Lý do Tổng thống Trump không can thiệp sâu vào cuộc khủng hoảng Ấn Độ - Pakistan

Lý do Tổng thống Trump không can thiệp sâu vào cuộc khủng hoảng Ấn Độ - Pakistan
6 giờ trướcBài gốc
Phản ứng của Tổng thống Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng. Ảnh: THX/TTXVN
Theo kên CNN, trước diễn biến căng thẳng ở Kashmir, ông Trump đã đưa ra bình luận ngắn gọn vào ngày 7/5 rằng đây là điều “đáng tiếc” và hy vọng cuộc xung đột sẽ kết thúc nhanh chóng. Hôm sau, Tổng thống Trump nói thêm rằng ông hòa thuận với cả hai quốc gia và sẵn sàng giúp đỡ nếu được yêu cầu, nhưng ông không thể hiện sự chủ động hay đưa ra một kế hoạch ngoại giao cụ thể.
“Họ đã trả đũa lẫn nhau. Vì vậy, hy vọng họ có thể dừng lại ngay bây giờ. Nếu tôi có thể làm bất cứ điều gì để giúp đỡ, tôi sẽ thực hiện điều đó”, ông nói.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã liên lạc với các quan chức cấp cao của Ấn Độ và Pakistan. Tuy nhiên, cho đến nay không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ sẽ mở rộng nỗ lực phối hợp hòa giải quốc tế như từng làm trong các cuộc khủng hoảng trước đây.
Một lý do có thể là thời điểm chưa phù hợp khi cả Ấn Độ và Pakistan đang trong giai đoạn leo thang trả đũa. Dù Pakistan tuyên bố đã bắn hạ máy bay Ấn Độ và có thể coi như “giữ thể diện”, nhưng lãnh đạo nước này vẫn cam kết đáp trả mạnh mẽ nếu bị khiêu khích thêm.
Mỹ không có lợi ích rõ ràng ở Kashmir
Từ đầu nhiệm kỳ, ông Trump đã từ bỏ vai trò truyền thống của Mỹ trong xây dựng liên minh và dẫn dắt các nỗ lực hòa bình quốc tế. Ông coi trọng việc dùng sức mạnh quân sự và kinh tế để đạt được các lợi ích cụ thể cho Mỹ, thay vì đầu tư vào các quan hệ đối tác lâu dài hay các chiến lược ngoại giao phức tạp. Thực tế này khiến vai trò trung gian trong các xung đột quốc tế – như khủng hoảng Kashmir – không còn là trọng tâm trong ưu tiên của ông.
Mặc dù ông Trump đã cam kết thúc đẩy hòa bình toàn cầu trong nhiệm kỳ mới, nhưng các nỗ lực can thiệp vào xung đột ở Ukraine, Gaza hay Yemen đều chưa đạt được kết quả rõ ràng. Trong khi đó, các nỗ lực ngoại giao của ông Trump ở Ukraine và cuộc chiến của Israel ở Gaza, do đặc phái viên Steve Witkoff dẫn đầu, chủ yếu thúc đẩy các thỏa thuận có lợi tài chính cho Mỹ hơn là tập trung vào hòa giải thực chất. Cụ thể, ông đã gây sức ép buộc Kiev ký một thỏa thuận khai thác các mỏ kim loại đất hiếm. Còn ở Gaza, Mỹ cũng có ý tưởng di dời người Palestine để Mỹ có thể xây dựng “Riviera của Trung Đông”.
Không có lợi ích tài chính rõ rệt nào tại Kashmir, vì vậy cuộc xung đột này không đủ hấp dẫn để thu hút sự chú ý của Chính quyền Tổng thống Trump.
Những nỗ lực hòa bình của Mỹ trước đây
Trái ngược với sự thiếu chủ động hiện tại, các tổng thống Mỹ trước đây từng đóng vai trò then chốt trong việc xoa dịu xung đột quốc tế. Cựu Tổng thống Jimmy Carter từng giúp đàm phán hòa bình giữa Israel và Ai Cập. Ông Bill Clinton can thiệp vào xung đột tại Nam Tư và đóng vai trò quyết định trong việc kết thúc chiến tranh Kosovo. Những nỗ lực đó thường cần nhiều năm chuẩn bị ngoại giao tỉ mỉ và sự kiên trì.
Trong khi đó, trong ba tháng qua không có dấu hiệu nào cho thấy ông Trump có động lực để đưa ra một chiến lược chuyên sâu tương tự trong bất kỳ cuộc xung đột nào hiện nay, chứ đừng nói đến một cuộc xung đột mới ở Nam Á.
Theo chuyên gia Tim Willasey-Wilsey tại Viện Quân chủng Thống nhất Hoàng gia, Mỹ từng giúp làm dịu các cuộc khủng hoảng Kashmir vào các năm 2000, 2008 và 2019. Nhưng hiện tại, một tổng thống không muốn đóng vai trò “cảnh sát thế giới” và lại có quan hệ thân thiết với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khó có thể giữ vai trò trung lập để hòa giải.
Lý do Mỹ từng quan tâm đến Kashmir
Binh sĩ bán quân sự Ấn Độ gác gần trạm kiểm soát ở ngoại ô thành phố Srinagar, khu vực Kashmir do nước này kiểm soát, ngày 7/5/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Kashmir là một vùng lãnh thổ ở phía tây bắc của tiểu lục địa Ấn Độ, có biên giới với Afghanistan, Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan. Cả Ấn Độ và Pakistan đều tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ vùng đất này và mỗi bên đều kiểm soát một khu vực được phân cách bởi đường biên giới được gọi là Đường kiểm soát. Trung Quốc kiểm soát một phần thứ ba của Kashmir.
Kashmir là khu vực tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan kể từ khi Ấn Độ được chia tách vào năm 1947. Đây là điểm nóng quân sự từng dẫn đến ba cuộc chiến lớn và nhiều đợt giao tranh nhỏ. Lo ngại lớn nhất là nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân – đặc biệt sau khi cả hai quốc gia thử nghiệm vũ khí hạt nhân.
Năm 1999, Tổng thống Clinton từng can thiệp vào cuộc chiến tại Kargil nhằm ngăn chặn leo thang hạt nhân. Năm 2019, cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng cảnh báo rằng thế giới từng tiến rất gần một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa Ấn Độ và Pakistan. Do đó, ngăn chặn xung đột tại đây vẫn được xem là mục tiêu đáng đầu tư đối với an ninh toàn cầu.
Hiện tại, căng thẳng bùng phát khi Ấn Độ tấn công vào vùng Kashmir do Pakistan kiểm soát. Pakistan tuyên bố sẽ trả thù cho 31 thường dân đã thiệt mạng, trong khi Ấn Độ cũng chịu tổn thất khi máy bay bị bắn hạ.
Thế giới mới với những ưu tiên mới
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại cuộc họp báo chung ở Washington ngày 13/2/2025. Ảnh: ANI/TTXVN
Bối cảnh thế giới hiện nay khiến chiến lược ngoại giao kiểu cũ của Mỹ ngày càng khó áp dụng. Sau khủng hoảng Kargil, Mỹ ngày càng nghiêng về phía Ấn Độ. Tổng thống Trump cũng có quan hệ thân thiết với ông Modi và điều này ảnh hưởng đến thái độ của ông đối với Pakistan.
Với việc Mỹ ngày càng rút lui khỏi vai trò trung gian, các quốc gia Trung Đông như Qatar đang cố gắng lấp đầy khoảng trống. Qatar đã liên hệ cả với Ấn Độ và Pakistan để kêu gọi kiềm chế, dù cũng lên án vụ tấn công ở Kashmir của Ấn Độ.
Qatar và các quốc gia vùng Vịnh khác như UAE, Saudi Arabia – những chủ nợ quan trọng của Pakistan – có thể gây áp lực buộc nước này kiềm chế do đang trong khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, trừ khi tình hình leo thang nghiêm trọng hơn, khó có khả năng Mỹ dẫn dắt các nỗ lực quốc tế để hòa giải xung đột này.
Hải Vân/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/ly-do-tong-thong-trump-khong-can-thiep-sau-vao-cuoc-khung-hoang-an-do-pakistan-20250508194834337.htm