Những ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin rằng lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “10 năm diễu binh, 40 năm duyệt binh một lần”, gán ghép cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Một số trang mạng còn cho rằng đó là di chúc, là “bí mật” được trao truyền lại.
Tuy nhiên qua tìm hiểu các văn bản tài liệu chính thống và tra cứu Hồ Chí Minh toàn tập thì chưa thấy có xác thực nội dung này song nhiều trang đã trích dẫn như thật và dựng nhiều clip trên mạng xã hội.
Việc đề cao tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí theo tư tưởng Hồ Chí Minh là tốt song tùy tiện tạo ra những “lời căn dặn” như trên là điều không thể chấp nhận. Đó còn là sự xúc phạm đối với các nhà lãnh đạo tiền bối, làm sai sự thật lịch sử, gây nhiễu loạn nhận thức trong dư luận.
“10 năm diễu binh, 40 năm duyệt binh một lần” không phải là lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Nguyễn Giáp
Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là những con người cả đời thấm nhuần đạo đức cách mạng, luôn đề cao tinh thần tiết kiệm, chống phô trương hình thức. Khi tổ chức những sự kiện trọng đại như duyệt binh, Bác và các đồng chí lãnh đạo luôn căn dặn: thiết thực, trang trọng, tiết kiệm, tuyệt đối không lãng phí. Tinh thần đó đã và đang được Đảng, Nhà nước ta duy trì từ ngày thành lập nước đến nay, trong mọi sự kiện quốc gia.
Lúc sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm đến sự kiện diễu binh, duyệt binh. Người đã nhiều lần gặp gỡ trực tiếp và động viên bộ đội tham gia sự kiện duyệt binh. Cuộc duyệt binh trong buổi lễ chào mừng Hồ Chủ tịch, Trung ương Đảng và Chính phủ trở về Thủ đô ngày 1/1/1955 là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức duyệt binh.
Sự kiện lịch sử này được Đại tướng Võ Nguyên Giáp lựa chọn làm điểm nhấn trong phần kết của hồi ký Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử, với những dòng đầy cảm xúc: “Ngày 1 tháng 1 năm 1955, Chính phủ và Trung ương Đảng trở về Hà Nội, Bác Hồ gặp lại đồng bào ở quảng trường Ba Đình, nơi chín năm trước Người đọc bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử. Nụ cười của Bác Hồ trên lễ đài sẽ sáng mãi trong trang sử mới của Hà Nội nối tiếp Đông Đô, Thăng Long xưa.
Chúng ta đã tổ chức cuộc duyệt binh lớn đầu tiên ở Hà Nội, một cuộc duyệt binh bộ đội, dân quân du kích chỉ mang theo toàn vũ khí của Pháp và Mỹ, từ vũ khí hạng nhẹ, vũ khí hạng nặng, đến các phương tiện thông tin đều là chiến lợi phẩm thu được trong chiến đấu”.
Tháng 4-1960, các học viên Trường Hạ sĩ quan Pháo binh Quảng Yên (Quảng Ninh) được lệnh lên đường về sân bay Bạch Mai, Hà Nội luyện tập tham gia Lễ duyệt binh vào ngày Quốc khánh 2-9. Bác Hồ đã đến thăm, động viên bộ đội. Bác xuất hiện trong bộ quần áo gụ, giản dị và gần gũi, nước da hồng hào, đôi mắt sáng, ánh lên niềm vui. 18 khối diễu binh trong sân bay im lặng. Tiếng phát thanh viên Tuyết Mai âm vang tường thuật đội hình các khối tham dự buổi tổng duyệt. Đứng trên lễ đài, Bác phấn khởi nhìn hết lượt hàng quân. Cuối buổi, Bác ân cần căn dặn các chiến sĩ: Lần này, các cháu tham gia lễ duyệt binh có nhiều quan khách nước ngoài đến dự. Bác muốn các cháu và Bác gặp gỡ nhau trước, kẻo khi qua lễ đài, có cháu lại nhìn lên sẽ làm giảm đi sự nghiêm túc.
Còn "diễu binh", Người chỉ sử dụng từ "diễu binh” duy nhất một lần trong bài "Nói chuyện với các nhà báo tại Mátxcơva” ngày 21-11-1957, trong đó Người đề cập ý nghĩa cuộc diễu binh: “Dự cuộc biểu tình, chúng tôi đã được chứng kiến đà phấn khởi của nhân dân Liên Xô vĩ đại trong cuộc đấu tranh cho hòa bình và chủ nghĩa cộng sản. Cuộc diễu binh và cuộc biểu tình cho chúng tôi thấy rằng nhân dân và cả quân đội nữa đoàn kết chặt chẽ chung quanh Đảng và Chính phủ. Sự có mặt của hàng trăm đoàn đại biểu nước ngoài tới đây dự lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười là một việc đầy ý nghĩa".
Tuy nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh: “Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không phải là “xem đồng tiền to bằng cái nống”, “gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu”.
Vì vậy, không thể lợi dụng tinh thần tiết kiệm ấy để bịa đặt, gán ghép những lời mà lãnh tụ chưa từng phát biểu! Không thể xuyên tạc để gieo rắc hoài nghi, làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Bác Hồ và các thế hệ tiền bối.
Chúng ta phê phán hành vi bịa đặt lời dạy thiêng liêng của Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đề nghị các trang mạng, các tài khoản cá nhân đã đăng tải thông tin sai lệch này phải gỡ bỏ ngay, đính chính công khai, thể hiện sự tôn trọng đối với lịch sử và trách nhiệm đối với cộng đồng.
Ngày nay, mạng xã hội phát triển nhanh chóng, nhưng cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ nhiễu loạn thông tin.
Những người yêu nước chân chính phải tỉnh táo, cảnh giác, không dễ dàng tin vào những thông tin chưa kiểm chứng, nhất là các thông tin liên quan đến lãnh tụ, lịch sử, danh dự quốc gia.
Hãy kiểm tra nguồn tin, đối chiếu với tài liệu chính thống. Hãy có trách nhiệm trong việc chia sẻ thông tin.
Giữ gìn sự thật lịch sử cũng chính là giữ gìn nền tảng tinh thần vững chắc của dân tộc Việt Nam.
Duyệt binh hôm nay không phải để phô trương, mà để khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, thể hiện sức mạnh đoàn kết, ý chí vươn mình của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới. Ảnh: Nguyên Giáp
Trong bối cảnh đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới, kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam - Thống nhất đất nước, hướng tới 100 năm thành lập nước Việt Nam (1945 - 2045), việc Đảng, Nhà nước ta quyết định tổ chức lễ duyệt binh là hoàn toàn đúng đắn, rất cần thiết, và được toàn dân đồng tình ủng hộ.
Duyệt binh hôm nay không phải để phô trương, mà để khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, thể hiện sức mạnh đoàn kết, ý chí vươn mình của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới. Đó còn là tuyên ngôn với thế giới rằng: Việt Nam là một dân tộc yêu hòa bình nhưng kiên cường bất khuất, luôn sẵn sàng bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Nhìn lại các lần diễu duyệt binh, tinh thần tiết kiệm, trang trọng được quán triệt trong toàn bộ quá trình tổ chức, kế thừa đúng phong cách của Bác Hồ và các thế hệ lãnh đạo.
Cuộc duyệt binh đầu tiên dưới thời Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 1/1/1955, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, không chỉ tuyên bố sức mạnh quân đội nhân dân, mà còn khẳng định bản lĩnh của một dân tộc nhỏ bé nhưng quật cường, chiến thắng những kẻ thù hùng mạnh nhất.
Từ đó đến nay, các cuộc duyệt binh lớn đều gắn với những cột mốc thiêng liêng: thống nhất đất nước, bảo vệ chủ quyền, phát triển đất nước.
Duyệt binh hôm nay tiếp nối dòng chảy truyền thống ấy, đồng thời thắp sáng khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045.
Chúng ta duyệt binh không chỉ để vinh danh quá khứ, mà để khẳng định quyết tâm chiến thắng trong cả hòa bình và hội nhập. Chúng ta cần giữ vững sự thật lịch sử, để tiếp nối chính xác những gì cha ông để lại. Chúng ta tỉnh táo trong từng thông tin tiếp nhận, để không bị những luận điệu xuyên tạc làm lung lay niềm tin.
Ngày 30/4, TP. Hồ Chí Minh sẽ tổ chức Lễ diễu binh, diễu hành cấp quốc gia kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Theo Ban Tổ chức, Lễ diễu binh, diễu hành cấp quốc gia kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước chính thức diễn ra vào 6h30 ngày 30/4/2025, cùng thời điểm với lễ kỉ niệm.
Bắt đầu từ 6h30 ngày 30/4, các lực lượng sẽ xuất phát từ phía giao lộ đường Lê Duẩn - Nguyễn Bỉnh Khiêm, di chuyển qua lễ đài chính phía trước Hội trường Thống Nhất.
Kết thúc lịch trình này, các lực lượng sẽ chia ra 4 hướng di chuyển về điểm tập kết.
Ngoài việc theo dõi trực tiếp trên đường, người dân dự lễ kỷ niệm tại khu vực trung tâm có thể theo dõi diễu binh, diễu hành qua 20 màn hình lớn.
Bên cạnh đó, người dân có thể theo dõi lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành trên các sóng truyền hình, các nền tảng mạng xã hội.
Đại Bàng