Ngày đầu cấp xã, phường được quyền cấp ‘sổ đỏ’: Bất ngờ tốc độ xử lý hồ sơ
Từ 1/7, theo quy định phân quyền mới, thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ) lần đầu chính thức được phân cấp cho UBND cấp xã, phường. Tại Hà Nội, các hoạt động tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính diễn ra ổn định.
Ghi nhận tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công TP Hà Nội, Chi nhánh số 7 sáng 1/7, lượng người đến làm thủ tục khá đông, chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai.
Tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công TP Hà Nội, Chi nhánh số 2 (Cầu Giấy), số người đến làm thủ tục cũng tăng nhẹ nhưng không xảy ra tình trạng quá tải. Đến gần 11h ngày 1/7, đơn vị đã tiếp nhận gần 200 lượt, trong đó thủ tục đất đai chiếm tỷ lệ lớn, chủ yếu để lấy kết quả giải quyết hồ sơ.
8 trường hợp được cấp đổi sổ đỏ từ 1/7 người dân cần biết
Từ 1/7, có 8 trường hợp được cấp đổi sổ đỏ theo Nghị định 151/2025, quy định về phân định thẩm quyền giữa chính quyền địa phương hai cấp và việc phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực đất đai.
Đồ họa: Hồng Khanh
Cụ thể, thứ nhất, khi người sử dụng đất có nhu cầu đổi giấy chứng nhận (sổ đỏ) đã cấp trước ngày 1/8/2024 sang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Thứ hai là sổ đỏ đã cấp bị ố, nhòe, rách, hư hỏng...
Thứ ba, sổ đỏ đã cấp chung cho nhiều thửa đất, nhưng người sử dụng đất có nhu cầu cấp riêng cho từng thửa. Ngoài ra, áp dụng với trường hợp một giấy chứng nhận được cấp cho nhiều thửa đất, nhưng một hoặc một số thửa trong đó thuộc diện bị thu hồi giấy chứng nhận theo điểm d, đ, e khoản 2 và khoản 5 Điều 152 Luật Đất đai.
Cảnh báo sắp có biến động lớn về giá đất
Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) vừa gửi báo cáo tới Bộ Tài chính, phục vụ cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá quý II/2025.
Bộ NN&MT cho rằng, việc bỏ khung giá đất cùng với những quy định về bảng giá đất đã giúp quản lý đất đai, phát triển thị trường bất động sản trên cơ sở giá đất minh bạch và tiệm cận hơn với thị trường.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số địa phương chưa kịp thời cập nhật biến động giá đất phổ biến trên thị trường, khiến bảng giá đất không phản ánh đúng thực tế.
“Thời gian tới, nhiều địa phương sẽ ban hành bảng giá đất mới, sẽ có sự biến động lớn về mức giá đất được điều chỉnh mới. Mỗi địa phương sẽ có biên độ điều chỉnh khác nhau nên thị trường bất động sản sẽ chịu nhiều tác động”, Bộ NN&MT lưu ý.
Bất lực chuyển đổi sang đất ở vì tốn tiền tỷ, Bộ Tài chính nêu cách gỡ khó cho dân
Báo VietNamNet vừa phản ánh một số trường hợp người dân tại Nghệ An và Ba Vì (Hà Nội) gặp khó khăn khi chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất vườn sang đất ở do mức thu tiền sử dụng đất quá cao.
Khu đất nằm gần nghĩa trang thôn phải nộp gần 4,5 tỷ đồng khi chuyển 300m2 sang đất ở. Ảnh: Thiện Lương
Trả lời câu hỏi của PV VietNamNet tại họp báo chiều 2/7 về phương án “gỡ khó” cho người dân khi phải nộp 100% chênh lệch giữa giá đất ở và giá đất nông nghiệp, bà Nguyễn Thị Thoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), cho biết Bộ đã có văn bản gửi các địa phương yêu cầu báo cáo, đánh giá việc thu tiền sử dụng đất đối với cá nhân, hộ gia đình.
Theo bà Thoa, từ Luật Đất đai năm 2013 đến Luật Đất đai năm 2024 quy định về nghĩa vụ tài chính đối với hộ gia đình, cá nhân khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất đều không có sự phân biệt.
Sau sáp nhập Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM sẽ áp dụng bảng giá đất nào?
Sở Nông nghiệp và Môi trường TPHCM vừa có văn bản gửi UBND Thành phố kiến nghị về việc áp dụng bảng giá đất trên địa bàn sau khi sáp nhập, trong thời gian chuyển tiếp từ ngày 1/7 đến hết ngày 31/12/2025.
Sau khi TPHCM mới được hình thành trên cơ sở sáp nhập ba địa phương, Sở Nông nghiệp và Môi trường cho rằng việc xem xét, chấp thuận tiếp tục áp dụng ba bảng giá đất thuộc thẩm quyền của UBND TPHCM (mới).
Do đó, Sở kiến nghị UBND TPHCM chấp thuận duy trì hiệu lực ba bảng giá đất cũ cho ba khu vực, áp dụng từ ngày 1/7 đến hết ngày 31/12/2025.
Hồng Khanh