Xu hướng trẻ hóa đột quỵ tại Việt Nam đang trở thành vấn đề đáng lo ngại. Để hạn chế tình trạng này, cần có các giải pháp đồng bộ từ cả hệ thống y tế và cộng đồng.
Đột quỵ, cách gọi khác của tai biến mạch máu não, có thể xảy ra bất ngờ với bất kỳ ai và gây hậu quả rất trầm trọng, dai dẳng, thậm chí là tử vong. Tuy nhiên, đột quỵ hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu được trang bị kiến thức điều trị kịp thời và kiểm soát tốt các nguy cơ.
8 Trung tâm Đột quỵ của Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận khoảng 50 đến 60 bệnh nhân mỗi ngày
"Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới, mỗi lần đột quỵ tái phát thường gây ra các biến chứng nặng nề hơn, làm giảm chức năng và chất lượng cuộc sống nhiều hơn so với lần đầu. Vì vậy, đối với bệnh nhân đã từng bị đột quỵ, việc tuân thủ điều trị và thăm khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ là vô cùng quan trọng. Đây là một quá trình liên tục, đều đặn và suốt đời, chứ không có liệu trình hay phác đồ ngắn hạn nào có thể giúp ngăn ngừa hoàn toàn đột quỵ lâu dài. Bởi không ai hiểu rõ về tình trạng sức khỏe của mình bằng chính bản thân bệnh nhân. Điều này có nghĩa là bệnh nhân phải nắm rõ các chỉ số sức khỏe của mình, kết hợp với bác sĩ để tối ưu hóa quá trình phòng ngừa và điều trị", bác sĩ Nguyễn Minh Anh, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết.
Bác sĩ Nguyễn Minh Anh, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến đột quỵ
Bác sĩ Nguyễn Minh Anh cho biết, theo nghiên cứu tại Việt Nam, số ca đột quỵ thường gia tăng vào thời điểm giao mùa, đặc biệt là trong mùa lạnh, với tỷ lệ tăng khoảng 15 – 20 %. Tuy nhiên, tại Bệnh viện Bạch Mai, cụ thể là Trung tâm Đột quỵ, con số này thậm chí có thể tăng từ 25 – 30 %. Nguyên nhân chính của việc này là do khi thời tiết lạnh, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm rất lớn, gây ra co giãn mạch máu đột ngột. Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với những bệnh nhân có bệnh nền như cao huyết áp, tiểu đường, mỡ máu cao, hay những người có thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia. Trong mùa lạnh, các ca đột quỵ chảy máu não cũng phổ biến hơn và thường để lại triệu chứng, tàn phế lâm sàng nặng nề hơn so với đột quỵ nhồi máu não. Điều này để lại gánh nặng về kinh tế và xã hội rất lớn.
Theo các thống kê gần đây, tỷ lệ tử vong và tàn phế do đột quỵ ở Việt Nam là 18, xấp xỉ 20%, đứng đầu so với các nguyên nhân bệnh lý khác. Trên thế giới, đột quỵ thường là nguyên nhân tử vong đứng thứ ba sau bệnh tim mạch và ung thư. Tuy nhiên, tại Việt Nam, đột quỵ lại đứng đầu cả về tỷ lệ tử vong và mức độ tàn phế. Bởi thứ nhất, sự hiểu biết của người dân về đột quỵ não hiện còn hạn chế. Một khái niệm quan trọng trong đột quỵ là "thời gian là não", nghĩa là khi một người bị đột quỵ, cần ngay lập tức đưa họ đến bệnh viện gần nhất có khả năng điều trị cấp cứu đột quỵ. Bệnh nhân đến càng sớm, cơ hội phục hồi càng cao. Thứ hai, số lượng bệnh viện có khả năng điều trị đột quỵ cấp hiện đại còn hạn chế, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn.
"Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 200.000 ca đột quỵ, mỗi trung tâm đột quỵ cần đảm nhận điều trị cho ít nhất 500 bệnh nhân. Như vậy, Việt Nam cần tối thiểu 400 trung tâm đột quỵ. Tuy nhiên, hiện tại chúng ta mới có hơn 100 trung tâm, do đó cần xây dựng thêm các đơn vị và trung tâm đột quỵ, các trung tâm đột quỵ toàn diện nhằm tối ưu hóa điều trị cho bệnh nhân. Đây là một vấn đề xã hội cấp thiết và hy vọng sẽ được cải thiện trong những năm tới", bác sĩ Nguyễn Minh Anh bày tỏ.
Việt Nam hiện nay nằm trong số các nước có số ca tử vong do đột quỵ đứng đầu trong các loại bệnh tật, trong khi trước đây đó là bệnh tim mạch ở số ca đột quỵ nhập viện tăng, còn số tuổi của người mắc lại giảm. Trẻ hóa đột quỵ đang là một thực tế đáng lo ngại. Tại Việt Nam, tỷ lệ người trẻ dưới 40 tuổi mắc căn bệnh này tăng trung bình khoảng 2% mỗi năm và đang có khoảng 15% bệnh nhân đột quỵ trong độ tuổi từ 18 – 50 tuổi.
Tại Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, theo thống kê sơ bộ, trong bốn năm trở lại đây, bình quân cứ 100 ca cấp cứu đột quỵ, có đến 15 ca, dưới 50 tuổi
"Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, khi công nghệ chẩn đoán ngày càng hiện đại, tỷ lệ phát hiện đột quỵ ở người trẻ cũng tăng lên. Tại Trung tâm Đột quỵ của Việt Nam, chúng tôi đã thực hiện một nghiên cứu và nhận thấy rằng tỷ lệ đột quỵ ở bệnh nhân dưới 45 tuổi chiếm khoảng 7,2%. Đột quỵ ở người trẻ thường có các biểu hiện đa dạng, bao gồm nhồi máu não, chảy máu não và dị dạng mạch máu não. Đáng chú ý, các yếu tố, nguy cơ thường gặp ở người cao tuổi hiện giờ cũng phổ biến ở người trẻ, ví dụ như một bệnh nhân nam chỉ 35 tuổi nhưng đã tăng huyết áp, tiểu đường và gặp các vấn đề về mỡ máu. Điều này cho thấy rằng các yếu tố nguy cơ của đột quỵ ngày càng phổ biến ở người trẻ", bác sĩ Nguyễn Minh Anh cho biết thêm.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Minh Anh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đột quỵ ngày càng gia tăng ở người trẻ. Trước hết, người trẻ thường chủ quan, cho rằng mình khó mắc phải các bệnh lý này, vì vậy họ thường ít đi tầm soát sức khỏe. Ngay cả trong lĩnh vực y tế, ngành y tế cũng khuyến khích các y bác sĩ kiểm tra định kỳ ít nhất mỗi 6 tháng một lần các chỉ số huyết áp, tiểu đường và sức khỏe tổng quát.
Cuộc sống áp lực ngày nay cũng là một yếu tố tác động gây đột quỵ. Người trẻ thường xuyên sử dụng thiết bị điện tử nhiều, căng thẳng, mất ngủ, hay sử dụng thức ăn nhanh, chất béo có nguốn gốc động vật và rất ít thời gian nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, một vấn đề nổi bật gần đây là việc người trẻ sử dụng các chất kích thích. Nếu trước đây, chúng ta chỉ lo ngại về thuốc lá, ngày nay người trẻ còn có thói quen hút cần sa, sử dụng ma túy đá, thuốc lá điện tử và các chất này cũng đang được nghiên cứu là có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Theo VTV.VN