Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng tại kênh đào Panama

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng tại kênh đào Panama
2 ngày trướcBài gốc
Trung Quốc tỏ ra bất bình trước thương vụ bán các cảng tại kênh đào Panama cho một liên danh do Mỹ dẫn đầu, phản ánh cuộc cạnh tranh gay gắt giữa Bắc Kinh và Washington trong việc kiểm soát các trung tâm vận tải biển quan trọng, theo nhận định của giới phân tích.
Hình ảnh tại kênh đào Panama. Ảnh: VCG
Tập đoàn CK Hutchison của Hong Kong hồi tháng 3 đã bán 43 cảng tại 23 quốc gia, bao gồm cả các cảng chiến lược tại kênh đào Panama, cho một nhóm nhà đầu tư do quỹ quản lý tài sản BlackRock dẫn đầu. Thương vụ này có giá trị 19 tỷ USD, được thanh toán hoàn toàn bằng tiền mặt.
Sau hai tuần căng thẳng, ngày 28/3, Trung Quốc có động thái cứng rắn hơn khi xác nhận cơ quan quản lý cạnh tranh sẽ tiến hành rà soát thương vụ này. Điều đó có thể khiến các bên không thể ký kết hợp đồng vào ngày 2/4 như dự kiến.
Trước khi Bắc Kinh công bố cuộc rà soát, một số chuyên gia nhận định với AFP rằng thương vụ này giúp Tổng thống Donald Trump ghi điểm khi có thể tuyên bố "giành lại" kênh đào Panama, phù hợp với chủ trương "Nước Mỹ trên hết" của ông.
"Washington đã biến thương vụ này thành một vấn đề chính trị, gây bất lợi cho Trung Quốc, rồi sau đó tuyên bố chiến thắng", ông Kurt Tong, cựu quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ tại Hong Kong, hiện là Giám đốc điều hành tại The Asia Group, nhận xét. "Điều này chắc chắn không khiến Bắc Kinh hài lòng".
Một số cảng trong thương vụ này nằm ở các quốc gia tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), dự án phát triển toàn cầu do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng. Các cảng biển đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới này, và theo giáo sư Henry Gao tại Đại học Quản lý Singapore, Trung Quốc đã đạt được nhiều thành công đáng kể trong lĩnh vực này.
Hồi tháng 2, Panama chính thức rút khỏi BRI sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio. "Có một xu hướng ngày càng rõ ràng trong việc sử dụng cảng biển và cơ sở hạ tầng thương mại như công cụ để tạo lợi thế địa chính trị", giáo sư Gao nhận định.
Lo ngại về tác động với Trung Quốc
Ngày 4/3, CK Hutchison khiến ngành vận tải biển Trung Quốc chấn động khi công bố thương vụ được đánh giá là có quy mô "chưa từng có", theo ông Xie Wenqing, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Vận tải biển Quốc tế Thượng Hải.
Ông cho biết các công ty vận tải Trung Quốc đang lo ngại về việc đảm bảo quyền tự do đi lại khi các cảng này chuyển sang tay chủ mới. "Có những quan ngại về việc chi phí vận chuyển có thể tăng cao hoặc các tàu Trung Quốc bị đối xử không công bằng trong quy trình xếp hàng vào cảng", ông nói.
Giáo sư Wang Yiwei, Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho rằng thương vụ này, cùng với các biện pháp tăng thuế gần đây của Mỹ, có thể ảnh hưởng đến vị thế sản xuất của Trung Quốc. "Việc kiểm tra gắt gao hơn và phí neo đậu tăng có thể làm suy yếu lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc, đồng thời gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu", ông nói.
Ông cũng cho rằng Mỹ đã sử dụng nhiều lý do khác nhau để nhắm vào các dự án hạ tầng quan trọng thuộc BRI nhằm làm suy yếu vị thế của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, một số chuyên gia khác đánh giá lo ngại này có phần bị thổi phồng. Ông John Bradford, Giám đốc điều hành Hội đồng Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương Yokosuka, cho rằng các công ty vận hành cảng như CK Hutchison vẫn phải tuân thủ luật pháp và không có quyền quyết định vấn đề chủ quyền, chẳng hạn như việc cho phép tàu nào được cập cảng.
"Nếu một nhà khai thác cảng cố tình thiên vị một công ty so với công ty khác, điều đó thường là bất hợp pháp", ông Bradford nói. "Hầu hết các quốc gia đều có luật quy định phải đối xử công bằng với các khách hàng, vì vậy những kịch bản tiêu cực nhất có thể không quá thực tế".
Tác động đến Hong Kong
Giới phân tích nhận định Bắc Kinh có thể sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ CK Hutchison, và điều này có thể ảnh hưởng đến vị thế của Hong Kong với vai trò là cửa ngõ kinh tế của Trung Quốc ra thế giới.
"Vấn đề các cảng tại Panama đang khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu Hong Kong có còn là nơi lý tưởng để đầu tư và kinh doanh hay không", ông Kurt Tong nhận định. "Cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại Hong Kong đang theo dõi rất sát diễn biến này".
CK Hutchison được đăng ký tại Quần đảo Cayman, và các tài sản được bán trong thương vụ này đều nằm ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, điều đó không ngăn được Cơ quan Quản lý Thị trường Trung Quốc thông báo mở cuộc điều tra chống độc quyền vào ngày 28/3.
Theo ông Jet Deng, đối tác cấp cao tại công ty luật Dentons ở Bắc Kinh, luật chống độc quyền của Trung Quốc có thể áp dụng ngay cả với các giao dịch diễn ra bên ngoài lãnh thổ nước này, tương tự cách Mỹ và Liên minh châu Âu thực hiện.
"Nếu một thương vụ vượt ngưỡng báo cáo của Trung Quốc, các bên liên quan vẫn phải thực hiện nghĩa vụ khai báo, ngay cả khi giao dịch diễn ra ở nước ngoài, miễn là các công ty có hoạt động đáng kể tại Trung Quốc đại lục", ông Deng giải thích.
Các doanh nghiệp vi phạm quy định này có thể bị phạt tới 10% doanh thu trong năm tài chính trước đó, ông nói thêm.
Giáo sư Hung Ho-fung, chuyên gia chính trị tại Đại học Johns Hopkins, nhận định Bắc Kinh có thể khiến các doanh nghiệp nước ngoài lo ngại khi tiếp tục giám sát thương vụ này.
"Nếu thương vụ đổ vỡ do sức ép từ Trung Quốc, nhiều người có thể cho rằng Hong Kong đang ngày càng giống đại lục, nơi yếu tố an ninh quốc gia có vai trò quan trọng trong mọi quyết định kinh doanh", giáo sư Hung nhận định.
Việt Hà (Theo The Strait Times)
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/cang-thang-giua-my-va-trung-quoc-gia-tang-tai-kenh-dao-panama-post340767.html