Gấp rút thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc cấp bách triển khai các giải pháp để hạn chế tình trạng nông sản thực phẩm bị EU gia tăng cảnh báo, sáng 24-2, Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội nghị với các địa phương, hiệp hội ngành hàng để thông tin đầy đủ hơn về thực trạng cảnh báo của EU và đưa ra các giải pháp thực hiện.
Những con số đáng báo động
Tại hội nghị, TS. Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam đưa ra những con số đáng báo động. Đó là so với các nước trong khu vực cùng xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào EU, Việt Nam đang đứng đầu về số lượng bị EU cảnh báo.
Năm 2024, nông sản, thực phẩm Việt Nam bị 114 cảnh báo từ EU, trong khi con số này với Thái Lan là 68, Indonesia 27, Hàn Quốc 15, Malaysia 9, Nhật Bản 5. Sang đến năm 2025, trong hai tháng đầu năm, số lượng cảnh báo của các quốc gia này đều giảm, riêng Việt Nam tăng từ 2.2% lên 2.6%.
TS. Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho hay thực phẩm xuất khẩu Việt Nam đang bị gia tăng cảnh báo tại thị trường EU. Ảnh: Tùng Đinh
Tổng hợp số lượng cảnh báo của EU đối với sản phẩm nguồn gốc thực vật theo các mối nguy, Văn phòng SPS Việt Nam cho biết cảnh báo về dư lượng hóa chất thuốc bảo vệ thực vật luôn chiếm nhiều nhất, với hơn 50%.
Trong khi với thực phẩm chế biến là mối nguy về dư lượng hóa chất và phụ gia thực phẩm. Sản phẩm thủy sản chủ yếu là cảnh báo về dư lượng kháng sinh, phụ gia thực vật, chất gây ô nhiễm môi trường.
Xếp theo địa phương, năm 2024, TP.HCM là địa phương nhận nhiều cảnh báo nhất với 42 cảnh báo (36,8%), thứ hai là Hà Nội 10 cảnh báo, Tiền Giang 9 cảnh báo, Khánh Hòa 7 cảnh báo…
Đáng chú ý, cảnh báo về thực phẩm mới đang gia tăng gần đây. Đơn cử, 2 tháng đầu năm 2025, trong tổng số 8 cảnh báo thực phẩm mới của EU với tất cả quốc gia, Việt Nam bị 4 cảnh báo, chiếm 50%.
Thông tin cụ thể hơn về thực phẩm mới, TS. Đào Văn Cường, Văn phòng SPS Việt Nam, cho biết theo quy định của EU, thực phẩm mới có nghĩa là bất kỳ thực phẩm nào chưa được con người tiêu thụ ở mức độ đáng kể trong EU trước ngày 15-5-1997.
Ông Cường dẫn chứng nước ngọt có chứa hạt é, thì hạt é được coi là thực phẩm mới trong EU do không được tiêu thụ nhiều trước 15-5-1997. Hoặc món ăn từ dế, dế cũng được coi là thực phẩm mới trong EU.
“Với sản phẩm hạt é khô, Việt Nam đã nhận 2 cảnh báo từ EU với lý do đây là thực phẩm mới chưa được cấp phép. Cùng với đó, sản phẩm thịt ốc bươu xuất khẩu từ Việt Nam cũng nhận cảnh báo từ EU với lý do này” - ông Cường thông tin.
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan gửi đến hội nghị
Nhận định về các nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên, TS. Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, cho hay hiện nay các quốc gia, vùng lãnh thổ đang gia tăng các biện pháp an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật đối với nông sản thực phẩm và thủy sản nhập khẩu.
Trong khi đó, hiện sản xuất trong nước, một số vùng trồng, vùng nuôi, cơ sở chế biến, đóng gói vẫn chưa tuân thủ chặt chẽ các quy định của nhà nhập khẩu. Một số cơ quan quản lý địa phương cũng chưa sát sao với vấn đề liên quan đến SPS. Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm bị cảnh báo chưa được quan tâm đúng mức, mới chỉ có 63/114 cảnh báo có kết quả xử lý…
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cũng tiết lộ một thực trạng đáng lo là việc "ăn cắp” chứng nhận để xuất khẩu. Đây có thể nguyên nhân khiến nông sản thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam thời gian tới bị gia tăng cảnh báo nếu không được kịp thời ngăn chặn.
“Vừa qua, một số doanh nghiệp trong hiệp hội đã bị một số đối tượng đánh cắp chứng nhận Global GAP để xuất khẩu đi Châu Âu. Một số doanh nghiệp hội viên đã phát hiện ra và cơ quan công an đang vào cuộc. Đây là vấn đề nguy hiểm, nhiều khi hàng không đạt mà cố tình xuất khẩu sẽ ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp, quốc gia, làm mặt hàng đó bị tăng tần suất kiểm tra"- ông Nguyên nhấn mạnh và khuyến cáo các doanh nghiệp cần thận trọng, lưu ý tình trạng này.
Chia sẻ ngay sau đó, ông Trần Văn Cao, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, cho biết đã nhận được lời nhắn nhủ của Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan gửi đến hội nghị.
Theo đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu, hiệp hội ngành hàng cần kiểm soát nội bộ chặt chẽ, bởi để xảy ra việc đánh cắp, mất cắp chứng nhận là "không ổn tí nào".
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý các doanh nghiệp, hiệp hội, khi kiểm soát nội bộ cần thiết lập quy trình kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt từ vùng nuôi, trồng đến xuất khẩu; áp dụng công nghệ Blockchain để minh bạch hóa truy xuất nguồn gốc.
Các doanh nghiệp, hiệp hội cần tăng cường hợp tác với nông dân, hợp tác xã và hiệp hội cần kí hợp đồng bao tiêu kèm yêu cầu nông dân, hợp tác xã phải sản xuất theo tiêu chuẩn EU; đồng thời hỗ trợ nông dân tiếp cận vật tư an toàn, có nguồn gốc rõ ràng.
Ông cũng đề nghị các hiệp hội tăng cường trách nhiệm trong chuỗi cung ứng, cam kết chỉ xuất khẩu hàng đạt chuẩn, tránh ảnh hưởng uy tín ngành hàng Việt Nam.
Cần sớm có quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất phối trộn trong nông sản chế biến
Ông Nguyễn Văn Hà, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk chia sẻ một bất cập hiện nay là chúng ta chưa có bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn về dư lượng hóa chất cụ thể đối với các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi để có thể kiểm soát được dư lượng hóa chất ngay trên đồng ruộng, chuồng trại.
Cùng với đó, chúng ta cũng chưa có chế tài khi phát hiện mẫu xét nghiệm của một mã số vùng trồng "có vấn đề". Các phụ phẩm đưa vào kèm các sản phẩm nông sản qua chế biến để đưa ra thị trường cũng chưa có quy định cụ thể.
“Quy định xuất khẩu rất khắt khe, mong Bộ sớm có các quy định về các chất phối trộn, phụ gia như thế nào. Đơn cử như bắp đưa vào rang xay cùng cà phê thì có ảnh hưởng sức khỏe không?” - ông Hà nêu ý kiến.
Hội nghị triển khai cấp bách các biện pháp tăng cường tuân thủ quy định an toàn thực phẩm của thị trường EU, sáng 24-2. Ảnh: Tùng Đinh
TS.Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, cho biết sau khi nhận được các cảnh báo của thị trường EU về vấn đề dư lượng kháng sinh trong thủy sản, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đã phối hợp các địa phương, trong đó có tỉnh Cà Mau, để điều tra, truy xuất và phản hồi với EU.
Các sản phẩm khác, EU cũng đang có những quy định về kiểm soát nhập khẩu rất cao, như thanh long, ớt, đậu bắp…
“Thời gian tới, chúng ta cần có sự thay đổi, kiểm soát, giám sát chặt về chất lượng các mặt hàng. Hiện phần lớn chúng ta giám sát chất lượng sản phẩm cuối cùng, nhưng để đảm bảo chất lượng sản phẩm thì tất cả mối nguy trong quá trình sản xuất từ vấn đề phân bón, thuốc trừ sâu, quá trình trồng trọt đều phải giám sát được. Có như vậy mới hoàn toàn đảm bảo được sản phẩm đó của chúng ta là an toàn” - ông Hòa nhấn mạnh.
AN HIỀN