Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo vay tiền đáo hạn ngân hàng

Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo vay tiền đáo hạn ngân hàng
4 giờ trướcBài gốc
Thời gian qua, cơ quan chức năng liên tiếp bắt giữ hoặc đưa ra xét xử các đối tượng là nhân viên tín dụng ngân hàng thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Tháng 12/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên Huế bắt tạm giam Võ Chí Thành (SN 1992, trú phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy - nhân viên tín dụng ngân hàng) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Võ Chí Thành thời điểm bị bắt giữ.
Do có mối quan hệ thân quen với một khách hàng gửi tiết kiệm tại ngân hàng (nơi đối tượng làm việc), Thành nhiều lần mượn tiền của nạn nhân để làm thủ tục đáo hạn cho khách và rủ nạn nhân góp tiền mua bất động sản.
Tuy nhiên sau khi nhận tiền, Thành không làm thủ tục đáo hạn cho khách mà dùng số tiền đó để trả nợ cá nhân. Nạn nhân 3 lần chuyển tiền cho Thành với tổng số tiền 8,3 tỷ đồng.
Mở rộng điều tra, lực lượng chức năng xác định, với thủ đoạn mượn tiền đáo hạn ngân hàng và góp vốn mua bán bất động sản, Thành chiếm đoạt của nhiều người khác với tổng số tiền lên đến hơn 25 tỷ đồng.
Tương tự, tháng 8/2024, Công an Thừa Thiên Huế bắt giữ Lê Trung Đức (SN 1994, trú tại phường Đông Ba, TP Huế - cựu nhân viên tín dụng ngân hàng).
Lê Trung Đức thời điểm bị bắt giữ.
Theo đó, do cần tiền đầu tư ngoại hối trên sàn giao dịch EXNESS kiếm lời, Đức nảy sinh ý định mượn tiền của bạn bè, người thân. Bằng thủ đoạn giả vờ mượn tiền để đáo hạn các khoản vay ngân hàng, Đức mượn của bạn bè tổng số tiền gần 1,2 tỷ đồng rồi chiếm đoạt.
Mới đây nhất, Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế xét xử sơ thẩm vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" đối với Trần Đức Biểu (SN 1987, ở phường Trường An, TP Huế - nguyên nhân viên phòng giao dịch ngân hàng).
Trần Đức Biểu tại phiên xét xử.
Theo cáo trạng, từ đầu năm 2020, chị N.T.H. (Giám đốc một Công ty) quen biết với Biểu (phụ trách các tài khoản của Công ty và cá nhân chị H.).
Tháng 3/2021, thấy tài khoản Công ty chị H. tăng và có nguồn tiền, Biểu đưa ra thông tin gian dối rằng chị H. có tiền thì đưa để Biểu đáo hạn ngân hàng cho khách. Lãi suất 1.000 đồng đến 1.500 đồng/triệu/ngày.
Từ 1/3/2021-25/11/2022, chị H. đưa số tiền 5,4 tỷ đồng cho Biểu vay nhằm mục đích đáo hạn ngân hàng để lấy tiền lãi. Số tiền này được chị H. chuyển qua tài khoản cá nhân của Biểu, đưa tiền mặt và đều lập "Giấy biên nhận" hoặc "Giấy mượn tiền".
Mặc dù đưa ra thông tin vay tiền để đáo hạn ngân hàng, nhưng Biểu dùng số tiền nêu trên để đầu tư vào chứng khoán, trả nợ cho người khác và sử dụng vào mục đích cá nhân.
Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử tuyên phạt Biểu 14 năm tù buộc trả lại số tiền 800 triệu đồng chiếm đoạt, đồng thời tuyên truy thu số tiền 4,6 tỷ đồng Biểu chiếm đoạt để trả 2 khoản nợ cá nhân từ người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, để trả lại cho bị hại.
Mặc dù nhiều vụ việc lừa đảo dưới hình thức cho vay tiền đáo hạn ngân hàng với lãi suất cao được cơ quan chức năng xử lý và cảnh báo, tuy nhiên, thủ đoạn vẫn khiến nhiều người "sập bẫy"... Theo cơ quan chức năng, hệ lụy loại tội phạm này gây ra nặng nề, bởi số tiền trong từng vụ án thường rất lớn, thời gian vụ việc kéo dài.
Hành vi phổ biến của loại tội phạm này là đánh vào tâm lý hám lợi, tin tưởng của nhiều người từ việc được trả lãi suất cao, hoặc thông qua hợp đồng kinh doanh hoặc dựa trên mối quan hệ quen biết để chiếm đoạt tài sản.
Để tránh "sập bẫy", người dân cần nhận biết được mức độ nguy hiểm của việc đứng ra cho vay đáo hạn ngân hàng. Ngoài ra, không nên vì hám lợi lãi suất cao để khiến rơi vào cảnh bị lừa đảo, mất tiền, ảnh hưởng tới sức khỏe, tinh thần...
Hoàng Dũng
Nguồn GĐ&XH : https://giadinh.suckhoedoisong.vn/canh-bao-thu-doan-lua-dao-vay-tien-dao-han-ngan-hang-172241025081317178.htm