Bác sĩ kiểm tra tình trạng bệnh nhân. Ảnh: BVCC
Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, ê-kíp trực cấp cứu đã khẩn trương tiến hành hồi sức hô hấp, đặt nội khí quản và cho bệnh nhân thở máy. Song song với đó, bệnh nhân được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc - Thận nhân tạo để tiếp tục điều trị chuyên sâu. Kết quả chụp CT lồng ngực cho thấy tổn thương lan tỏa cả hai phổi, nguy cơ tử vong cao.
Tuy nhiên, bằng sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa và nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ y bác sĩ, bệnh nhân đã hồi phục, tỉnh táo hoàn toàn, có thể tự thở, giao tiếp tốt và đặc biệt là không để lại bất kỳ di chứng thần kinh nào.
Dù người bệnh đã may mắn vượt qua lưỡi hái tử thần, nhưng vụ việc lần này cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về những sai lầm phổ biến trong sơ cứu người đuối nước mà cộng đồng vẫn đang mắc phải. Theo lời kể của người nhà và các nhân chứng, trước khi được đưa tới bệnh viện, bệnh nhân đã được sơ cứu tại chỗ bằng cách dốc ngược đầu và vác chạy quanh. Đây là một hành động phản khoa học, không chỉ không giúp ích cho việc hồi sinh nạn nhân mà còn có thể đẩy người bị đuối nước đến gần hơn với nguy cơ tử vong. Việc dốc ngược và vác chạy có thể khiến nước và dịch tràn sâu hơn vào phổi, gây sặc nặng, làm tổn thương đường thở và phổi, từ đó khiến tình trạng bệnh thêm nguy kịch.
Trong các tình huống đuối nước, thời gian và cách xử lý ban đầu là yếu tố then chốt quyết định sự sống còn. Khi phát hiện có người bị đuối nước, việc đầu tiên cần làm là nhanh chóng đưa nạn nhân lên bờ hoặc vị trí an toàn, khô ráo. Sau đó, kiểm tra ý thức của nạn nhân bằng cách gọi to, lay nhẹ. Nếu nạn nhân bất tỉnh, cần kiểm tra nhịp thở và mạch đập. Khi xác định người bị đuối nước đã ngừng thở, ngừng tim, phải tiến hành hồi sức tim phổi (CPR) ngay lập tức.
Phương pháp hồi sức tim phổi cơ bản bao gồm hai phần là ép tim ngoài lồng ngực và hà hơi thổi ngạt. Người sơ cứu đặt nạn nhân nằm ngửa trên mặt phẳng cứng, dùng gót bàn tay ép mạnh và nhanh vào giữa ngực, duy trì tần suất từ 100 đến 120 lần/phút với độ sâu ép khoảng 5-6cm. Khi ép tim cần đảm bảo lồng ngực giãn hoàn toàn giữa các lần ép để giúp tim bơm máu hiệu quả. Kết hợp với thao tác ép tim là hà hơi thổi ngạt. Người sơ cứu ngửa đầu nạn nhân ra sau, nâng cằm để mở đường thở, bịt mũi nạn nhân và thổi hai lần liên tiếp vào miệng nạn nhân, mỗi lần kéo dài 1 giây, đảm bảo thấy lồng ngực nạn nhân nhô lên. Chu kỳ được lặp lại với 30 lần ép tim và 2 lần thổi ngạt, duy trì liên tục cho tới khi nạn nhân có dấu hiệu hồi phục hoặc cho tới khi nhân viên y tế đến hỗ trợ.
Ngoài ra, người sơ cứu cần nhanh chóng gọi số 115 để được hướng dẫn chuyên môn và yêu cầu hỗ trợ cấp cứu kịp thời. Khi nạn nhân có dấu hiệu hồi tỉnh, cần đặt nằm nghiêng an toàn, giữ ấm cơ thể và tiếp tục theo dõi sát cho đến khi được đưa đến cơ sở y tế chuyên sâu để điều trị.
Để phòng ngừa các tai nạn đuối nước đáng tiếc, mỗi người cần tự trang bị kiến thức cơ bản về sơ cứu, không chỉ để bảo vệ bản thân mà còn có thể cứu sống người thân, bạn bè hay bất kỳ ai trong cộng đồng khi gặp sự cố tương tự. Không để trẻ nhỏ bơi khi không có người lớn giám sát và luôn mang áo phao khi bơi ở sông, hồ, biển…
Bảo Long