Giữ lại một chút dịu dàng

Giữ lại một chút dịu dàng
6 giờ trướcBài gốc
-“Anh vẫn uống đậm như trước?”, Trinh khẽ hỏi.
Hùng mỉm cười, nhìn ly cà phê đen không đường: “Ừ. Không đổi”.
Họ không còn trẻ, nhưng giữa họ, không khí vẫn dịu dàng như một thuở đã qua. Không còn là tình yêu. Không phải là nhớ nhung. Chỉ là một mối liên hệ âm thầm, như sợi tơ vô hình nối hai con người từng nắm tay nhau đi qua những tháng năm đẹp nhất của đời sinh viên.
Minh họa: LÊ NGỌC DUY
Huế là nơi bắt đầu, là đất lành cho mối tình tha thiết của Hùng và Trinh nảy mầm. Hồi ấy, Hùng từ Quảng Trị vào Huế học đại học, ở trọ trong căn phòng nhỏ xập xệ dưới chân cầu Vỹ Dạ, gần nhà Trinh. Hai người tình cờ quen nhau trong một lần tham gia hoạt động đoàn đội của trường.
Trinh người Huế, dịu dàng, kín đáo. Nét đẹp của cô không rực rỡ mà đằm thắm, đoan trang. Giọng nói mềm, ánh mắt hiền, đôi tay khéo léo. Mỗi buổi trưa hoặc chiều tan học, Trinh ghé qua, mang theo hộp cơm nóng cho Hùng. Những bữa ăn chan đầy sự quan tâm, trìu mến. Trinh là người con gái khiến Hùng thấy an lòng giữa những ngày chông chênh tuổi trẻ.
Họ không yêu nhau như cách người ta thường yêu. Không lời hứa, không kịch tính. Chỉ là những buổi chiều đi bộ quanh bờ sông Hương, những tối mưa ngồi nghe nhạc Trịnh qua chiếc loa cũ, Trinh gối đầu lên vai Hùng, khẽ bảo: “Sau này, dù ra mô về mô, anh cũng nhớ ăn uống đầy đủ nghe chưa”.
Sau khi tốt nghiệp, Hùng trở về Quảng Trị nhận việc tại một cơ quan nhà nước. Trinh ở lại Huế học lên thạc sĩ. Khoảng cách địa lý, khác biệt trong kỳ vọng gia đình, những lời khuyên răn về “hợp tuổi - không hợp tuổi” từ bố mẹ Hùng... khiến mối quan hệ dần thưa. Không ai nói lời chia tay. Chỉ là những tin nhắn thưa dần, những quan tâm cũng nhạt theo năm tháng. Những cuộc gọi cũng trở nên lặng lẽ, lùi xa.
Một chiều cuối năm, Hùng gửi cho Trinh một dòng tin ngắn ngủi: “Mình không thể bên nhau được nữa. Em sống tốt nhé”.
Trinh đã đọc đi đọc lại câu ấy hàng trăm lần. Đêm đó, cô khóc rất nhiều. Tủi thân, giận, thậm chí là hận anh. Sao không nói rõ? Sao không nói vì điều gì?
Thế rồi, sau những ngày lặng lẽ, Trinh gói lại nỗi buồn, bình thản bước qua. Cô hiểu, một số mối duyên - đến đoạn nào đó - phải dừng lại. Không vì ai có lỗi, mà vì cuộc đời chọn lối rẽ khác.
Hai năm sau, Trinh lập gia đình. Khi sinh con trai đầu lòng, cô đã lặng lẽ chọn cái tên “Nâu” để gọi ở nhà - cái tên thân mật mà ngày xưa Hùng từng gọi cô mỗi chiều ghé trọ, khi thấy cô hay mặc áo len nâu và buộc tóc bằng dây vải nâu nhạt. Không ai biết vì sao. Chỉ Trinh hiểu, đó là cách cô giữ lại một chút gì dịu dàng của thuở ấy, cho riêng mình.
Nhiều năm sau, Hùng cũng lập gia đình. Vợ anh là một cô giáo tiểu học ở TP. Đông Hà, hiền lành, đảm đang. Anh có hai đứa con, một trai một gái, ríu rít mỗi chiều tan trường. Cuộc sống ổn định, nhẹ nhàng. Anh là một người đàn ông mẫu mực trong mắt gia đình và đồng nghiệp. Nhưng có những khoảng lặng không ai thấy. Những đêm mưa, anh ngồi lặng lẽ hồi tưởng về những gì đã qua, trong đó có cả khoảng trời ký ức về Trinh.
Họ không thường xuyên liên lạc. Nhưng những lúc Trinh cần giúp đỡ, cô luôn gọi Hùng. Và anh luôn lặng lẽ giúp, như một phản xạ tự nhiên, như cách người ta giữ lại một phần dịu dàng trong cuộc sống nhiều ồn ã.
Đôi khi, có dịp vào Huế công tác, Hùng hẹn Trinh cà phê. Họ không nhắc chuyện cũ. Chỉ kể nhau nghe về con cái, công việc, chuyện đời thường. Mỗi người đều hiểu: họ không còn là của nhau. Nhưng không ai phủ nhận, người kia từng là một phần sâu sắc trong quá khứ, không thể lãng quên, không thể quay về.
Tối nay, sau chuyến công tác trở về từ Huế, Hùng ngồi bên cửa sổ, lặng lẽ nhìn hai đứa trẻ ngủ ngoan cạnh vợ. Vợ anh là người phụ nữ âm thầm chịu đựng, gánh vác bao lo toan. Người đã cùng anh vượt qua thời gian khó khăn, chăm từng bữa ăn, giấc ngủ.
Anh thở dài. Lòng nhẹ mà cũng sâu.
Tình cảm là thứ không thể đo bằng đúng - sai. Nó tồn tại như một phần ký ức. Như ánh trăng đã lặn nhưng vẫn soi một vùng nước ấm. Anh không thấy mình có lỗi. Cũng không thấy mình phải quên. Vì mọi thứ đều trong sáng, và đều đáng trân trọng.
Một cuộc gọi vang lên. Là Trinh.
- Anh về đến nơi chưa?
- Rồi. Cảm ơn Trinh. Huế hôm nay mưa đẹp thật.
- Ừ. Con anh sao rồi?
- Lớn nhanh lắm. Vợ anh cũng ổn. Em giữ gìn sức khỏe nhé.
- Ừ... thôi, anh nghỉ sớm. Gửi lời chào chị và mấy cháu giúp em.
Cuộc gọi kết thúc. Hùng đặt điện thoại xuống. Bên ngoài, mưa vẫn lặng lẽ rơi. Trong anh không còn những xao động dữ dội, chỉ là một mạch trầm kéo dài, thấm vào tận sâu những nếp nghĩ vốn dĩ đã quen nén lại.
Anh ra hiên. Đêm Quảng Trị dịu và êm. Gió lùa qua tán dừa sau vườn. Con mèo tam thể nằm cuộn bên chân ghế, thở đều như một tiếng thở xa xăm của thời gian. Mười năm... đủ lâu để mọi vết xước liền da và cũng đủ để những điều từng thân quen trở nên xa lạ.
Trong tiếng gió, Hùng chợt nhận ra điều mình vẫn thường tránh nghĩ đến: khoảng cách giữa “đã từng” và “hiện tại” không phải là thời gian, mà là sự bằng lòng. Anh từng nghĩ, nếu gặp lại, sẽ có hàng trăm điều để nói. Nhưng cuối cùng, chỉ là: “Em khỏe không?”. Và dường như, trưởng thành là khi người ta hiểu rằng, đôi khi, chỉ cần biết người từng thương đang sống bình yên, cũng đã đủ. Có những người không còn bên ta, nhưng mãi ở trong ta. Như hương cốm thoảng qua mùa thu, như tiếng chuông chùa Thánh Duyên vọng lại chiều đông. Nhẹ nhàng, thanh thản.
Hùng mỉm cười. Trong anh lúc này là cảm giác nhẹ nhõm, như thể vừa khép lại một ngăn ký ức, không khóa, chỉ khẽ đẩy lại, để nó nằm yên đó. Ngăn nắp và dịu dàng. Trinh vẫn là một phần trong thanh xuân của anh, nhưng không còn là nỗi trăn trở. Giữa cuộc sống bận rộn với gia đình, công việc, con cái, đôi khi những khoảnh khắc lặng im như thế lại giúp anh soi chiếu lòng mình, xem mình đã sống ra sao và lớn lên như thế nào từ những yêu thương đã cũ.
Trần Tuyền
Nguồn Quảng Trị : http://www.baoquangtri.vn/giu-lai-mot-chut-diu-dang-193696.htm