Các bác sĩ can thiệp tim mạch cho bệnh nhân trong phòng Cathleb.
Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, gần đây, số lượng người bệnh đột quỵ nặng và trẻ hóa có xu hướng gia tăng, tỷ lệ người bệnh từ 18 - 45 tuổi ngày càng nhiều. Hằng năm, Đơn nguyên Đột quỵ - Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc tiếp nhận từ 600 - 700 bệnh nhân bị đột quỵ từ nhẹ đến nặng. Trung bình mỗi tháng tiếp nhận 50 - 60 bệnh nhân, trong đó có khoảng 10% số người bệnh còn khá trẻ, tăng so với các năm trước.
Thạc sĩ Vũ Thị Hương Giang - Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc cho biết: "Hiện nay, tuổi bị đột quỵ mở rộng ở cả những người trẻ ngày càng gia tăng. Những năm gần đây, Bệnh viện đã tiếp nhận và chuyển giao, triển khai nhiều kỹ thuật cao can thiệp kịp thời như lấy huyết khối mạch não, nút coil, đặt stent mạch cảnh… Khi người bệnh có các triệu chứng như: nói ngọng, nói khó, yếu liệt nửa người cần phải đến ngay bệnh viện để được can thiệp kịp thời trong khoảng thời gian dưới 4,5 giờ đầu thì có thể phục hồi khoảng 60 - 70%. Do đó, hằng năm, những bệnh nhân được đưa đến cấp cứu đột quỵ và được can thiệp kịp thời có tỷ lệ hồi phục khá cao”.
Những yếu tố nguy cơ làm gia tăng đột quỵ ở người trẻ liên quan đến các bệnh lý miễn dịch như: huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, số ít bệnh nhân do di truyền và đặc biệt do tác động của lối sống bao gồm sử dụng nghiện chất, nhất là cô-ca-in, thuốc tránh thai, lạm dụng chất kích thích, rượu, bia, thuốc lá, thừa cân béo phì, lười vận động, thức khuya, căng thẳng trong cuộc sống, công việc.
Đặc biệt, suy nghĩ rất đơn giản của nhiều người thấy mình còn trẻ, cảm thấy sức khỏe bình thường nên việc khám sức khỏe định kì còn chưa được chú trọng, chỉ tới khi đột quỵ phải cấp cứu mới phát hiện mình mắc các bệnh nền như huyết áp, tim mạch, đái tháo đường.
Bên cạnh đó, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng 50% số người trẻ bị đột quỵ có thói quen hút thuốc lá. Trong thuốc lá có chứa hơn 7.000 hóa chất độc hại, khi tích lũy trong cơ thể sẽ gây ra những tổn thương, xơ vữa mạch máu và gây ra những nguy cơ về đột quỵ cao hơn. Một yếu tố nữa cũng dẫn đến nguy cơ bị đột quỵ là do thói quen ít vận động, di chuyển đi lại.
Cùng với đó là ăn những loại thức ăn nhanh hoặc chứa nhiều dầu mỡ sẽ khiến tích lũy mỡ thừa trong máu cũng như gây ra nguy cơ xơ vữa động mạch. Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã cấp cứu thành công bệnh nhân Trần Quốc Toàn, 44 tuổi ở xã Khánh Thiện, huyện Lục Yên vào viện trong tình trạng hôn mê, đặt ống thở máy, được chỉ định chụp mạch não dưới DSA (chụp mạch não số hóa xóa nền), chẩn đoán chảy máu dưới nhện, chảy máu não, não thất do vỡ túi phình thông trước. Sau thời gian cấp cứu, người bệnh đã được nút 4 coil thành công, rút ống nội khí quản, ra viện phục hồi tốt, tỉnh táo, không liệt.
Ra viện sau 8 ngày điều trị, anh Toàn cho biết: "Tôi đang sinh hoạt cuộc sống bình thường, sau một buổi chiều đi làm về thấy hơi mệt, lên giường nằm nghỉ rồi bị hôn mê và được gia đình đưa đi bệnh viện cấp cứu. Đến nay, sức khỏe của tôi đã ổn định và tái khám 2 lần, được các bác sĩ đánh giá sức khỏe tiến triển rất tốt. Tôi xin chân thành cảm ơn đội ngũ y sĩ, bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã kịp thời can thiệp để tôi như được sinh ra lần thứ 2!”.
Sự gia tăng của bệnh đột quỵ ở người trẻ hiện nay là vấn đề đáng lo ngại. Việc chủ động nhận thức về nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh, bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và cộng đồng. Để đột quỵ không trở thành nỗi ám ảnh của người trẻ, cần thay đổi lối sống ngay từ bây giờ, xây dựng thói quen ăn uống và sinh hoạt khoa học, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao đồng thời thực hiện khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn.
Thạc sĩ Vũ Thị Hương Giang - Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh khuyến cáo để tránh nguy cơ đột quỵ, mỗi người cần kiểm soát tốt các bệnh lý nền như huyết áp, đái tháo đường, tim mạch. Đồng thời, mỗi người cần thay đổi lối sống để sinh hoạt lành mạnh, cân đối giữa các nhóm thực phẩm với nhau; tăng cường rau xanh, những nhóm chất sinh năng lượng như protein gồm cá, thịt trắng, trứng, hạn chế các loại thịt đỏ và bổ sung lipit, gluxit… Bên cạnh đó, cần vận động và rèn luyện thể thao tối thiểu 30 phút/ngày; khám sức khỏe định kỳ từ 3 - 6 tháng/lần để sàng lọc và phát hiện yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe.
Trần Minh