu cầu về sự hòa giải như vậy có thể lớn hơn những gì bề ngoài cho thấy.
Ấn Độ, dù không thích sự can thiệp của bên thứ ba vào các vấn đề nội bộ, trước đây đã chấp nhận ngoại giao thầm lặng khi sự leo thang đe dọa các mục tiêu lớn hơn của họ. Pakistan, đang phải đối mặt với các vấn đề chính trị và căng thẳng kinh tế, cũng có khả năng chấp nhận một lối thoát mà không cần phải leo thang tốn kém. Hơn nữa, các điểm nóng toàn cầu hiện tại, như cuộc chiến ở Ukraine và căng thẳng ở Trung Đông, có thể thúc đẩy cả Mỹ và Nga chứng minh uy tín quản lý khủng hoảng của họ.
Lịch sử xung đột Ấn Độ - Pakistan kể từ năm 1947 cho thấy một mô hình leo thang nhanh chóng tiếp theo là sự hạ nhiệt đột ngột, thường được tạo điều kiện bởi các tác nhân bên ngoài. Chiến dịch Sindoor có lẽ cũng không nằm ngoài khuôn mẫu này. Câu hỏi đặt ra là liệu những nhà hòa giải lịch sử trên, hiện đang hoạt động trong một trật tự toàn cầu phức tạp hơn nhiều, có thể lặp lại thành công trong quá khứ trong một kỷ nguyên mới hay không.
Công Thuận/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/cang-thang-an-do-pakistan-va-co-hoi-hoa-giai-tu-my-nga-20250508143621857.htm