Người dân cần tuân thủ các khuyến cáo của ngành Y tế để bảo vệ sức khỏe bản thân và người thân một cách hiệu quả
Đổ bệnh vì nắng nóng
Những ngày qua, Long An đang trải qua đợt nắng nóng gay gắt. Thời tiết khắc nghiệt không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt, lao động, sản xuất mà còn là nguyên nhân khiến nhiều người mắc các bệnh về hô hấp, tim mạch, rối loạn tiêu hóa, huyết áp cao, viêm phổi, ngộ độc thực phẩm,...
Anh Nguyễn Văn Dương (thợ hồ, ngụ phường 5, TP.Tân An) chia sẻ: “Tôi thường xuyên làm việc ngoài trời cả ngày, nhiều hôm nắng gắt, bủn rủn chân tay, đau đầu, chóng mặt, phải nghỉ sớm. Có lần, tôi còn bị ngất do say nắng. Bây giờ đi làm là phải đội nón rộng vành, mặc áo dài tay và mang theo nhiều nước uống”.
Các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa và bệnh truyền nhiễm khác có xu hướng gia tăng trong mùa nắng nóng
Ghi nhận tại nhiều cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh trong những ngày qua, số ca nhập viện do các bệnh liên quan đến thời tiết nắng nóng có xu hướng tăng. Không chỉ người lớn tuổi và người làm việc ngoài trời, nhóm trẻ em cũng chịu ảnh hưởng lớn bởi thời tiết nắng nóng.
Anh Trần Văn Sơn (xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An) chia sẻ khi đưa con trai 8 tuổi tới Bệnh viện Đa khoa Long An khám vì bệnh viêm họng: “Trời nóng quá nên tối nào tôi cũng mở máy điều hòa cả đêm cho con ngủ. Ban ngày, cháu thường uống nước đá, ăn kem để giải nhiệt. Mấy hôm nay thấy cháu ho khan, rát họng, sổ mũi nên tôi đưa đi khám thì được bác sĩ chẩn đoán bị viêm họng”.
Cùng với các bệnh về đường hô hấp, tình trạng ngộ độc thực phẩm cũng là mối lo lớn. Thực phẩm không được bảo quản đúng cách dưới thời tiết nắng gắt tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn dẫn đến ngộ độc thực phẩm.
Chị Lê Thị Mai Thanh (xã Vĩnh Công, huyện Châu Thành) cho biết: “Mấy hôm nay con tôi bị sốt, tiêu chảy. Đi khám được bác sĩ chẩn đoán bị rối loạn tiêu hóa có thể do ăn phải thức ăn nhiễm khuẩn, bảo quản không kỹ trong thời tiết nắng nóng”.
Theo Phó Trưởng khoa Nội Tiêu hóa, Huyết học, Nội tiết (Bệnh viện Đa khoa Long An) - bác sĩ Chuyên khoa II Hoàng Ngọc Đức, nhiệt độ môi trường cao khiến cơ thể mất nước, rối loạn điện giải, làm tăng gánh nặng cho tim và phổi. Với người cao tuổi và người có bệnh nền dễ gặp các biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, tai biến mạch máu não. Ngoài ra, thực phẩm nếu không được bảo quản đúng cách sẽ dễ ôi thiu, dẫn đến ngộ độc.
Thời tiết nắng nóng, người cao tuổi dễ mắc các bệnh về tim mạch, huyết áp, viêm phổi,…
Đặc biệt, thời tiết nắng nóng làm chó, mèo dễ bị kích thích, dẫn đến nguy cơ phát dại. Do đó, người dân cần hết sức cảnh giác với tình trạng chó thả rông, không tiêm phòng. Việc tiêm phòng bệnh dại cho vật nuôi là biện pháp quan trọng trong phòng, chống bệnh dại. Người dân không nên nuôi chó thả rông, cần rọ mõm khi đưa chó ra nơi công cộng; đồng thời, đưa vật nuôi đi tiêm phòng đầy đủ theo lịch.
Chủ động phòng bệnh
Trước những ảnh hưởng của thời tiết đến sức khỏe, nhiều người chủ động thay đổi thói quen sinh hoạt và tăng cường sức đề kháng. Đây được xem là “chìa khóa” để mỗi người tự bảo vệ bản thân trước thời tiết khắc nghiệt.
Chị Nguyễn Thị Cẩm Hồng (TP.Tân An) chia sẻ: “Trước đây, tôi hay cho các con chơi ngoài sân lúc 15-16 giờ vì nghĩ rằng lúc đó trời đã dịu mát hơn nhưng sau một lần cháu bị sốt vì say nắng, tôi mới tìm hiểu và biết phải tránh ra nắng từ 10 đến 16 giờ. Biết được điều này, cả nhà tôi thay đổi giờ sinh hoạt, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với nắng gắt”.
Thực tế, nhiều người dân điều chỉnh lại thói quen sinh hoạt để thích nghi với thời tiết oi bức. Việc mặc quần áo dài, đội nón rộng vành, sử dụng kính râm và kem chống nắng khi ra ngoài được áp dụng thường xuyên hơn. Đồng thời, các bữa ăn cũng được ưu tiên thực phẩm mát, dễ tiêu, hạn chế dầu mỡ.
Để chủ động bảo vệ sức khỏe và phòng, chống dịch bệnh trong mùa nắng nóng, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế có “Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe mùa nắng nóng cho cộng đồng và người lao động”. Đối với những người phải làm việc trong thời tiết nắng nóng nên bố trí thời gian làm việc vào những lúc trời mát mẻ như vào sáng sớm hoặc chiều muộn; hạn chế thời gian làm việc trong môi trường nhiệt độ cao; nếu bắt buộc phải làm việc thì không nên làm việc quá lâu trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức.
Thường xuyên rửa tay với xà phòng, đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh
Hạn chế đến mức thấp nhất diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể, đặc biệt là vùng vai gáy; sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp khi làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính; mặc quần áo rộng, thoáng mát và thấm mồ hôi; có thể sử dụng thêm các loại kem chống nắng; không sử dụng các loại đồ uống có cồn. Cần uống nước đều đặn trong suốt thời gian làm việc. Đặc biệt, cần uống thêm các loại nước có bổ sung thêm muối và khoáng chất như Oresol đối với những người bị mất nhiều mồ hôi trong quá trình làm việc, khi uống nước cần tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất.
Ngoài ra, cần thực hiện các biện pháp làm thoáng mát nơi làm việc như sử dụng mái che, các tấm phản chiếu nhiệt, vật liệu cách nhiệt, hệ thống phun nước, phun sương, lắp đặt hệ thống điều hòa, hệ thống quạt thông gió phù hợp.
Mùa nắng nóng không chỉ gây khó chịu trong sinh hoạt, lao động mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe. Tuy nhiên, nếu mỗi người dân chủ động nâng cao ý thức phòng bệnh, điều chỉnh lối sống phù hợp và tuân thủ các khuyến cáo của ngành Y tế thì hoàn toàn có thể bảo vệ sức khỏe bản thân và người thân một cách hiệu quả./.
Huỳnh Hương