Cảnh giác thủ đoạn của tội phạm cho vay lãi nặng và cướp giật dịp cận Tết

Cảnh giác thủ đoạn của tội phạm cho vay lãi nặng và cướp giật dịp cận Tết
5 giờ trướcBài gốc
Nhận diện "tín dụng đen" để phòng tránh
Nhận định hoạt động tín dụng đen (TDĐ), cho vay tiền núp bóng các công ty tài chính là nguồn cơn kéo theo nhiều bất ổn về ANTT, nảy sinh các vụ gây rối, cố ý gây thương tích... nên những năm qua, CATP rất quyết liệt trong đấu tranh, triệt xóa các băng nhóm tội phạm cho vay lãi nặng, cũng như tổ chức ra quân tẩy xóa các quảng cáo bẩn, giới thiệu cho vay tiền.
Từ chỉ đạo của Ban Giám đốc CATP, Phòng CSHS, CA các quận, huyện và TP.Thủ Đức đã đồng loạt xây dựng các chuyên án, lập nhiều kế hoạch đấu tranh, trấn áp đối với các đối tượng, băng nhóm hoạt động TDĐ, cho vay lãi nặng trong thực tế cũng như trên không gian mạng, cho vay qua app. Ngoài bắt giữ các đối tượng, băng nhóm hoạt động có tổ chức, chuyên nghiệp, CATP còn bắt xử lý hình sự cả những nhân viên ngân hàng biến chất cấu kết với bên ngoài để trục lợi bằng hình thức cho khách hàng vay lãi nặng để đáo hạn, giải ngân... Quyết liệt đấu tranh trên mọi phương diện, CATP đã phần nào lập lại ANTT, kéo giảm những phức tạp từ sự biến tướng trong hoạt động cho vay lãi nặng, TDĐ.
Chú CSGT cùng cháu bé du xuân trong an vui (ảnh: Hoàng Trang)
Tuy nhiên, hoạt động TDĐ như những vòi bạch tuộc luôn luồn lách, xâm nhập, bung vòi khi có điều kiện bởi nhu cầu vay tiền trong một bộ phận người dân là có thật. Để giúp nhân dân dễ nhận diện, có biện pháp phòng tránh, CATP vừa có thông báo tuyên truyền về thủ đoạn và biện pháp phòng ngừa đối với tội phạm hoạt động TDĐ và cho vay lãi nặng.
Theo đó, thủ đoạn của nhóm tội phạm này thường là dán tờ rơi quảng cáo trên cột điện, ngã tư, tường nhà hoặc quảng cáo cho vay trên các trang MXH với thủ tục đơn giản, không yêu cầu cung cấp giấy tờ tùy thân, không viết giấy vay nợ, chỉ cung cấp hình ảnh cá nhân, số điện thoại của người thân. Chiếc bẫy này nghe qua thì quá đơn giản với người cần vay tiền nhưng khi dính vào mới thấm hết sự cùng cực, khủng khiếp của nó.
Kết quả điều tra từ nhiều vụ án cho vay lãi nặng do CA triệt phá cho thấy, sau khi vay dễ dàng với số tiền có lãi suất cao ngất ngưởng từ vào chục đến vài trăm phầm trăm, người vay trả nợ được ít tháng thì mất khả năng chi trả. Lúc này, các chủ nợ liền gọi điện thoại cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp uy hiếp buộc người vay phải trả tiền hoặc nhờ người thân quen trả nợ thay. Khi không đạt được mục đích như mong muốn, chúng dùng biện pháp mạnh hơn là dùng hình ảnh cá nhân đưa lên MXH, tạt chất bẩn đe dọa, gây sức ép đòi nợ khiến người vay lâm cảnh sống dở chết dở.
Võ thuật là bộ môn thế mạnh của các chiến sĩ Công an (ảnh: Hoàng Trang)
Một bộ phận đối tượng cho vay còn giới thiệu nạn nhân sử dụng phần mềm cho vay trực tuyến, qua app hay các website quảng cáo, hội nhóm trên mạng... với lãi suất vay dưới 20%/năm, nhưng khi con nợ mắc bẫy thì tính phát sinh phí quản lý vay, phí hồ sơ, lãi mẹ đẻ lãi con, lãi chồng lãi và nhiều khoản phí khác buộc người vay gánh lãi suất cao cắt cổ.
Ngoài ra còn có các thủ đoạn tinh vi, biến tướng nguy hiểm của tội phạm TDĐ như làm hợp đồng "giả cách" với người vay tín chấp, thế chấp; khi người vay mất khả năng chi trả sẽ bị buộc chuyển quyền sở hữu tài sản đã thế chấp cho các đối tượng. Trường hợp người vay "chây ỳ” không trả nợ thì các đối tượng sử dụng thủ đoạn quấy rối, tạt sơn, tạt chất bẩn, nước thải, mắn tôm... để đòi nợ.
Không chỉ nêu ra các phương thức, thủ đoạn của tội phạm cho vay lãi nặng, TDĐ, CATP còn đưa ra biện pháp giúp người dân phòng ngừa có hiệu quả. Cụ thể, người dân nên nâng cao ý thức cảnh giác đối với các dịch vụ "tư vấn tài chính" khi sử dụng MXH, không tin vào những lời rao quảng cáo hấp dẫn, bởi đó là cái bẫy của đối tượng xấu nhằm tạo lòng tin để dẫn dụ "con mồi"..
Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân (hình ảnh, số CCCD, địa chỉ nơi ở, nơi làm việc, số tài khoản ngân hàng) tránh trường hợp đối tượng lợi dụng sao chép, đánh cắp thông tin cá nhân để thực hiện các hành vi xấu... Mỗi cá nhân nên tuyên truyền, nâng cao nhận thức về thủ đoạn, hậu quả của việc cho vay lãi nặng, TDĐ để mọi người trong gia đình, đồng nghiệp, bạn bè... cùng phòng tránh.
Bắt giữ hai đối tượng
Khi người dân có nhu cầu vay, mượn tiền hãy liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để được giới thiệu nguồn vốn vay chính thống, lãi suất thấp hoặc các quỹ hỗ trợ của các hội, đoàn thể để giúp người vay vốn giải quyết việc làm, sản xuất khi có nhu cầu. Nếu phát hiện các dấu hiệu, hoạt động cho vay lãi nặng, TDĐ nhanh chóng báo tin cho cơ quan CA gần nhất để kịp thời xử lý.
Nâng cao cảnh giác với nạn cướp giật
Nhiều người dân TPHCM hiện nay đều có nhận xét chung là vấn nạn cướp, cướp giật tài sản trên đường phố đã giảm rõ rệt, khi ra đường đã phần nào yên tâm hơn. Để duy trì lâu dài tình hình bình ổn như hiện tại, CATP vẫn đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh, trấn áp và ngăn chặn, hạn chế tối đa những phức tạp về ANTT, trong đó có tội phạm chiếm đoạt sở hữu tài sản.
Song song với việc triển khai các biện pháp nghiệp vụ, CATP còn xây dựng tài liệu tuyền truyền nâng cao nhận thức về tội phạm đường phố để người dân phòng tránh hiệu quả hơn. Tài liệu này được hệ thống trên hàng ngàn vụ án đã được cơ quan CA khám phá và theo dõi trong thời gian dài.
Theo đó, thủ đoạn của nhóm đối tượng cướp, cướp giật tài sản thường là sử dụng xe có tốc độ cao, trang phục lịch sự (hoặc là trang phục của các hãng xe ôm công nghệ) để tránh sự chú ý của người dân, dạo quanh các tuyến đường, các trụ sở, phòng giao dịch của các ngân hàng, các điểm ATM, các tiệm vàng... Khi phát hiện người dân mang theo tài sản có giá trị, người vừa rút tiền từ các ngân hàng, ATM... thì chúng tiếp cận, áp sát giật và tăng tốc bỏ chạy. Chúng còn có đồng bọn tham gia cản địa, cắt đuôi người truy đuổi. Có trường hợp các băng nhóm tội phạm còn dàn cảnh va chạm giao thông, chặn đầu xe gây cảnh lộn xộn làm nạn nhân mất tập trung để đồng bọn thực hiện hành vi móc túi, chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.
Diễn tập bảo đảm ANTT tại sân bay (ảnh: Hoàng Trang)
Ngày lễ, Tết thường có các lễ hội tập trung đông người, nhóm đối tượng sẽ trà trộn, theo dõi, áp sát che chắn "con mồi" để đồng bọn móc túi, giật tài sản như dây chuyền vàng, điện thoại di động. Sau khi ra tay, chúng chuyền cho đồng bọn để tẩu tán, phi tang một cách nhanh chóng.
Cách tốt nhất để phòng tránh cướp, cướp giật tài sản là mỗi khi ra đường hoặc tham gia các lễ hội, nơi vui chơi công cộng, người dân nên hạn chế đeo trang sức đắt tiền. Các tài sản mang theo như ví tiền, giỏ xách, điện thoại nên cất kỹ trong cốp xe khi di chuyển trên đường. Khi vào các điểm vui chơi, lễ hội nên nhớ bảo quản kỹ tài sản bên người. Trên đường đi, không nên dừng xe nghe điện thoại, mở cốp xe ở những nơi tối đèn, vắng bóng người sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tội phạm manh động ra tay.
Cuối năm các ngân hàng, cơ sở mua bán vàng, bạc, kim loại quý luôn tấp tập người giao dịch nên những địa điểm này cần bố trí thêm bảo vệ, gắn thêm camera giám sát, quán triệt đến đội ngũ nhân viên cần nâng cao cảnh giác, xử lý linh hoạt các tình huống nghi ngờ phát sinh tội phạm và bí mật báo cơ quan CA để được hỗ trợ giải quyết, ngăn chặn trong an toàn.
Trong thời điểm Tết Nguyên đán đang cận kề, người dân cần chú ý và thực hiện theo các hướng dẫn của CATP để hạn chế nhiều những vụ mất mát tài sản, đón mùa xuân mới hạnh phúc, bình yên.
HUỆ TRINH - KIM NGỌC
Nguồn CA TP.HCM : http://congan.com.vn/vu-an/canh-giac/canh-giac-thu-doan-cua-toi-pham-cho-vay-lai-nang-va-cuop-giat-dip-can-tet_173047.html