Bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức do tai nạn thương tích từ việc sử dụng pháo tự chế
Mới đây, hai bệnh nhân nhi 13 tuổi và 14 tuổi là anh em họ, trú tại tỉnh Vĩnh Phúc, phải nhập viện trong tình trạng vết thương bàn tay 2 bên thấm nhiều máu. Trong đó, vết thương bàn tay 2 bên của bệnh nhân N.K (13 tuổi) rất nặng: dập nát ngón I bàn tay 2 bên, gãy hở các đốt bàn ngón.
Trong quá trình sơ cứu cho bệnh nhân, các bác sĩ chấn thương đã hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình, do vết thương dập nát quá nặng nên không thể bảo tồn ngón I bàn tay 2 bên cho bệnh nhân, vì vậy các bác sỹ đã phẫu thuật làm mỏm cụt ngón I bàn tay 2 bên, cố gắng bảo tổn những ngón tay còn lại cho bệnh nhi.
Hiện tại, sau mổ ngày thứ 3, tình trạng bệnh nhân ổn định, các vết thương đã khô.
Một trường hợp bệnh nhân khác, 12 tuổi, trú tại Hưng Yên, cũng nhập viện trong tình trạng gãy xương bàn ngón I tay trái, vết thương cẳng chân trái. Vết Thương của bệnh nhân đã được các bác sĩ cắt lọc, xử lý da lóc.
Hiện tại, bệnh nhân cần tập phục hồi chức năng, đưa bàn tay trở lại chức năng như ban đầu là mục tiêu hướng đến, các bác sĩ và gia đình cố gắng phục hồi tối đa cho trẻ.
Theo thống kê của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, vào mỗi dịp Tết và cận Tết, số ca tai nạn do nổ pháo tự chế luôn gia tăng. Nguyên nhân chính thường xuất phát từ việc mua pháo lậu, không rõ nguồn gốc, người mua tiếp cận thông tin không chính thống trên mạng xã hội và tự ý chế tạo pháo.
Những tai nạn này không chỉ gây tổn thương nghiêm trọng về thể chất mà còn để lại hậu quả nặng nề về tâm lý và tài chính cho người bệnh và gia đình.
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân không tự ý chế tạo hoặc sử dụng pháo nổ trái phép, đặc biệt là pháo tự chế. Đây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây thương tích nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng. Người dân cần nâng cao ý thức, tuyệt đối không mua bán, sử dụng pháo lậu và cần hướng dẫn con em tránh xa các hành động nguy hiểm này để bảo vệ an toàn cho bản thân và cộng đồng.
HM