Cảnh báo một cuộc khủng hoảng kinh tế mới với Đức

Cảnh báo một cuộc khủng hoảng kinh tế mới với Đức
5 giờ trướcBài gốc
Nền kinh tế Đức đang đối diện với nguy cơ suy thoái năm thứ hai liên tiếp, theo báo cáo của tờ Sueddeutsche Zeitung.
Điều này bắt nguồn từ việc Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt, dẫn đến chi phí năng lượng tăng cao và gây khó khăn cho nền kinh tế Đức. Chính phủ nước này dự kiến điều chỉnh lại dự báo tăng trưởng năm 2024, từ mức tăng 0,3% xuống mức giảm 0,2%.
Người dân mua hàng tại một siêu thị ở Berlin, Đức. Ảnh: TTXVN
Bộ Kinh tế Đức đang triển khai một loạt biện pháp hỗ trợ như giảm thuế và trợ cấp năng lượng nhằm giúp thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng. Tuy nhiên, các tổ chức kinh tế lớn của Đức vẫn hoài nghi về tính hiệu quả của các biện pháp này. Trong một báo cáo gần đây, họ dự đoán tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 0,8% vào năm 2025 và 1,3% vào năm 2026, thấp hơn so với dự báo của chính phủ.
Cuộc khủng hoảng năng lượng bắt đầu từ năm 2022 sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine, và Đức quyết định ngừng nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga. Động thái này đã thúc đẩy giá năng lượng và chi phí sản xuất tăng cao, gây khó khăn cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Trước khi xung đột xảy ra, dầu Nga chiếm đến 55% nguồn cung cấp khí đốt cho nền kinh tế số một châu Âu.
Các thách thức về năng lượng, cùng với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Trung Quốc, đã khiến các tập đoàn công nghiệp lớn của Đức phải cắt giảm quy mô hoạt động. Volkswagen, một trong những công ty năng lượng hàng đầu, đã công bố kế hoạch đóng cửa hai nhà máy vào tháng trước, lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động 90 năm của hãng. Dữ liệu của chính phủ cho thấy sản lượng công nghiệp của Đức đã giảm 5,3% trong khoảng thời gian từ tháng 7/2023 đến tháng 7/2024. Bên cạnh đó, đơn đặt hàng sản xuất cũng giảm mạnh.
Diễn đàn Kinh tế Mới, một tổ chức có trụ sở tại Berlin, cảnh báo những thách thức năng lượng sẽ tác động tiêu cực đến nước Đức, có khả năng gây ra cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ sau Thế chiến II.
Khủng hoảng kinh tế đang ảnh hưởng đáng kể đến vị thế, uy tín và tầm ảnh hưởng của Thủ tướng Olaf Scholz, khi chỉ có 18% người dân Đức bày tỏ sự hài lòng với ông, mức thấp nhất từng ghi nhận đối với một lãnh đạo Đức.
Tùng Lâm
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/canh-bao-mot-cuoc-khung-hoang-kinh-te-moi-voi-duc.html