Quang cảnh thành phố Muzaffarabad ở khu vực Kashmir do Pakistan quản lý, một trong những địa điểm Ấn Độ không kích ngày 7/5. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Báo Straits Times (Singapore) ngày 8/5 lấy ví dụ từ việc Ấn Độ phủ nhận người dân thường thiệt mạng trong các cuộc không kích diễn ra vào sáng sớm ngày 7/5, trong khi Pakistan quả quyết có 26 người tử vong và 46 trường hợp bị thương. Những tuyên bố này vẫn chưa được xác minh độc lập tính đến 9 giờ sáng 8/5, theo giờ địa phương.
Tuy nhiên, nhiều tài khoản trên mạng xã hội X đã đăng ảnh nhiều thi thể, bao gồm cả trẻ em, và cho rằng họ thiệt mạng trong các cuộc không kích của Ấn Độ. Bên cạnh đó còn có video chưa được xác minh cho thấy cảnh hỗn loạn tại khoa cấp cứu trong các bệnh viện Pakistan.
Tại cuộc họp báo ở New Delhi vào ngày 7/5 để chia sẻ thông tin chi tiết về "Chiến dịch Sindoor" nhằm vô hiệu hóa 9 địa điểm tại Pakistan mà New Delhi cho là “cơ sở nơi khủng bố lên kế hoạch và chỉ đạo những vụ tấn công Ấn Độ”, Đại tá Sofiya Qureshi thuộc Quân đội Ấn Độ tuyên bố với truyền thông rằng cho đến nay vẫn chưa có báo cáo nào về thiệt hại liên quan đến người dân thường ở Pakistan.
Trung tá Vyomika Singh của Không quân Ấn Độ bổ sung: “Các địa điểm mục tiêu được lựa chọn để tránh gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng dân sự và mất mát sinh mạng người dân thường”.
Mặt khác, giới chức Ấn Độ cho biết vào ngày 7/5 ít nhất 15 thường dân đã thiệt mạng tại Jammu và Kashmir do Ấn Độ quản lý, trong cuộc pháo kích xuyên biên giới của Pakistan để trả đũa.
Ấn Độ cũng không bình luận về tuyên bố của Pakistan rằng quân đội nước này đã bắn hạ 5 máy bay Ấn Độ.
Một vấn đề đáng lưu ý khác là nhiều tổ chức truyền thông uy tín cũng như các tài khoản có lượng theo dõi lớn đã chia sẻ hình ảnh và video cũ không liên quan, dễ gây hiểu lầm. Một số kênh tin tức của Ấn Độ đã đăng tải video một loạt vụ nổ lớn và mọi người bỏ chạy tán loạn quay tại Gaza, nhưng lại đính kèm phụ đề tuyên bố rằng đó là cảnh quay về các cuộc không kích của Ấn Độ nhằm vào mục tiêu ở Pakistan.
Ngay cả Đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền của Ấn Độ vào ngày 7/5 cũng đã chia sẻ video ghép từ 9 video, tuyên bố rằng đó là tư liệu về các cuộc không kích của Ấn Độ vào Pakistan. Ít nhất hai trong số chúng được phát hiện là không liên quan đến “Chiến dịch Sindoor”. Boom, một đơn vị kiểm chứng thông tin của Ấn Độ, phát hiện ra rằng đoạn clip đầu tiên được quay từ các cuộc không kích của Iran vào Israel tháng 10/2024 và đoạn thứ 3 là từ các cuộc không kích của Israel vào Gaza tháng 10/2023.
Khi cuộc chiến trên mặt trận thông tin xoay quanh "Chiến dịch Sindoor" đang diễn ra sôi động ở không gian mạng, các tài khoản ủng hộ Pakistan cũng chia sẻ nhiều đoạn video cũ và không liên quan, rồi tuyên bố rằng đó là hình ảnh chiến đấu cơ Ấn Độ đã bị bắn hạ và các cơ sở quân sự bị tấn công. Tài khoản X của đơn vị kiểm chứng thông tin thuộc Cục Thông tin Báo chí Ấn Độ (PIB) đã liên tục bác bỏ những bài đăng như vậy, bao gồm cả bài đăng sử dụng bức ảnh một chiến đấu cơ Ấn Độ rơi ở bang Punjab năm 2021, nhưng lại tự quảng bá rằng đó là chiếc Rafale của Ấn Độ bị Pakistan bắn hạ gần Bahawalpur để đáp trả "Chiến dịch Sindoor".
Các bài đăng trên mạng xã hội cũng lan truyền thông tin sai lệch rằng Không quân Pakistan đã tấn công căn cứ không quân ở Srinagar thuộc khu vực Jammu và Kashmir do Ấn Độ kiểm soát.
Một đoạn video deepfake (dùng AI để tạo video và hình ảnh giả mạo) của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng được chia sẻ rộng rãi vào ngày 2/5. Trong đoạn video giả mạo, ông Trump tuyên bố ủng hộ Ấn Độ và khẳng định sẽ “xóa sổ Pakistan” nếu nước này tấn công Ấn Độ.
Trước làn sóng thông tin sai lệch tràn lan xoay quanh "Chiến dịch Sindoor", các đơn vị kiểm chứng thông tin đã kêu gọi người dùng internet phải cảnh giác và có trách nhiệm khi tiếp nhận cũng như chia sẻ thông tin liên quan đến cuộc xung đột. Họ cũng khuyến nghị người dùng nên đa dạng hóa nguồn tin và chủ động liên hệ với các đơn vị có uy tín nếu cần xác minh.
Hà Linh/Báo Tin tức và Dân tộc