Bộ phim “Victory Vietnam” (Chiến thắng của Việt Nam) ghi lại niềm vui của người dân và công chúng yêu hòa bình Thụy Điển vào thời điểm Việt Nam giành chiến thắng - 30/4/1975.
Năm 1975, bản sao duy nhất gửi đi bị thất lạc. Đến 2024, sau gần 50 năm, đạo diễn Bo Öhlén mới tìm thấy bản gốc phim và thông qua Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội gửi tặng Việt Nam ngay trước dịp Việt Nam kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
“Cuối cùng, bộ phim cũng hoàn thành mục đích để Nhân dân Việt Nam thấy người dân Thụy Điển vui mừng như thế nào khi Việt Nam thống nhất. Thụy Điển là vùng đất của tình anh em. Hai quốc gia dù cách xa nhau về địa lý, nhưng mối liên hệ có tính lịch sử. Thụy Điển luôn đoàn kết với Việt Nam”, ông Öhlén nói.
Tự bỏ tiền túi, chỉnh sửa thủ công
Ông Bo Öhlén nhớ lại: 50 năm trước, FNL (phong trào quần chúng của Thụy Điển ủng hộ cuộc đấu tranh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam) là một trong những phong trào lớn nhất ở Thụy Điển.
“Ngày có tin Việt Nam chiến thắng, người dân Thụy Điển vui mừng và tập trung xuống đường. Tôi, vợ tôi và một số người bạn quay phim, ghi lại khoảnh khắc đó”, ông Öhlén nhớ lại.
Ông Öhlén và vợ quay bằng phim celluloid 16 mm. Một cuộn tương đương 10 phút phim. Họ tự bỏ tiền mua phim, còn máy quay là của Swedish Broadcasting Corporation. Vợ ông mượn thêm máy ghi âm để ghi tiếng động hiện trường.
“Quay hình ảnh nhiều người xuống đường đặc biệt khó khăn. Chúng tôi phải giữ khoảng cách giữa máy ghi âm và máy quay để mọi người không vô tình làm hỏng. Nếu có chuyện quan trọng xảy ra mà không kịp cố định dây cáp sẽ không quay được, hoặc quay được hình nhưng không có tiếng.
Phim celluloid 16 mm rất đắt. Chúng tôi phải chú ý quay gì để không phí phim thô, vừa quay vừa lo hết phim. Sau đó là quá trình xử lý phim, sao ra một bản và chỉnh sửa bằng kéo. Nếu cắt sai chỗ là không thể làm lại được bản phim.
Chúng tôi tạo một đường dây giữa máy quay và máy ghi âm để đồng bộ hóa âm thanh với hình ảnh. Tại chỗ đồng bộ hóa phải vỗ tay đánh dấu, nếu quên sẽ không tìm được. Tại bản chỉnh sửa cuối cùng, chúng tôi sử dụng gần như mọi thứ đã quay”, ông Öhlén nhớ lại.
Ông Bo Öhlén trả lời phỏng vấn trực tuyến với VTC News.
Chia sẻ về cảnh quay ấn tượng nhất, ông Öhlén nhắc đến Kungsträdgården, công viên lớn ở Stockholm, nơi 15.000 người Thụy Điển tụ tập, lắng nghe đại diện của Chính phủ Lâm thời Việt Nam phát biểu.
“Cảm giác rất tuyệt vời khi tôi được ở đó và quay phim 15.000 người”, ông Bo Öhlén nói.
Ông Öhlén và các đồng nghiệp đã cố gắng hết sức, tạo nên bộ phim ghi lại không khí lịch sử đầy xúc động. Chiến thắng của Việt Nam, theo một cách nào đó, cũng là chiến thắng của người Thụy Điển. Theo Đại sứ quán Thụy Điển, phim nhận được phản hồi tích cực của gần 30 triệu người tại Việt Nam.
Một số hình ảnh trong phim.
Nhà báo thời chiến - thời bình
Ông Öhlén không bắt đầu sự nghiệp với vai trò đạo diễn mà là giáo viên. Khi nhận ra giảng dạy không phải là con đường muốn đi suốt đời, ông chuyển hướng.
“Đi dạy một năm thì tôi phát hiện ra mình không có kĩ năng sư phạm cần thiết để tiếp cận học sinh. Vì vậy, tôi bắt đầu làm thực tập sinh tại công ty truyền hình Thụy Điển vào năm 1970. Đó là giai đoạn rất thú vị. Tôi học cách quay phim và biên tập, rồi đi theo hướng đó”, đạo diễn Thụy Điển nói và cho biết thêm, ông từng làm nhiều đề tài, nhưng luôn hướng đến các vấn đề xã hội. Làm “Victory Vietnam”, ông muốn ghi lại sự kiện quan trọng trong đời sống xã hội Thụy Điển lúc bấy giờ.
“Làm báo thời chiến rất khó khăn. Nhà báo phải có những thông tin thực sự đáng tin cậy, và chỉ có thể đưa tin về những gì mình tận mắt thấy. Nhà báo còn đối mặt với nguy hiểm khi bom đạn bắn phá khắp nơi, và chịu áp lực tinh thần khi chứng kiến hậu quả tàn khốc từ các cuộc chiến”, ông Öhlén chia sẻ.
Sau những năm tháng chiến tranh, ông tập trung vào các vấn đề phúc lợi xã hội và cuộc sống của trẻ em chậm phát triển trí tuệ.
Ông cho rằng, trong thời bình, báo chí có vai trò khác, nhưng không ngoài mục đích hướng đến điều tích cực và giá trị cho xã hội. Đặc biệt, khi có thêm công nghệ như AI, có thể dễ dàng tạo ra tin tức giả, điều quan trọng là các phương tiện truyền thông phải chặt chẽ hơn.
Ông Öhlén từng đến Việt Nam trong thời gian ngắn khi có chiến tranh và mong muốn có thể thăm lại Việt Nam trong thời bình. Vợ ông đã đến Việt Nam vào những năm 90 trong một chuyến đi nghiên cứu. “Tôi vẫn nhớ những người lính thân thiện, chiếc xe đạp của người nông dân chất rơm rạ cao quá đầu, và hình ảnh cả gia đình trên một chiếc xe. Tôi đã mua chiếc yên làm bằng tre, mang về Thụy Điển lắp vào chiếc xe đạp của mình làm kỷ niệm”.