Cảnh giác với hội chứng trầm cảm cười

Cảnh giác với hội chứng trầm cảm cười
2 ngày trướcBài gốc
Đây cũng là nguyên nhân khiến việc phát hiện, giúp đỡ người mắc hội chứng trầm cảm cười (smiling depression) trở nên khó khăn.
Trầm cảm cười là hội chứng rối loạn cảm xúc đặc biệt và khó nhận biết. Tuy chán nản, buồn bã và mất hứng thú với mọi thứ nhưng trường hợp mắc hội chứng trên thường cố tình che giấu và tỏ ra lạc quan, gây nên hệ lụy nặng nề hơn so với những loại trầm cảm thông thường.
Từ những áp lực cuộc sống
Sau khi tốt nghiệp THPT ở TP. Pleiku, bạn L.B.H. trở thành sinh viên Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh. Ngay khi trải qua cảm giác thỏa mãn vì đạt được kỳ vọng, H. đồng thời cảm thấy hụt hẫng, mất phương hướng vì bản thân không tìm thấy sự thôi thúc với mục tiêu mới.
Thời điểm này, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến H. càng rơi vào chán nản, uể oải do phải cách ly dài ngày. Đang loay hoay, H. gặp thêm một áp lực khác, đó là “áp lực đồng trang lứa” khi lướt mạng xã hội.
“Trên đó, mình thấy bạn bè nhiều người rất giỏi. Điều đó làm nảy sinh tâm lý thua kém để rồi chạy theo những tiêu chuẩn, mục tiêu của người khác chứ không phải của chính mình. Chạy theo số đông. Bây giờ, khi đã nhìn rõ vấn đề này thì mình thấy đây là tình trạng chung của các bạn trẻ khi hướng ngoại nhiều hơn”-H. chia sẻ.
Liên quan đến nhận định này, nhiều ý kiến cũng đồng tình rằng mạng xã hội có tính chất gây “sát thương” nếu người dùng không đủ vững vàng về tâm lý, không đủ sức đề kháng do chưa xác lập những giá trị riêng, quan niệm riêng về hạnh phúc.
Dù vậy, H. cho hay, mình không chia sẻ được với ai về vấn đề tâm lý gặp phải, ngay cả với người thân. “Khi mình kể ra, mọi người xung quanh không nghĩ rằng mình đang bị trầm cảm, họ đều cho rằng đây là những chuyện không có gì nghiêm trọng. Ngay cả bản thân mình cũng tự nghĩ rằng một ngày nào đó nó sẽ qua đi”-H. kể.
Vì thế, H. sống trong “vỏ bọc” là sự vui vẻ nhưng kỳ thực bên trong cảm thấy chán nản, năng lượng bị tiêu tốn vì những suy nghĩ độc hại.
Chị Trần Diễm Trinh trong một buổi học vẽ để cân bằng cảm xúc. Ảnh: L.N
Chị Trần Diễm Trinh (phường Phù Đổng, TP. Pleiku) kể: Cách đây vài năm, chị gặp áp lực cuộc sống vì luôn muốn thực hiện tốt tất cả các vai trò: nỗ lực tối đa cho công việc, chăm sóc và nuôi dạy 3 đứa con, chăm sóc nhà cửa, làm tròn vai một người vợ trong gia đình…
Lo toan nhiều thứ, ít có thời gian dành cho bản thân nên chị rơi vào trạng thái tâm lý bất ổn. Tuy nhiên, chị lại ngại chia sẻ, chưa kể, nhiều người không hiểu, cho rằng chị làm quá vấn đề.
“Càng lúc tôi càng thấy cô đơn vì không có ai để mình có thể chia sẻ cảm xúc. Những lúc tham gia các hoạt động chung thì tôi thường gồng lên, tỏ ra lạc quan bởi không muốn mọi người mất vui. Nhưng khi đối diện chính mình thì tôi lại chìm đắm vào sự hoang mang.
Tôi thường có nhu cầu muốn ở một mình và dần lún sâu vào cảm giác đó. Tuy chưa suy nghĩ gì quá tiêu cực nhưng tôi cảm nhận rõ mình đang trong giai đoạn muốn chạy trốn mọi thứ”-chị Trinh tâm sự.
Thay đổi hành vi, tạo dựng quan hệ chất lượng
Đó là giải pháp mà cả L.B.H. và chị Trinh đúc kết sau thời gian nhận diện trầm cảm cười và tìm cách vượt qua, tất nhiên với sự hỗ trợ của chuyên gia tư vấn tâm lý.
Hiện là sinh viên năm 3, H. cho hay bản thân đã dần xác định thế mạnh và giá trị riêng, biết cách kiểm soát cảm xúc và thoát ra khỏi bất ổn tâm lý nhờ dành thời gian tăng cường luyện tập thể thao, tham gia một lớp thực hành thiền chánh niệm để tìm kiếm sự tĩnh tại, quan sát chính mình, học cách buông bỏ.
Trong những cuộc trò chuyện với chuyên gia tâm lý, H. được hướng dẫn tìm ra căn nguyên trầm cảm, viết nhật ký nhìn nhận lại mọi việc. H. bày tỏ: “May là vấn đề của mình chưa lớn lắm. Mình cũng chọn đối mặt để giải quyết và biết có đủ can đảm để vượt qua. Mình nhận thấy, càng hiểu rõ bản thân thì càng mạnh mẽ”.
Như một cách khẳng định mình, H. mạnh dạn tham gia cuộc thi do Câu lạc bộ Khởi nghiệp của trường tổ chức với một dự án về chăm sóc sức khỏe tinh thần, đó là “Feel flow” (cảm nhận dòng chảy cảm xúc) và đoạt giải á quân.
H. nhìn nhận: Việc một người tỏ ra vui vẻ bên ngoài nhưng không chia sẻ được suy nghĩ với ai thường là do chất lượng của những mối quan hệ. Vì vậy, để có những mối quan hệ thật sự chất lượng, bền vững, H. thường để ý đến những điểm chung giữa mình và bạn bè, vun đắp sự gắn kết từ những điểm chung tích cực và nhận ra mình học hỏi được nhiều hơn, chia sẻ tốt hơn.
Tương tự, chị Trinh cũng khẳng định: Trong cuộc sống, các mối quan hệ chất lượng chính là yếu tố “chữa lành” và nuôi dưỡng tâm hồn. Được gặp gỡ, trò chuyện với những người hiểu mình, lắng nghe và không phán xét, ta được thoải mái bộc lộ, tìm kiếm sự giúp đỡ.
Do đó, việc xây dựng những quan hệ chất lượng là hết sức quan trọng. Được sự hướng dẫn của chuyên gia tâm lý, chị Trinh tạm thời gạt bỏ lo toan để đi… du lịch, tham gia một khóa thiền.
“Ban đầu vẫn vướng bận: Mình đi thì con ai lo, nhà cửa ai chăm? Nhưng khi đi rồi thì thấy thật sự nhẹ nhõm, trong khi đó ở nhà mọi thứ vẫn vận hành tốt. Tại sao cứ phải vơ vào người?”-chị Trinh nói.
Hơn 1 năm nay, mỗi thứ bảy hàng tuần, chị Trinh còn tham gia lớp học vẽ. Có những hôm, chị đắm mình vào những bức tranh phong cảnh, tĩnh vật… đến quên thời gian, rồi tìm thấy năng lượng tích cực khi quay trở lại với cuộc sống thường ngày.
Trao đổi với P.V, Thạc sĩ Phạm Quỳnh Lam (Văn phòng Tư vấn tâm lý Awake Gia Lai, 07 Lý Tự Trọng, TP. Pleiku) cho biết: Trầm cảm cười là khái niệm chưa được nhiều người biết đến.
Những người có tư chất mạnh mẽ lại chính là đối tượng dễ mắc hội chứng này do luôn tỏ ra mình ổn, khi bị trầm cảm có xu hướng không chia sẻ hoặc cảm thấy khó chia sẻ. Kỳ thực, càng che giấu thì các triệu chứng càng trầm trọng, cá biệt một số người trở nên tuyệt vọng.
“Những trường hợp này chỉ khi gặp đúng người hoặc gặp chuyên gia tâm lý thì mới sẵn sàng thể hiện mặt yếu đuối của bản thân. Người ta thường bảo mỗi lần vấp ngã là một lần thêm kinh nghiệm sống; vậy nhưng, ít ai muốn chấp nhận.
Với họ, khi điều bất như ý xảy đến thì thường cho rằng nỗi buồn, nỗi đau của mình là duy nhất. Việc của nhà tư vấn không phải là phủ nhận nỗi buồn mà chỉ ra cho họ thấy đây cũng là cảm xúc cần thiết trong cuộc đời, đương nhiên sẽ phải trải qua, từ đó chấp nhận và sống chung, xem nó như một phần của bản thân”-Thạc sĩ Phạm Quỳnh Lam chia sẻ kinh nghiệm.
Ngoài trị liệu tâm lý, Thạc sĩ Phạm Quỳnh Lam cũng hướng dẫn người mắc trầm cảm cười thay đổi lối sống như tham gia hoạt động thể thao, thiền, yoga giúp tăng sự hưng phấn của não bộ, tránh ở một mình. Một số trường hợp cần được bác sĩ chuyên khoa tư vấn, điều trị thêm bằng thuốc.
LAM NGUYÊN
Nguồn Gia Lai : https://baogialai.com.vn/canh-giac-voi-hoi-chung-tram-cam-cuoi-post312059.html