Trẻ được theo dõi chăm sóc tích cực tại khoa Nhi. Ảnh: BVCC.
Cụ thể, trẻ nhập viện trong tình trạng sốt cao, co cứng toàn thân, vàng da nặng và nhiều vết thương trên cơ thể.
Bố mẹ trẻ cho biết, em bé được đẻ rơi trên đường đến cơ sở y tế, không có sự hỗ trợ của nhân viên y tế. Tuy nhiên, sau khi đẻ rơi, người mẹ lại quay trở về nhà tự cắt rốn bằng kéo thông thường, buộc chỉ thô.
Sau sinh, trẻ xuất hiện tình trạng bú kém, da vàng sậm và quấy khóc. Gia đình đã cho trẻ uống mật ong và tiến hành cứa dao lam vào vùng đầu, mặt và thân mình với mục đích “giải bệnh”.
Sau đó, trẻ có biểu hiện khó thở, co cứng người, tím tái toàn thân và được đưa đến Trung tâm Y tế Hòa An, sau đó chuyển tuyến lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng.
Tại đây, bác sĩ nhận định, trẻ suy hô hấp, nguy cơ cao nhiễm trùng huyết, uốn ván rốn, vàng da bệnh lý và sang chấn da nghiêm trọng.
Ngay sau khi tiếp nhận, Khoa Nhi – Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã chủ động hội chẩn với các chuyên khoa liên quan để thống nhất phác đồ điều trị tối ưu cho trẻ. Hiện, bệnh nhi được điều trị tích cực bằng kháng sinh, hỗ trợ hô hấp và chăm sóc toàn diện.
Bác sĩ chuyên khoa I Lương Thành Long - Phụ trách Khoa Nhi cho biết: “Đây là một trường hợp đáng tiếc do sinh con tại nhà không đảm bảo điều kiện vô trùng, cũng như việc lạm dụng các phương pháp dân gian sai cách. Những can thiệp như cho uống mật ong hoặc rạch da trẻ sơ sinh không chỉ phản khoa học mà còn gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của trẻ".
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, trẻ sơ sinh nên được sinh tại các cơ sở y tế đủ điều kiện, có nhân viên y tế hỗ trợ. Trong giai đoạn sơ sinh, trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như sốt, vàng da, bỏ bú, khó thở, tím tái… đều cần được thăm khám kịp thời tại cơ sở y tế.
Việc sử dụng các phương pháp dân gian truyền miệng, chưa được kiểm chứng hoặc phản khoa học có thể dẫn đến biến chứng nặng nề, thậm chí tử vong.
Vân Huyền