Cảnh giác với chiêu trò giả mạo tên tài khoản ngân hàng

Cảnh giác với chiêu trò giả mạo tên tài khoản ngân hàng
8 giờ trướcBài gốc
Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, tình hình lừa đảo trực tuyến hiện vẫn còn diễn ra phức tạp khi nhiều người dân bị sập bẫy trước những thủ đoạn ngày càng tinh vi của đối tượng lừa đảo. Một chiêu trò mới gần đây đó là giả mạo tên tài khoản ngân hàng để lừa đảo. Các đối tượng có thể dùng 2 phương thức, 1 là dùng tài khoản có tên giống với tên trong danh sách bạn bè, người thân của nạn nhân, 2 là dùng thông tin cá nhân của người khác để mở 1 tài khoản giả mạo.
Cuối năm 2023, anh Nguyễn Thái Khoa bỗng nhận được Giấy triệu tập của Cơ quan cảnh sát điều tra công an Quận 1, TP Hồ Chí Minh. Lý do triệu tập là vì có người tố cáo anh nhận gần 200 triệu đồng nhưng không trả, qua 1 số tài khoản mang tên của anh được mở tại 1 chi nhánh ngân hàng có trụ sở ở Hà Nội. Anh Khoa rất ngạc nhiên, mặc dù tên tài khoản và địa chỉ đúng là của anh, nhưng anh chưa từng đến Hà Nội và cũng chưa từng mở số tài khoản này. Anh đã phối hợp với cơ quan công an và cung cấp đầy đủ chứng cứ chứng minh.
"Các đối tượng dùng tên của tôi để mở thôi, trên đó có số điện thoại, email nhưng không phải của tôi", ông Nguyễn Thái Khoa, phường Tân Thuận Tây, quận 7, TP Hồ Chí Minh chia sẻ.
Theo Luật sư, thì những đối tượng lừa đảo sẽ tìm cách sở hữu các tài khoản ngân hàng với người đứng tên bất kỳ, thông qua việc đi thuê lại các tài khoản ngân hàng của sinh viên, người ở quê hoặc đối tượng sử dụng chứng minh nhân dân, căn cước công dân của người khác để đăng ký mở tài khoản ngân hàng online từ xa. Nguồn chứng minh nhân dân, căn cước công dân có thể thu thập từ giấy tờ bị mất, đánh cắp hoặc mua bán thông tin cá nhân trên mạng.
Từ ngày 1/10 theo Thông tư 18 của Ngân hàng Nhà nước, khách hàng khi đăng ký mở thẻ, hoặc ví điện tử trực tuyến thì đều phải thực hiện sinh trắc học. Điều này sẽ giúp gia tăng tính bảo mật cho tài khoản, hạn chế được rủi ro kẻ gian sử dụng giấy tờ giả mạo để mở thẻ.
Ông Vũ Mạnh Hưng - Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển dịch vụ Ngân hàng số - VPBank cho hay: "Chủ tài khoản đấy mới sử dụng được tài khoản đấy, mới thực hiện được giao dịch trên tài khoản đấy. Thế thì nó sẽ loại bỏ được rất nhiều tài khoản rác, thuê mượn, hay là nhờ mở hộ. Hay là tài khoản trước đó mở ra nhằm mục đích không trong sạch".
Theo Ngân hàng Nhà nước, từ khi áp dụng xác thực sinh trắc học, số vụ lừa đảo trong tháng 8 đã giảm một nửa so với trung bình 7 tháng đầu năm. Số lượng tài khoản lừa đảo cũng giảm hơn 70%.
Giờ đây các đối tượng lừa đảo muốn giả mạo tài khoản ngân hàng cũng khó. Bởi việc ăn cắp thông tin cá nhân vẫn có thể xảy ra, nhưng sẽ khó "ăn cắp" được khuôn mặt để mà thực hiện sinh trắc học.
Theo vtv.vn
Nguồn Lào Cai : https://baolaocai.vn/canh-giac-voi-chieu-tro-gia-mao-ten-tai-khoan-ngan-hang-post391550.html