Cảnh báo biến chứng của cúm mùa: Ai dễ mắc bệnh?

Cảnh báo biến chứng của cúm mùa: Ai dễ mắc bệnh?
12 giờ trướcBài gốc
Trẻ mắc cúm A nhập viện tháng 2/2025. Ảnh: TTXVN
Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận 1 - 1,8 triệu người mắc cúm mùa.
Cúm là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do nhiều loại virus gây ra, có khả năng lây lan nhanh, xuất hiện nhiều hơn ở trẻ em và trường học, nhà trẻ… dễ là nơi virus cúm lây truyền.
Nguy cơ biến chứng nặng
Cúm là một bệnh phổ biến và phần lớn người mắc cúm sẽ tự khỏi. Nhưng cúm mùa năm nay lan rộng ở nhiều nước và số ca biến chứng nặng tăng nhanh.
Phát biểu trên báo Chính phủ, TS.BS Vũ Quốc Đạt - Phó Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới và can thiệp giảm hại, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, dịp Tết vừa rồi, mọi người từ khắp nơi trên đất nước cùng quay trở về nhà, cùng tụ họp, cùng sống trong một môi trường kín, nên có khả năng lây lan cúm giữa các thành viên trong gia đình. Sau dịp Tết, khi quay trở lại công việc, mọi người di tản tới các địa điểm khác nhau tại nhiều địa phương và dịch cúm có “cơ hội” lây truyền ở môi trường làm việc và gia tăng số ca mắc trong cộng đồng.
Theo thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tại nhiều quốc gia ở Bắc Bán cầu, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp cấp tính có xu hướng gia tăng theo mùa vào thời điểm cuối năm do các tác nhân gây bệnh hô hấp như virus cúm mùa, RSV và các virus phổ biến khác như hMPV, mycoplasma pneumoniae. Tỷ lệ mắc các hội chứng cúm hoặc nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính đã tăng lên trong những tuần cuối năm 2024 và vượt qua mức cơ sở theo mùa thông thường.
Bên cạnh đó, theo kết quả giám sát cúm trên thế giới, bệnh cúm mùa cũng gia tăng ở nhiều quốc gia ở châu Âu (xuất hiện tất cả các phân nhóm của virus cúm), Bắc Mỹ (chủ yếu là cúm A), Trung Mỹ và Caribbean (chủ yếu là cúm A/H3N2), Tây Phi (chủ yếu là cúm B), Bắc Phi (chủ yếu là cúm A/H3N2), Đông Phi (chủ yếu là cúm B) và nhiều quốc gia ở châu Á (chủ yếu là cúm A(H1N1), phù hợp với xu hướng điển hình cho thời điểm cuối năm.
Theo dữ liệu công bố của Viện Truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản, từ 2/9/2024 - 26/1/2025 tại Nhật Bản ghi nhận khoảng 9,5 triệu trường hợp mắc cúm mùa.
Đại diện Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận 912 trường hợp mắc cúm, không có ca tử vong. Số ca mắc giảm 97,4% so với cùng kỳ năm 2024 (34.442). Đặc biệt, các ca mắc cúm hiện tại không ghi nhận thay đổi về độc lực, chủ yếu là cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B.
Tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội như: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị 8 bệnh nhân nhiễm cúm, trong đó có một số trường hợp mắc cúm A, có bệnh nhân phải can thiệp ECMO, bệnh nhân mắc bệnh cúm trên nền bệnh lý khác. Bệnh viện Nhi Trung ương cũng ghi nhận một số ca mắc cúm nặng.
Cũng trong những tháng đầu năm 2025, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội ghi nhận số ca mắc cúm mùa tăng nhanh. Trung bình mỗi tuần, phòng khám khoa Bệnh Nhiệt đới và can thiệp giảm hại của bệnh viện này tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân mắc cúm A (được khẳng định bằng xét nghiệm) tới khám. Số lượng bệnh nhân mắc cúm trong tháng 1/2025 cao gấp 6 lần so với tháng 12/2024.
Thông thường, triệu chứng cúm sẽ xuất hiện và khỏi sau khoảng 1 tuần. Nhưng nhiều trường hợp biến chứng viêm phổi, thường gặp ở trẻ nhỏ, người có tuổi, người mắc bệnh mạn tính, bệnh mạch vành, suy tim hay tiểu đường.
Ngoài ra, cúm còn có thể dẫn tới các biến chứng khác như viêm tai giữa, viêm xoang, nhiễm trùng đường tiết niệu và một số triệu chứng cao như sốt cao, khó thở, phù phổi, tím tái. Phụ nữ mang thai nếu mắc cúm có thể sảy thai. Biến chứng nguy hiểm nhất là phù não và tổn thương gan trầm trọng, tỷ lệ tử vong cao.
Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục theo dõi, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai các biện pháp phù hợp. Đồng thời, Bộ cũng cung cấp các thông tin đầy đủ, chính xác, không để xảy ra hoang mang, lo lắng, nhưng không chủ quan, lơ là trước các diễn biến của tình hình dịch bệnh, nhất là trong thời điểm hiện tại.
Người dân không nên chủ quan, nếu có biểu hiện cúm nên cách ly và đến viện khám ngay khi có diễn biến nặng để được tư vấn tốt nhất. Đặc biệt, nếu sốt cao sau vài ngày sốt nhẹ, đau nhức người, kèm theo triệu chứng đau ngực, khó thở thì càng phải đến viện sớm.
Một bệnh nhân vốn có bệnh nền mắc cúm A, gây biến chứng, nguy kịch được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: T.T
Phân biệt các loại cúm thường gặp
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hồng - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, hiện có 4 chủng virus cúm được ký hiệu là A, B, C, D. Trong đó chủng cúm A và B thường gặp ở người, cúm C gây bệnh nhẹ và thường không có triệu chứng, trong khi đó cúm D ảnh hưởng đến gia súc và không gây bệnh ở người.
Virus cúm A liên tục thay đổi và thường gây ra dịch lớn diện rộng. Đây là bệnh phổ biến nhất do virus cúm A gồm các chủng H1N1, H5N1 và H7N9 gây nên. Không chỉ lây giữa người với người, loại này còn có khả năng lây nhiễm cho động vật. Và các loài chim hoang dã thường đóng vai trò là vật chủ cho virus.
Virus cúm xâm nhập vào cơ thể qua màng nhầy của mũi, mắt hoặc miệng của con người. Mỗi khi chạm tay vào một trong những khu vực này, có thể tự lây nhiễm virus. Vì vậy, việc giữ cho tay không ẩn chứa mầm bệnh bằng cách rửa tay thường xuyên và kỹ lưỡng đóng vai trò rất quan trọng.
Mặc dù có thể gây ra các triệu chứng gần giống nhau nhưng cúm A không giống như cảm lạnh thông thường. Cúm thường nặng hơn cảm lạnh, triệu chứng cúm cũng dữ dội và xuất hiện đột ngột hơn. Người bị cúm dễ bị sốt, ớn lạnh, ho khan, nhức mỏi toàn thân, đau đầu. Một số ít bị đau họng đi kèm nghẹt mũi, hắt hơi hoặc các vấn đề về dạ dày.
Ngoài ra cúm còn có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng xoang, viêm cơ, tổn thương đa cơ quan, suy hô hấp và làm nặng thêm các bệnh mãn tính. Cúm A có thể xuất hiện ở bất cứ ai nên mọi lứa tuổi đều cần cẩn trọng.
Trong đó, trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt dưới 2 tuổi là đối tượng có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng nghiêm trọng của cúm như mất nước, nhiễm trùng tai, viêm phổi,… thậm chí là tử vong nếu không may mắc bệnh.
Phụ nữ mang thai và phụ nữ sau sinh 2 tuần nếu bị cúm thì dễ rơi vào tình trạng bệnh nặng hơn. Người cao tuổi trên 65 cũng có nguy cơ cao mắc phải các biến chứng liên quan tới cúm, do hệ miễn dịch đã dần suy yếu theo tuổi tác. Một số bệnh mãn tính có nguy cơ trở nên nghiêm trọng hơn nếu người bệnh mắc phải cúm. Người béo phì có tỷ lệ biến chứng nặng vì cúm cao hơn người có cân nặng khỏe mạnh.
Khác với bệnh cúm do virus loại A gây ra, cúm B chỉ được tìm thấy ở người. Đây là loại virus lành tính, đa phần người bệnh sẽ tự khỏi sau vài ngày nghỉ ngơi. Triệu chứng của cúm B có thể tự thuyên giảm mà không cần điều trị. Tuy nhiên, vẫn có những người có thể gặp biến chứng, như phụ nữ đang mang thai, sau sinh chưa đầy 2 tuần; người có hệ miễn dịch yếu hoặc đang mắc một số bệnh mạn tính; trẻ em dưới 5 tuổi; người già trên 65 tuổi.
Đối với đối tượng là trẻ em, bố mẹ cần phải đưa trẻ đến thăm khám kịp thời, nhanh chóng tại các cơ sở y tế uy tín, tin cậy trước khi đưa ra những biện pháp điều trị. Trường hợp, các bậc phụ huynh tự ý sử dụng thuốc không có ý kiến của bác sĩ sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra biến chứng cho trẻ.
Với loại bệnh do virus cúm B hay những virus khác gây ra, hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn có thể dựa trên tình trạng của từng bệnh nhân để kê thuốc hạ sốt nhằm điều trị các triệu chứng xuất hiện trên người bệnh, hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra biến chứng.
Gây ra bởi virus loại C, rất ít gặp và luôn nhẹ hơn các trường hợp do virus nhóm A, B. Bệnh có các triệu chứng lâm sàng không điển hình và chúng cũng không gây dịch. Virus cúm C đã được phát hiện có ở người và động vật, trong đó trường hợp lây nhiễm từ động vật sang người là rất hiếm gặp nhưng cũng đã có những báo cáo ghi nhận.
Cúm C có các triệu chứng lâm sàng khá nhẹ, có thể tự khỏi, không để lại di chứng do bệnh. Cũng vì thế mà cúm C khó trở thành đại dịch như những đợt bùng phát cúm A. Dù vậy, cúm C cũng mang đầy đủ đặc tính của một virus cúm, nên cũng có khả năng diễn tiến xấu đối với những người có bệnh lý nền, hệ miễn dịch kém hay với những phụ nữ mang thai. Đặc biệt, đã có một số bằng chứng cho thấy virus cúm C có thể gây ra bệnh hô hấp nghiêm trọng ở trẻ em dưới 2 tuổi.
Thời gian ủ bệnh sau khi mắc virus cúm C là khoảng 2 ngày, sau đó bệnh bắt đầu xuất hiện những triệu chứng lâm sàng. Trong 2 ngày chưa có dấu hiệu bệnh, virus cúm cũng có thể phát tán từ cơ thể người bệnh ra môi trường bên ngoài. Tùy vào triệu chứng, người bệnh có thể sử dụng thuốc điều trị hoặc không.
Thông thường, sau khoảng 5 ngày, triệu chứng cúm giảm dần, trong đó những con ho và cảm giác mệt mỏi vẫn tiếp tục kéo dài. Trong vòng 1 - 2 tuần, các dấu hiệu của cúm C sẽ hết hoàn toàn. Tuy nhiên, vẫn sẽ có những trường hợp cúm diễn tiến nặng hơn, có thể gây biến chứng ở những đối tượng có hệ miễn dịch kém.
Để chủ động phòng các loại cúm, nhất là trong trường học, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hồng khuyến cáo, cần hạn chế tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây như người mang bệnh hoặc người nghi ngờ nhiễm bệnh. Việc vệ sinh cá nhân, sử dụng khẩu trang khi ra ngoài và khi đến những nơi công cộng là phương pháp hiệu quả hạn chế nguy cơ tiếp xúc với virus. Cần phòng tránh các loại cúm bằng cách vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay với chất làm sạch đồng thời vệ sinh mũi, họng với nước sát khuẩn. Giữ ấm cơ thể khi thay đổi thời tiết, xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh kết hợp với hoạt động tập thể thao để nâng cao thể trạng. Ngoài ra, đối với người dân, không nên tự ý sử dụng thuốc cảm cúm, đặc biệt với những đối tượng trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và cho con bú, người có bệnh lý nền, người đang sử dụng thuốc điều trị bệnh lý khác…
Ngọc Trang
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/canh-bao-bien-chung-cua-cum-mua-ai-de-mac-benh-post720339.html