Cảnh báo tai biến nghiêm trọng khi massage cổ vai gáy sai cách

Cảnh báo tai biến nghiêm trọng khi massage cổ vai gáy sai cách
9 giờ trướcBài gốc
Massage cổ vai gáy có thể gây tai biến, liệt nửa người hoặc tử vong nếu thực hiện sai cách hoặc do người không có chuyên môn đảm nhiệm. Ảnh minh họa
Vì sao massage cổ vai gáy không đúng cách lại gây nguy hiểm?
Thời gian qua, tại nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan, liên tục xuất hiện các ca tai biến liên quan đến massage vùng cổ vai gáy. Một trong những vụ việc gây chấn động dư luận là trường hợp của nữ ca sĩ Thái Lan Ping Chayada (20 tuổi). Sau ba buổi massage tại một cơ sở địa phương, trong đó có động tác vặn cổ liên tục, cô bắt đầu có biểu hiện đau dữ dội vùng cổ, tê liệt cơ thể và nhanh chóng rơi vào tình trạng liệt toàn thân. Dù được đưa đến bệnh viện cấp cứu, tình trạng phù não và nhiễm trùng huyết đã khiến cô không qua khỏi sau 10 ngày điều trị.
Tại Trung Quốc, một lập trình viên 26 tuổi cũng phải nhập viện trong tình trạng liệt nửa người sau khi đi massage cổ vai gáy. Các bác sĩ chẩn đoán anh bị bóc tách động mạch cảnh dẫn đến nhồi máu não. Trường hợp khác, một chàng trai 27 tuổi ở tỉnh Chiết Giang cũng bị nhồi máu não sau một buổi massage mạnh ở vùng cổ. May mắn, anh được điều trị kịp thời bằng thuốc tiêu sợi huyết và phục hồi chức năng nên đã có tiến triển tích cực.
Tại Việt Nam, nhiều bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy hay Bệnh viện Quân y 103 từng tiếp nhận các ca bệnh nhân bị tổn thương đốt sống cổ, rối loạn tuần hoàn não hoặc tê liệt tay chân sau khi massage tại các cơ sở không đảm bảo. Đặc biệt, một số trường hợp phải can thiệp phẫu thuật khẩn cấp để giải phóng chèn ép tủy sống hoặc xử lý tổn thương mạch máu lớn.
Theo các chuyên gia thần kinh và y học cổ truyền, vùng cổ chứa nhiều cấu trúc giải phẫu tinh vi, bao gồm động mạch đốt sống, động mạch cảnh, các dây thần kinh cổ, tủy sống cổ và hàng loạt cơ – dây chằng liên kết phức tạp. Khi thực hiện các động tác xoa bóp, day ấn, vặn bẻ quá mạnh hoặc sai kỹ thuật, đặc biệt là các động tác “bẻ cổ” phổ biến ở nhiều cơ sở massage không phép, có thể gây tổn thương nghiêm trọng.
Một trong những nguy cơ thường gặp là bóc tách động mạch đốt sống hoặc động mạch cảnh, dẫn đến rối loạn tuần hoàn não, tắc mạch máu não hoặc nhồi máu não. Ngoài ra, tác động quá mạnh vào vùng cổ còn có thể gây trượt đốt sống, thoát vị đĩa đệm cổ, chèn ép tủy sống. Hậu quả là yếu liệt tay chân, mất cảm giác hoặc rối loạn vận động vĩnh viễn.
Ai không nên massage cổ vai gáy?
Các chuyên gia y tế khuyến cáo rằng, không phải ai cũng phù hợp với liệu pháp massage, đặc biệt là vùng cổ vai gáy. Những nhóm đối tượng sau cần đặc biệt tránh:
- Người bị thoái hóa hoặc thoát vị đốt sống cổ
- Người có tiền sử bệnh tim mạch, rối loạn đông máu
- Người đang sử dụng thuốc chống đông
- Phụ nữ mang thai
- Người cao tuổi, có bệnh nền mãn tính như cao huyết áp, tiểu đường
- Người vừa phẫu thuật hoặc đang có tổn thương vùng cổ
Ngoài ra, với những người có biểu hiện đau cổ kéo dài, tê tay chân, chóng mặt… cần đi khám bác sĩ để xác định nguyên nhân trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp trị liệu nào.
Sau khi massage, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng sau, cần đến cơ sở y tế lập tức:
- Đau đầu dữ dội, chóng mặt, buồn nôn
- Tê bì, yếu liệt tay chân, mất cảm giác
- Mờ mắt, nói ngọng, rối loạn thăng bằng
- Cứng cổ, đau dữ dội vùng gáy lan xuống vai
Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo tai biến mạch máu não hoặc chấn thương cột sống cổ. Việc phát hiện và xử trí sớm có thể giảm thiểu tổn thương và nguy cơ tử vong.
Để phòng ngừa tai biến, người dân nên lựa chọn massage tại các cơ sở y tế, trung tâm vật lý trị liệu có giấy phép hoạt động, nhân viên có chứng chỉ chuyên môn. Tuyệt đối không để người không được đào tạo bài bản thực hiện các động tác tác động sâu, xoay – bẻ cổ, hoặc dùng lực quá mạnh lên vùng cột sống cổ.
Trong trường hợp cần massage để thư giãn hoặc hỗ trợ giảm đau mỏi, nên chọn các kỹ thuật nhẹ nhàng, tránh day ấn sâu hoặc kéo giãn quá mức. Ngoài ra, nên thông báo tình trạng sức khỏe hiện tại cho kỹ thuật viên biết trước khi trị liệu.
Các bác sĩ cũng lưu ý rằng massage chỉ là phương pháp hỗ trợ, không thể thay thế cho chẩn đoán và điều trị y khoa trong các bệnh lý cột sống hay thần kinh. Khi có biểu hiện bệnh lý, người dân nên đi khám để được điều trị đúng cách, không nên lạm dụng massage như một giải pháp thay thế.
Vân Lê
Nguồn PL&XH : https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/canh-bao-tai-bien-nghiem-trong-khi-massage-co-vai-gay-sai-cach-424595.html