Vùng đất Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) từng là nơi khói lửa chiến tranh, bom đạn cày xới, diễn ra những trận đánh ác liệt để mở toang “cánh cửa thép” cho quân ta tiến nhanh vào Sài Gòn, giải phóng miền Nam. Ngày nay, vùng đất này đã hoàn toàn thay da đổi thịt, vươn lên mạnh mẽ, đạt nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế- xã hội.
Anh hùng trong chiến đấu
Nơi giao tranh ác liệt nhất của vùng đất Xuân Lộc 50 năm về trước là xã Bảo Chánh (nay là xã Xuân Thọ). Đây là địa danh có vị trí quan trọng cả với quân ta và địch. Đặc biệt, phía chính quyền Sài Gòn coi Bảo Chánh là tiền đồn bảo vệ thị xã Long Khánh, các hạ tầng quan trọng như Quốc lộ 1 và tuyến đường sắt.
Ông Hồ Quang Bửu kể lại quá trình giải phóng xã Bảo Chánh 50 năm về trước (Ảnh: Duy Phương)
Ông Năm Bửu (Hồ Quang Bửu) là Bí thư xã Bảo Chánh thời điểm ấy, trực tiếp lãnh đạo lực lượng địa phương phối hợp với các lực lượng chủ lực của huyện tiến hành đấu tranh.
Ông Bửu nhớ lại, từ cuối năm 1974, nơi đây đã bắt đầu diễn ra các trận giao tranh giữa quân ta và địch. Được sự chỉ đạo từ Huyện ủy Xuân Lộc, quân số địa phương do ông Bửu lãnh đạo khoảng hơn chục người phối hợp với cấp trên để bao vây đồn Bảo Chánh.
"Tiếp tục vận động liên tục, vận động bà con tập trung về, kêu gọi binh lính ra đầu hàng. Trong thời gian đánh thì địch nổ súng liên tục, sau đó mình mới bao vây hết đồn này", ông Bửu cho biết.
Tối 9/12/1974, các toán du kích bí mật xé rào kẽm gai, đột nhập ấp chiến lược, từng bước khép kín vòng vây đồn Bảo Chánh.
Rạng sáng 10/12, ông Năm Bửu dùng phương pháp binh vận kêu gọi địch ra hàng, đưa truyền đơn cho vợ của lính trong đồn mang vào đưa cho chồng mình.
Ông Bửu còn nhớ rõ khu vực đồn địch và chiến thuật binh vận để giành thắng lợi (Ảnh: Duy Phương)
Khi đó, tên đồn trưởng còn ngoan cố, suốt một đêm chưa chịu hàng. Vì vậy, phía ta bắt đầu bắn đạn pháo đánh sập hai lô cốt, gây thương vong cho địch.
Sau đó, đồn trưởng địch muốn thương lượng nhưng ông Năm Bửu nhất quyết yêu cầu ra hàng để giải phóng xã Bảo Chánh.
Cuối cùng, đến đêm 10/12, phía địch buông vũ khí đầu hàng, đồn Bảo Chánh về tay quân ta. Cả huyện Xuân Lộc khi ấy, Bảo Chánh là xã giải phóng đầu tiên.
"Tôi tiếp tục lãnh đạo địa phương này trong hoạt động kháng chiến, tiếp tục xây dựng cơ sở, đi vận động quần chúng thực hiện nhiệm vụ cách mạng đã giao cho. Sử dụng cơ sở đã tổ chức ở Bảo Chánh để đứng lên cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ giải phóng ấp Bảo Chánh", ông Bửu cho biết.
Thành tựu vượt bậc trong thời bình
Chiến thắng Xuân Lộc đã quyết định vai trò trọng yếu, mở toang “cánh cửa thép” cho quân ta tiến vào Sài Gòn. Trở về đời thường sau giải phóng, bộ đội, du kích năm xưa tiếp tục phát huy phẩm chất cách mạng trong lao động sản xuất, từng bước đưa quê hương Xuân Lộc ngày một đổi thay vượt bậc.
Cựu chiến binh Nguyễn Tiến Biểu (ngụ xã Xuân Hiệp) là một gương điển hình vươn lên làm nông nghiệp giỏi, tạo ra kinh tế vững chắc để đóng góp cho địa phương.
Ông Nguyễn Tiến Biểu chứng kiến sự thay da đổi thịt của huyện Xuân Lộc, đời sống người dân ngày một đi lên (Ảnh: Duy Phương)
Ông Biểu kể, năm 1974, ông được phân công vào chiến trường Xuân Lộc làm công tác trinh sát để chuẩn bị cho các trận đánh lớn. Sau giải phóng, đến năm 1976 ông Biểu về quê lập gia đình rồi quay trở lại Xuân Lộc năm 1987.
Chứng kiến sự đổi thay của vùng đất khói lửa này, ông Biểu cho biết, có nằm mơ cũng không nghĩ được. Trước kia, vùng đất này khô cằn, trồng trọt không được, khắp nơi chỉ toàn cỏ tranh.
Năm 1990, ông Biểu ra quân, bắt tay vào làm kinh tế. Bước đầu có rất nhiều khó khăn, nhưng với sự giúp đỡ của chính quyền, đời sống gia đình ông dần ổn định nhờ làm ruộng, làm rẫy.
"Về với cuộc sống đời thường, phát huy tinh thần cách mạng, tham gia lao động, cố gắng học hỏi để từng bước đưa cuộc sống gia đình ổn định. Xuân Lộc đã chuyển mình mạnh mẽ, đến giờ nhân dân có cuộc sống tương đối ấm no, đường xá khang trang, ai cũng có nhà", ông Biểu chia sẻ.
Từ chiến trường ác liệt, nay huyện Xuân Lộc đã vươn mình mạnh mẽ (Ảnh: Duy Phương)
Để có được thành tựu này, các thế hệ lãnh đạo huyện Xuân Lộc và các tầng lớp nhân dân đã nỗ lực cố gắng từng ngày dựng xây quê hương.
Ông Lê Kim Bằng – Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc cho biết: Bắt đầu từ con số không, sau nửa thế kỷ, huyện đã đạt nhiều thành tựu vượt bậc, là huyện đầu tiên của cả nước được Thủ tướng công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào năm 2014.
Tiếp tục phát huy truyền thống, Xuân Lộc lại là một trong 3 huyện sớm nhất nước đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2024. Sắp tới đây, khi có bộ tiêu chí chính thức, huyện Xuân Lộc lại có khả năng là địa phương đầu tiên trong cả nước được công nhận là huyện nông thôn mới kiểu mẫu.
Ông Lê Kim Bằng - Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc (Ảnh: Duy Phương)
Theo ông Bằng, thành tựu ấy có được từ sự vào cuộc hết sức quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan ban ngành của lực lượng vũ trang và sự đồng thuận của người dân.
"Vùng đất Xuân Lộc trong kháng chiến là chiến trường ác liệt, đan xen giữa địch và ta. Năm 1975, chiến trường Xuân Lộc là nơi hy sinh rất nhiều, với trận gần như là quyết chiến cuối cùng. Sau 30/4/1975, Xuân Lộc gần như vùng bình địa, không đường xá, không điện, không trường trạm, đời sống nhân dân hết sức khó khăn", ông Bằng cho biết.
Xuất phát điểm, Xuân Lộc là huyện thuần nông, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, canh tác lạc hậu, năng suất thấp, thu nhập bình quân đầu người thuộc diện gần như thấp nhất tỉnh. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt mức 95,5 triệu/người/năm, cao hơn mức bình quân chung cả tỉnh, canh tác nông nghiệp theo hướng sản xuất bền vững, áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật.
Anh hùng trong chiến đấu, anh hùng trong lao động sản xuất, dựng xây quê hương (Ảnh: Duy Phương)
"Quyết tâm làm sao xây dựng quê hương Xuân Lộc, đưa quê hương này từ vùng đất nghèo khó trở thành nơi đáng sống. Trong thời gian tới, chúng tôi lựa chọn một số lĩnh vực đột phá, tập trung đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch, điểm nhấn là núi Chứa Chan", ông Bằng chia sẻ.
Vùng đất anh hùng Xuân Lộc có lịch sử hào hùng trong chiến đấu, sau 50 năm giải phóng đã vươn mình, phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều thành tựu trong xây dựng quê hương. Xuân Lộc đang từng bước vững chắc tiến vào kỷ nguyên mới, phát huy truyền thống anh hùng để tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành tựu mới.
Duy Phương/VOV-TPHCM