Không lạm dụng Tamiflu

Không lạm dụng Tamiflu
9 giờ trướcBài gốc
Tamiflu là thuốc kê đơn và cần phải có đơn thuốc từ bác sĩ trước khi sử dụng. Ảnh: INT
Theo các chuyên gia y tế, việc tự ý dùng thuốc để điều trị bệnh cúm, trong đó có Tamiflu khi không cần thiết có thể gặp phải những tác dụng phụ không mong muốn.
Sử dụng thuốc hợp lý
Ngày 10/2, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) thông tin có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bệnh viện, viện trực thuộc Bộ và cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc về việc đảm bảo cung ứng thuốc điều trị bệnh cúm.
Theo Cục Quản lý Dược, thời gian gần đây, tình hình bệnh cúm có diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương ở phía Bắc, nhu cầu sử dụng thuốc điều trị cúm, đặc biệt là thuốc kháng virus, có xu hướng gia tăng.
Bên cạnh đó, do lo ngại dịch cúm bùng phát sẽ xảy ra tình trạng khan hiếm, nâng giá thuốc, nhiều người dân tự ý mua thuốc Tamiflu (thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir) - thuốc kháng virus cúm A để dự trữ, đề phòng.
Trước tình hình trên, Cục Quản lý Dược đề nghị các đơn vị liên quan triển khai các nội dung về đảm bảo nguồn cung thuốc cho những bệnh có thể xảy ra trong mùa đông xuân.
Cục cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn theo dõi sát tình hình dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc điều trị cúm. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc cung ứng và sử dụng thuốc, đảm bảo thuốc được phân phối hợp lý, tránh tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.
Các bệnh viện trực thuộc Bộ chủ động lập kế hoạch dự trữ và mua sắm thuốc điều trị cúm, đặc biệt là các thuốc kháng virus, đảm bảo sẵn sàng và cung ứng kịp thời thuốc điều trị bệnh cúm. Sử dụng thuốc hợp lý, tránh lạm dụng thuốc kháng virus để hạn chế nguy cơ kháng thuốc.
Đồng thời, đề nghị các cở sở sản xuất, nhập khẩu thuốc tăng cường nguồn cung, xây dựng và thực hiện kế hoạch cung ứng thuốc để đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh cúm, khẩn trương cung ứng đủ thuốc khi nhận đơn đặt hàng của các cơ sở khám, chữa bệnh.
Trong bối cảnh số ca mắc cúm tăng, không ít phụ huynh lo ngại về việc trẻ có nguy cơ nhiễm bệnh. Trong một số hội nhóm trên mạng xã hội, nhiều cha mẹ cũng “mách nhau” tự mua thuốc Tamiflu về cho con uống trong trường hợp trẻ mắc cúm. Một số tài khoản mạng hướng dẫn rằng, phụ huynh có thể ra hiệu thuốc mua que test cúm.
Nếu con bị mắc cúm A thì chỉ cần mua ngay thuốc Tamiflu về cho trẻ uống, sau một hôm là sẽ cắt sốt. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số phụ huynh cũng bày tỏ lo lắng, Tamifu là một loại thuốc kháng virus, nếu tự ý sử dụng có thể gây ra những tác dụng không mong muốn hay không? Trái lại, nhiều cha mẹ khác lại tỏ ra đồng tình với việc tự ý sử dụng thuốc Tamiflu.
Trên mạng xã hội Facebook, không khó để tìm được người bán loại thuốc này. Trong nhóm “Hội nhà thuốc, quầy thuốc Việt Nam”, nhiều tài khoản đăng bài bán thuốc Tamiflu. Theo ghi nhận, có 2 loại thuốc Tamiflu được bán phổ biến nhất, được người bán gọi với tên lóng “hàng công ty” và “hàng Pháp”.
Một tài khoản Facebook giới thiệu Tamiflu hàng công ty có giá 515.000 đồng/hộp và hàng Pháp có giá 489.000 đồng/hộp. Đây cũng là mức giá chung của nhiều người bán khác trên chợ mạng.
Theo hướng dẫn điều trị cúm của Bộ Y tế Việt Nam, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cũng như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), việc sử dụng thuốc kháng virus Tamiflu (hoạt chất oseltamivir) chỉ được chỉ định khi có biến chứng nặng hoặc có nguy cơ cao. Các chuyên gia y tế cảnh báo, việc tự ý dùng Tamiflu mà không có sự chỉ định của bác sĩ có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Bệnh nhân cúm mùa là phụ nữ mang thai điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: INT
Tác dụng phụ
Bác sĩ Lê Văn Thiệu - khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, Tamiflu là thuốc kê đơn và cần phải có đơn thuốc từ bác sĩ trước khi sử dụng. Tuy nhiên, không phải tất cả trường hợp nhiễm cúm đều cần đến thuốc kháng virus đặc hiệu này.
Việc điều trị chủ yếu là chữa triệu chứng, giúp giảm tình trạng khó chịu trong giai đoạn nhiễm cấp tính. Hầu hết các trường hợp nhiễm cúm đều có thể tự khỏi mà không cần điều trị bằng Tamiflu.
Chỉ những trường hợp có nguy cơ tiến triển nặng cao, như người già, người có bệnh lý nền hoặc trẻ nhỏ, bác sĩ mới xem xét sử dụng thuốc kháng virus để giảm nguy cơ biến chứng nặng. Các bệnh nhân này cần được theo dõi và phát hiện sớm những dấu hiệu nặng để nhập viện kịp thời nếu cần.
Theo dược sĩ Quang Ánh Nguyệt - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, tùy theo cân nặng, độ tuổi và tình trạng bệnh của trẻ mà bác sĩ sẽ chỉ định thuốc, dạng thuốc và liều lượng phù hợp. Sự hấp thu của thuốc không bị ảnh hưởng bởi thức ăn nên trẻ có thể dùng thuốc trước hoặc sau ăn. Tuy nhiên, thuốc nên được dùng kèm với thức ăn vì có thể giúp giảm tác dụng phụ gây buồn nôn và nôn.
Khi dùng thuốc, với dạng viên nang, người bệnh được khuyến cáo nuốt nguyên viên. Dạng hỗn dịch phải được lắc đều, kỹ trước khi sử dụng. Trường hợp trẻ không thể nuốt được nguyên viên và không có dạng hỗn dịch thay thế, có thể mở viên nang thuốc ra và lấy bột thuốc bên trong hòa với lượng nhỏ chất lỏng có vị ngọt để giảm bớt mùi vị của thuốc khi uống.
Tác dụng phụ thường gặp nhất khi dùng Tamiflu là buồn nôn và nôn, đau đầu. Thông thường, triệu chứng buồn nôn, nôn không nghiêm trọng và chỉ xảy ra trong 2 ngày đầu điều trị. Dùng Tamiflu cùng với bữa ăn có thể giúp giảm tác dụng phụ này.
Ngoài ra, còn có thể gặp các triệu chứng khác như đau bụng, mệt mỏi khi dùng thuốc. Phản ứng dị ứng như nổi mẩn đỏ trên da là hiếm gặp. Nếu xuất hiện mẩn đỏ sau khi dùng thuốc, trẻ cần ngưng thuốc và đến khám tại các cơ sở y tế ngay lập tức.
Trẻ em và trẻ vị thành niên mắc cúm có thể có nguy cơ cao hơn gặp phải các biểu hiện co giật, lơ mơ hoặc các hành vi bất thường trong thời gian mắc bệnh. Các tác dụng phụ này có thể diễn ra một thời gian ngắn sau khi dùng thuốc Tamiflu hoặc cũng có thể xảy ra bởi bệnh cúm chưa được điều trị đầy đủ.
Các biểu hiện dạng này không thường gặp nhưng có thể dẫn đến các tổn thương do tai nạn xảy ra ở người bệnh. Vì vậy, những bệnh nhân này cần phải được theo dõi các dấu hiệu hành vi bất thường trong khi dùng thuốc và thông báo cho nhân viên y tế ngay lập tức.
Thông tin về diễn biến bệnh cúm tại Việt Nam trong thời gian qua, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, số trường hợp mắc cúm gia tăng cục bộ từ cuối năm 2024 và trong thời gian dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, không có sự gia tăng đột biến so với số ca mắc được ghi nhận cùng kỳ hàng năm trước đây. Theo thống kê, tính từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận 912 trường hợp mắc cúm, không có ca tử vong. Số ca mắc giảm 97% so với cùng kỳ năm 2024 (với 34.442 ca). Đặc biệt, các ca mắc cúm hiện tại không ghi nhận thay đổi về độc lực, chủ yếu là cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B.
Vân Huyền
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/khong-lam-dung-tamiflu-post720341.html