'Cánh én hồng' ở ngôi trường mang tên Anh hùng Núp

'Cánh én hồng' ở ngôi trường mang tên Anh hùng Núp
21 giờ trướcBài gốc
Cô vừa được Hội đồng Đội Trung ương xét chọn trao giải thưởng “Cánh én hồng” năm 2024.
Gắn kết học sinh người Kinh và Jrai
Chiều thứ năm hàng tuần, khuôn viên Trường Tiểu học Anh Hùng Núp lại rộn ràng âm thanh của cồng chiêng, đàn t’rưng, đàn goong... do các học sinh nam biểu diễn. 20 học sinh nữ hòa mình trong điệu xoang uyển chuyển, nhịp nhàng theo giai điệu của bài “Mừng chiến thắng”.
Trong đội biểu diễn không chỉ có học sinh người Jrai mà còn có học sinh người Kinh sử dụng nhạc cụ dân tộc khá thuần thục. Bên ngoài, các em học sinh đứng thành vòng tròn, nhiệt tình cổ vũ.
Đây là một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ “Nhạc cụ dân tộc”. Câu lạc bộ do cô Ánh thành lập từ năm học 2018-2019, thu hút 50 học sinh tham gia. Thời gian đầu, cô Ánh mượn bộ cồng chiêng của làng Chúet 2 (phường Thắng Lợi) để học sinh tập luyện vào tối thứ bảy hàng tuần, địa điểm tại nhà già làng.
Năm 2020, cô Ánh vận động các doanh nghiệp ở TP. Pleiku hỗ trợ 21,7 triệu đồng để mua 1 bộ cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc. Cô cũng nhờ các nghệ nhân truyền dạy kỹ năng đánh cồng chiêng cho học sinh. Bản thân cô cũng học hỏi và chơi thành thạo một số nhạc cụ dân tộc Jrai.
Cô Khương Thị Ngọc Ánh (thứ 6 từ trái sang) hướng dẫn học sinh cách chơi nhạc cụ dân tộc. Ảnh: P.L
Với sự cố gắng của cô và trò, trong các cuộc thi tài năng do Hội đồng Đội TP. Pleiku tổ chức, phần trình diễn cồng chiêng hay hòa tấu nhạc cụ dân tộc của Trường Tiểu học Anh Hùng Núp luôn đạt giải cao.
Em Rơ Châm Thoa (lớp 5.2) bày tỏ: “Em rất thích tập luyện cồng chiêng. Câu lạc bộ giúp em phát huy được năng khiếu, sở trường của mình”.
Cô Anh chia sẻ: Để góp phần thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó trong học sinh, từ năm học 2014-2015, cô đã triển khai mô hình “Giao lưu, kết nối yêu thương Kinh-Jrai cùng tiến bộ”. Mục đích của mô hình là để các em học hỏi lẫn nhau, xây dựng tình bạn đẹp trong môi trường học đường.
Theo đó, các học sinh Jrai giới thiệu cho học sinh người Kinh những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Học sinh người Kinh có học lực tốt kèm cặp những học sinh Jrai học yếu môn Tiếng Việt và môn Toán.
Từ năm học 2023-2024 đến nay, 2 em Nguyễn Thị Kim Anh (lớp 5.1) và H’Ly Anh (lớp 5.2) tham gia mô hình và trở thành đôi bạn cùng tiến. Nhờ sự hướng dẫn của H’Ly Anh, Kim Anh biết một số phong tục của người Jrai. Hai em đang giúp nhau học tiếng Anh để chuẩn bị cho cuộc thi Rung chuông vàng cấp cụm sắp tới.
“Dù học khác lớp nhưng chúng em chơi với nhau rất thân. Em thường nhờ bạn Kim Anh hướng dẫn làm những bài tập khó. Nhờ vậy mà kết quả học tập của em ngày càng tiến bộ. Em thấy mô hình do Liên Đội triển khai rất ý nghĩa”-H’Ly Anh tâm sự.
Cô Khương Thị Ngọc Ánh hướng dẫn học sinh cách làm trang phục từ vật liệu tái chế. Ảnh: P.L
Để học sinh mạnh dạn tham gia các phong trào Đội, cô Ánh luôn nỗ lực trau dồi kiến thức, kỹ năng và sáng tạo, đổi mới nhiều hoạt động. Mới đây, Liên Đội Trường Tiểu học Anh Hùng Núp đã tổ chức thành công hội diễn thời trang tái chế với chủ đề “Sáng tạo tri ân-Yêu thương môi trường-Không ngừng sáng tạo”. Để chuẩn bị cho “show diễn” thời trang đặc biệt này, các em học sinh tìm những vật liệu bỏ đi và tự tay thiết kế thành những bộ trang phục ấn tượng, độc đáo.
Tại hội diễn, các em đã tự tin trình diễn 83 bộ trang phục tái chế trên sân khấu. Em H’Luyên (lớp 5.4) bày tỏ: “Thông qua những bộ trang phục tái chế, em mong muốn gửi gắm thông điệp ý nghĩa về bảo vệ môi trường”.
Không ngừng sáng tạo, đổi mới
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Sử-Công tác Đội tại Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, năm 2009, cô Ánh được phân công làm Tổng phụ trách Đội tại Trường THCS và THPT Kpă Klơng (huyện Mang Yang). Năm học 2013-2014, cô Ánh chuyển về công tác tại Trường Tiểu học Anh Hùng Núp và gắn bó đến nay.
Cô Nguyễn Thị Nết-Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Anh Hùng Núp:“Tôi đánh giá cao sự nỗ lực, tận tâm vì học trò của cô Khương Thị Ngọc Ánh. Mỗi mô hình, mỗi câu lạc bộ được triển khai tại trường đều phù hợp với nhu cầu, sở thích, góp phần tạo chuyển biến về suy nghĩ và nhận thức của học sinh, chung tay cùng nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục. Giải thưởng “Cánh én hồng” là sự ghi nhận xứng đáng cho sự nỗ lực của cô Ánh”.
Cô Ánh cho hay: Trường Tiểu học Anh Hùng Núp có đông học sinh dân tộc thiểu số, các em tiếp thu kiến thức chậm lại rụt rè, nhút nhát. Để thu hút học sinh tham gia công tác Đội, cô chú trọng đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt.
Các hoạt động ngoại khóa với chủ đề: “Phòng-chống tai nạn thương tích, đuối nước, xâm hại trẻ em”, “Phòng-chống bạo lực học đường”, “Thắp sáng ước mơ thiếu nhi”… được Liên Đội tổ chức thường xuyên nhằm giúp các em có thêm những kỹ năng sống bổ ích.
Bên cạnh đó, Liên Đội còn tăng cường công tác giáo dục truyền thống cho học sinh thông qua các chủ điểm như: “Uống nước nhớ nguồn”, hành trình về địa chỉ đỏ, “Tự hào một dải non sông”… Những năm qua, cô Ánh kết nối với các nhà hảo tâm trao tặng hàng trăm suất học bổng, hàng ngàn bộ quần áo cũ cho học sinh khó khăn.
“Trường có hơn 80% học sinh dân tộc thiểu số, đây chính là thách thức không nhỏ đối với công tác Đội và phong trào thiếu nhi. Tôi luôn tìm tòi nghiên cứu để tổ chức các hoạt động phù hợp, tạo không khí học tập, vui chơi đầy sôi nổi. Cảm nhận được tình yêu thương của cô giáo nên các em học sinh luôn nỗ lực, thi đua học tập và rèn luyện tốt”-cô Ánh bày tỏ.
Các em học sinh Trường Tiểu học Anh hùng Núp hào hứng tham gia hội diễn thời trang tái chế. Ảnh: P.L
Dưới sự dẫn dắt của cô Ánh, Liên Đội Trường Tiểu học Anh Hùng Núp luôn được Hội đồng Đội các cấp đánh giá cao. Từ năm học 2018-2019 đến nay, Liên Đội được Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn tặng bằng khen và cờ thi đua vì có thành tích xuất sắc trong công tác Đội và phong trào thiếu nhi.
Tại Hội thi giáo viên làm Tổng phụ trách Đội giỏi toàn tỉnh năm 2020, cô Ánh đã xuất sắc vượt qua 83 thí sinh để đạt giải nhất. Cùng với đó, cô mạnh dạn tham gia cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” năm 2019 do Tỉnh Đoàn và Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh tổ chức. Kết quả, Dự án “Ơ này Jrai” của cô đạt giải ba (không có giải nhất, giải nhì).
15 năm công tác là từng ấy năm cô Ánh làm nhiệm vụ Tổng phụ trách Đội. Với lòng nhiệt huyết và cống hiến hết mình, cô Ánh được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục, bảo vệ, chăm sóc thiếu niên, nhi đồng, góp phần phát triển tổ chức Đội trong giai đoạn 2016-2020.
Ngoài ra, cô còn đạt chuẩn huấn luyện viên cấp I do Hội đồng Đội Trung ương công nhận và được tặng nhiều bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tỉnh Đoàn.
Ngày 30-11 vừa qua, cô Khương Thị Ngọc Ánh là 1 trong 35 giáo viên làm Tổng phụ trách Đội tiêu biểu trong cả nước được nhận giải thưởng “Cánh én hồng” do Hội đồng Đội Trung ương trao tặng.
Nói về thành tích này, cô Ánh tâm sự: “Niềm đam mê công tác Đội cùng tình yêu thương học trò là động lực để tôi giữ lửa nhiệt huyết với nghề. Tôi vui vì các em học sinh luôn đoàn kết, yêu thương nhau; các em được trang bị những kỹ năng sống để tự tin, trưởng thành hơn. Giải thưởng “Cánh én hồng” là động lực để tôi tiếp tục cống hiến và gắn bó với nghề.
PHAN LÀI
Nguồn Gia Lai : https://baogialai.com.vn/canh-en-hong-o-ngoi-truong-mang-ten-anh-hung-nup-post303156.html