Lượng băng tan ở các tảng băng Greenland và Nam Cực đã tăng gấp bốn lần kể từ những năm 1990. Ảnh: Shutterstock
Mối đe dọa không thể đảo ngược
Tờ Guardian đưa tin, trong một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học cảnh báo rằng mực nước biển dâng sẽ trở nên không thể kiểm soát nếu nhiệt độ toàn cầu đạt mức 1,5 độ C, dẫn đến "cuộc di cư thảm khốc vào đất liền".
Kịch bản này có thể xảy ra ngay cả khi mức nhiệt trung bình trong thập kỷ qua là 1,2 độ C và tiếp tục duy trì trong tương lai.
Diện tích băng tan ở các tảng băng khổng lồ của Greenland và Nam Cực đã tăng gấp bốn lần kể từ những năm 1990 do khủng hoảng khí hậu, và hiện tại đây là nguyên nhân chính dẫn đến mực nước biển dâng cao.
Mặc dù mục tiêu quốc tế nhằm giữ nhiệt độ toàn cầu không vượt quá 1,5 độ C đang dần trở nên khó đạt được, phân tích mới cho thấy rằng ngay cả khi lượng khí thải nhiên liệu hóa thạch được giảm mạnh, mực nước biển vẫn sẽ dâng cao 1 cm mỗi năm vào cuối thế kỷ. Tốc độ này sẽ vượt quá khả năng xây dựng các công trình phòng thủ ven biển của các quốc gia.
Thế giới hiện đang trên đà nóng lên toàn cầu với mức nhiệt độ dự báo từ 2,5 đến 2,9 độ C, điều này gần như chắc chắn sẽ vượt qua ngưỡng tới hạn, dẫn đến sự sụp đổ của các tảng băng Greenland và Tây Nam Cực.
Khi các tảng băng này tan chảy, mực nước biển sẽ dâng cao một cách "thực sự khủng khiếp", có thể đạt mức 12 mét.
Hàng triệu người có nguy cơ phải di cư vào đất liền
Hiện nay, khoảng 230 triệu người sống trong phạm vi 1 mét so với mực nước biển hiện tại, và 1 tỷ người sống trong phạm vi 10 mét.
Ngay cả khi mực nước biển chỉ dâng 20 cm vào năm 2050, tổn thất do lũ lụt có thể lên tới ít nhất 1 nghìn tỉ đô la mỗi năm, ảnh hưởng trực tiếp tới 136 thành phố ven biển lớn nhất thế giới, cùng cuộc sống và sinh kế của hàng triệu người.
Các nhà nghiên cứu cho biết mức nhiệt độ “giới hạn an toàn” để các tảng băng không tan chảy vẫn chưa thể xác định chính xác, nhưng có thể chỉ là 1 độ C hoặc thấp hơn. Dù vậy, mực nước biển dâng 1–2 mét trong tương lai hiện nay được cho là điều không thể tránh khỏi.
Tại Anh, nếu nước biển dâng 1 mét, phần lớn các vùng như Fens và Humberside sẽ bị ngập dưới mực nước biển.
Giáo sư Jonathan Bamber của Đại học Bristol cho biết: “Khi nói đến giới hạn an toàn, chúng tôi ám chỉ mức độ cho phép con người có thể thích nghi, thay vì phải đối mặt với các cuộc di cư nội địa thảm khốc. Mốc đó là khi mực nước biển dâng khoảng 1 cm mỗi năm".
Ông nói thêm: “Một khi vượt qua ngưỡng đó, việc thích nghi sẽ trở nên vô cùng khó khăn, và chúng ta sẽ chứng kiến những làn sóng di cư trên đất liền ở quy mô chưa từng có trong lịch sử văn minh loài người".
Theo ông, những quốc gia đang phát triển như Bangladesh sẽ phải chịu hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều so với các nước giàu có, nơi đã có kinh nghiệm và hệ thống phòng thủ trước thảm họa thiên nhiên, chẳng hạn như Hà Lan.
Giáo sư Chris Stokes từ Đại học Durham, tác giả chính của nghiên cứu cảnh báo: “Chúng ta đang bắt đầu chứng kiến các kịch bản tồi tệ nhất xảy ra ngay trước mắt. Với mức ấm lên hiện tại là 1,2 độ C, mực nước biển dâng đang tăng tốc nhanh chóng. Nếu xu hướng này tiếp diễn, nó sẽ trở nên không thể kiểm soát trước khi thế kỷ này kết thúc – tức là ngay trong vòng đời của thế hệ trẻ hiện nay”.
N. THANH