Trào lưu mukbang bắt nguồn từ Hàn Quốc và du nhập vào rất nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Ảnh: INT
Theo các bác sĩ, trào lưu mukbang đang thịnh hành sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, đặc biệt nó để lại hệ lụy rất lớn đến người xem, nhất là học sinh, sinh viên.
Người xem “rùng mình”
Theo tìm hiểu, trào lưu mukbang xuất phát từ Hàn Quốc rồi lan rộng tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tên gọi “Mukbang” bắt nguồn từ cụm từ tiếng Hàn “meokbang”, có nghĩa là “ăn trong khi phát sóng”.
Những mâm đồ ăn có kích thước, số lượng lớn, thực phẩm tươi sống không cần chế biến được quay video ăn trực tiếp khiến các chuyên gia lên tiếng cảnh báo về nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là ngày càng phổ biến trong giới trẻ.
Với trào lưu này, người thực hiện video sẽ ngồi trước màn hình điện thoại, máy tính ăn uống và giao lưu, chia sẻ với người xem. Những video mukbang đồ ăn càng nhiều, lớn, độc lạ, đắt tiền thì càng thu hút được nhiều người xem, giúp chủ video có thể tăng lượt theo dõi và tương tác.
Những mâm đồ ăn này thường có kích thước “khổng lồ”, số lượng lớn, đặc biệt là các loại hải sản tươi sống như bạch tuộc, tôm hùm, gỏi bò khô, cá sống, đuông dừa, đuông chà là, đồ chiên rán… Để tạo ra sự cuốn hút, nhiều video thêm các âm thanh tiếng nhai, nghiền, nuốt thức ăn. Những món này luôn được ăn cùng các loại nước chấm như: Mắm, muối ớt siêu cay kèm màu đỏ bắt mắt thu hút được hàng trăm nghìn, hàng triệu lượt xem.
Điển hình như tài khoản TikToker T.V.H., đăng một video chủ đề mukbang “Bạch tuộc sống bơi trong hồ” thu hút được hơn 5 triệu lượt xem. Đoạn video này quay lại cảnh những con bạch tuộc vẫn còn sống, đang bơi trong một chậu thủy tinh. Sau đó, chỉ cần một chén nước chấm xốt dầu mè, người này lấy các tua bạch tuộc sống còn ngoe nguẩy bỏ vào miệng để ăn.
Chưa đầy vài phút, người này đã ăn hết hai con bạch tuộc sống. Dưới phần bình luận, nhiều ý kiến trái chiều, có người tỏ ra thích thú với video, bên cạnh đó không ít người tỏ ra lo ngại nguy hiểm khi bạch tuộc vẫn chưa được nấu chín.
Một tài khoản từng post lên mạng những clip gây sốc. Trong đó, nam thanh niên cầm con cá diêu hồng còn sống đưa lên miệng nhai rau ráu. Thịt cá chưa chín làm anh này nhăn mặt cạp từng miếng khó nhọc khiến nhiều người xem lo ngại. Hết ăn cá diêu hồng, anh ta chuyển sang nhai nguyên con cá nục còn tươi rói.
Máu me, nội tạng từ cá tứa ra làm người xem buồn nôn. Trước đó, chủ kênh này từng gây tranh cãi khi review cảnh mình ăn thịt lợn, cá ngừ sống, trứng vịt lộn một cách ngon lành. Trong quá trình mukbang, anh này luôn miệng kêu gọi dân tình like, follow mình.
Video ăn bạch tuộc sống trên TikTok. Ảnh: INT
Tài khoản mạng chỉ trích gay gắt: “Bình thường, thịt, cá làm không kỹ, nấu chưa chín đã khó ăn rồi, nhưng clip cầm nguyên con cá sống bỏ vào miệng nhai nhồm nhoàm rồi lại khen ngon, sao có người quái đản vậy chứ”.
Tài khoản khác bức xúc: “Cá sông, cá ruộng vốn sống ở ao hồ, đầm lầy nước bẩn có nhiều ký sinh trùng. Việc ‘ăn tươi nuốt sống’ không những mất vệ sinh, phản khoa học mà còn có nguy cơ nhiễm giun sán rất cao. Chỉ vì kiếm tiền mà bất chấp sức khỏe làm nhiều cái khó coi quá! Mọi người không nên follow cho những kiểu ăn tạp này, bởi như vậy chúng ta đang tiếp tay cho họ làm ra những clip có nội dung có hại”.
Những clip gây sốc này thu hút hàng triệu người theo dõi. Tuy nhiên, đa phần bị cư dân mạng “ném đá”, khuyên chủ kênh dừng ngay trò “câu view”, “câu like” rẻ tiền nếu không muốn rước họa vào thân.
Bên cạnh đó, còn có những người lợi dụng văn hóa ẩm thực vùng miền để thực hiện các clip ăn uống mất vệ sinh, phản khoa học. Để thực hiện món “cá nhảy Tây Bắc”, một nhóm nam giới bắt cá ở ao, hồ bùn lầy rồi bắt cá còn sống ra ăn ngay trên bờ cùng với rau ráng, nước chấm. Nhiều con cá to bằng cổ tay đang bơi, nhảy đành đạch bị họ chộp lấy nhai ngấu nghiến. Không chỉ ăn cá sống, những người này còn ăn nội tạng dê, bò, rết, cua sống...
Một tài khoản bình luận: “Ở Tây Bắc, cá nhảy được xem là món đặc sản được nhiều người ưa thích. Thế nhưng món này được chế biến rất công phu. Cá được vớt từ vùng nước trong như ở sông, suối đầu nguồn, và là những loài cá bé. Sau khi vớt về, người ta nhốt trong nước sạch 2-3 ngày để cá nhả hết chất bẩn.
Khi ăn, họ sử dụng nước cốt chanh, giấm để diệt khuẩn và ký sinh trùng. Cá được ăn kèm với rau rừng có tác dụng khử tanh và khử khuẩn. Không phải cứ bắt cá dưới ao hồ, đầm lầy lên bỏ vô miệng nhai rồi ‘gắn mác’ đặc sản Tây Bắc là được. Làm như vậy xúc phạm văn hóa ẩm thực của bà con và tự rước họa vào thân”.
Ảnh hưởng lớn đối với người trẻ
Trên mạng xã hội, ngày càng có nhiều video của các nhà sáng tạo về ẩm thực - một số có hàng triệu người theo dõi trên nền tảng - cắn vào các loại thức ăn có kết cấu khác nhau trước ống kính, micro sẽ bắt được âm thanh của tiếng thức ăn và tiếng nhai ồn ào của họ.
Hầu hết là các video về đồ ăn nhanh và thậm chí trông không hề ngon miệng, nhưng nhiều người xem chia sẻ rằng họ không thể rời mắt. Ví dụ, một người đàn ông ghi hình bản thân đang ăn những chồng burger phomai, sandwich cá, gà rán, khoai tây chiên và hành rán với một lượng lớn nước sốt - tất cả đều được thu lại âm thanh để nghe rõ tiếng nhai và tiếng đồ ăn. Có quá nhiều thức ăn so với một bữa ăn hàng ngày của bất kỳ ai, nhưng video này có gần 5,8 triệu lượt xem.
Lượt tìm kiếm từ “mukbang” bắt đầu tăng lên trên YouTube vào đầu năm 2015, theo Google Trends, và nó không ngừng tăng kể từ đó. Nhưng đối với tìm kiếm trên các trang web ngoài nền tảng, từ này đạt đỉnh lượt tìm kiếm vào đầu đại dịch Covid-19 trên toàn cầu vào tháng 3/2020.
Một nghiên cứu phân tích hơn 5.000 video mukbang trên YouTube cho thấy những video không lành mạnh nhất - cho thấy một người ăn quá nhiều trong thời gian ngắn hơn hoặc ăn thức ăn quá cay hoặc rất khó ăn, có thể gây tức bụng hoặc gây hại - được xem nhiều hơn đáng kể so với các video ít “cực đoan” hơn.
Người xem cũng không biết điều gì xảy ra ngoài ống kính. Một số video có thể được chỉnh sửa theo cách khiến người xem nghĩ rằng thức ăn đang được tiêu thụ, nhưng người tạo mukbang từng chia sẻ, họ nhổ thức ăn ra giữa các lần quay.
Bác sĩ Lê Văn Thọ - Bệnh viện Đa khoa Vân Đình (Hà Nội) cho biết, trào lưu mukbang về mặt dinh dưỡng là một thói quen ăn uống không lành mạnh, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
Theo bác sĩ Thọ, những người thực hiện video mukbang thường ăn những thực phẩm có chứa nhiều đường, muối, đạm, chất béo… với phần ăn rất lớn, vượt quá ngưỡng nhu cầu tiêu thụ của cơ thể gấp nhiều lần. Đây chính là nguyên nhân có thể gây ra các bệnh về đường tiêu hóa, béo phì, mỡ máu, các bệnh lý về tim mạch, đái tháo đường type 2, bệnh mạn tính không lây về sau.
Ăn 50 quả ớt cùng lúc - trò 'câu view' gây hại sức khỏe. Ảnh: INT
Với những thức ăn sống, chưa được nấu chín tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về nhiễm vi sinh vật gây bệnh, bệnh giun, sán, hạt vi nhựa… Kể cả với những thực phẩm sống ngâm tương cũng có thể gây ra các vấn đề về ngộ độc nếu không chú trọng đến nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm.
Ngoài ra, nhiều thực phẩm sử dụng theo trào lưu mukbang có rất nhiều các loại gia vị trong đó, đặc biệt là nhiều ớt. Việc sử dụng những món ăn quá nhiều ớt lâu ngày có thể gây viêm loét dạ dày, bệnh lý đại tràng. Ngoài ra còn chứa nhiều hương liệu nhân tạo có thể là nguyên nhân gây ra ung thư.
Mặt khác, thức ăn lưu giữ trong dạ dày chỉ khoảng 4 giờ, do vậy nếu bị căng giãn quá mức, khả năng nhào trộn kém sẽ dẫn đến nhiều vấn đề về tiêu hóa: Đau bụng, viêm dạ dày - ruột cấp tính, nôn ói, tiêu lỏng nhiều lần, đại tiện phân sống... Tình trạng kể trên còn có thể ảnh hưởng đến lợi khuẩn đường ruột… Như vậy ăn kiểu mukbang đã gây những ảnh hưởng bất lợi đến đường tiêu hóa cũng như sức khỏe tổng thể của người thực hiện.
TS Nguyễn Thị Thanh – Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Trung ương cho biết, mặt tích cực của trào lưu mukbang phần nào đó có thể giúp giới trẻ giảm căng thẳng, người xem tìm hiểu về ẩm thực của các quốc gia khác nhau và khám phá những món ăn đặc trưng của từng vùng miền. Bên cạnh đó, trào lưu này có thể tạo ra một cộng đồng trên mạng.
Người xem mukbang có thể kết nối với nhau thông qua các nền tảng truyền thông xã hội và thảo luận về các món ăn, trải nghiệm và quan điểm của mình. Với những người sống một mình, xem mukbang có thể giúp họ cảm thấy như đang ăn cùng người khác, giảm bớt cảm giác cô đơn hoặc có hứng thú hơn với đồ ăn đối với những người ăn uống kém.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Thị Thanh nêu quan điểm, mặt tiêu cực của trào lưu mukbang khá lớn, nhất là đối với giới trẻ, học sinh sinh viên. Bởi chỉ nhìn qua đã thấy trào lưu này gây lãng phí thực phẩm khi mua nhiều thức ăn vượt quá nhu cầu của họ, gây ảnh hưởng đến sức khỏe khi khuyến khích ăn uống quá mức.
Bên cạnh đó, mukbang có thể tạo ra một hình ảnh tiêu cực về cơ thể và ăn uống, dẫn đến việc khuyến khích hành vi ăn uống không lành mạnh và ảnh hưởng đến tâm lý của người xem. Chưa kể đến việc những thực phẩm trong các video này không được kiểm duyệt là có tốt cho sức khỏe hay không, bởi nhiều video “ăn tươi nuốt sống” trông rất đáng sợ.
“Nếu các bạn trẻ học theo những video này rồi lan truyền rộng rãi trong đời sống thực sẽ gây ra hệ lụy khôn lường cho sức khỏe thể chất và tinh thần”, TS Thanh nhấn mạnh.
Bác sĩ Lê Văn Thọ cho rằng, có những đối tượng không nên áp dụng trào lưu mukbang: Người có vấn đề về tiêu hóa như viêm loét dạ dày, rối loạn tiêu hóa, bệnh lý gan hoặc các vấn đề khác liên quan đến đường tiêu hóa; người béo phì hoặc có nguy cơ béo phì, người đang kiểm soát cân nặng nên tránh áp dụng trào lưu này. Người có bệnh tâm lý như rối loạn ăn uống hoặc các vấn đề liên quan đến hành vi ăn uống nên tránh áp dụng trào lưu để tránh tác động xấu đến sức khỏe tâm lý của họ. Trẻ em còn đang phát triển cả về thể chất và tâm lý, do đó cũng không nên xem mukbang, bởi nó có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển.
Ngọc Trang