Tổng Bí thư Tô Lâm: Hòa hợp dân tộc là chiến lược trụ cột

Tổng Bí thư Tô Lâm: Hòa hợp dân tộc là chiến lược trụ cột
9 giờ trướcBài gốc
“Thời khắc lá cờ giải phóng tung bay trên nóc dinh Độc Lập trưa 30-4-1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một sự kiện trọng đại - ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối”.
Đây là khẳng định của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, ngày 27-4, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2025).
Tổng Bí thư Tô Lâm.
Nửa thế kỷ khôi phục, hàn gắn và phát triển
Trong bài viết, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá trong hơn một thế kỷ qua, dân tộc Việt Nam đã trải qua những trang sử bi tráng, phải gánh chịu biết bao đau thương, mất mát dưới ách đô hộ, áp bức của thực dân, phong kiến và đặc biệt là hai cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài hơn ba thập niên.
Chiến tranh không chỉ lấy đi sinh mạng của hàng triệu người, mà còn để lại những di chứng sâu sắc về thể chất, tinh thần, kinh tế - xã hội và môi trường, ảnh hưởng đến cả những thế hệ sinh ra khi tiếng súng đã ngưng. Không có vùng đất nào trên quê hương Việt Nam không có đau thương; không có gia đình nào mà không gánh chịu những mất mát, hy sinh và cho đến nay chúng ta vẫn còn phải khắc phục hậu quả chiến tranh và bom mìn, chất độc da cam…
Nhưng thời gian, lòng nhân ái, đức vị tha đã giúp dân tộc ta từng bước vượt qua nỗi đau, chữa lành vết thương, gác lại quá khứ, tôn trọng sự khác biệt, hướng tới tương lai.
“Sau 50 năm đất nước thống nhất, chúng ta đã có đủ bản lĩnh, đủ niềm tin, sự tự hào và đủ bao dung để vượt qua đau thương cùng nhau nhìn về phía trước - để cuộc chiến tranh đã qua không còn là hố ngăn cách giữa những người con cùng một dòng máu Lạc Hồng” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt đoàn kiều bào tiêu biểu tại Phủ Chủ tịch tháng 8-2024. Ảnh: TTXVN
Trân trọng đóng góp của kiều bào
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định trên hành trình phát triển ấy, chính sách hòa hợp dân tộc luôn được Đảng và Nhà nước xác định là lựa chọn chiến lược lâu dài, là trụ cột trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tổng Bí thư chia sẻ những năm qua, trong các chuyến công tác tới hầu khắp các châu lục, ông đã có nhiều dịp gặp gỡ hàng ngàn đồng bào Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài - từ những trí thức trẻ lập nghiệp tại châu Âu, châu Mỹ, châu Á, châu Đại Dương đến những doanh nhân thành đạt, nghệ sĩ nổi tiếng, người lao động bình dị ở các “miền đất mới”, kể cả nhiều người thuộc “phía bên kia” trước đây. Mỗi cuộc gặp đều để lại trong ông một ấn tượng sâu sắc là dù có thể khác biệt về quan điểm chính trị, trải nghiệm lịch sử hay điều kiện sống, họ đều mang trong lòng niềm tự hào dân tộc, đều là “con dân đất Việt” và nỗi nhớ da diết với hai tiếng quê hương.
Ông từng chứng kiến nhiều cuộc gặp gỡ đầy cảm động giữa các cựu chiến binh Việt Nam và cựu binh Mỹ - những người từng đứng ở hai bên chiến tuyến, từng cầm súng đối đầu, nay có thể bắt tay, trò chuyện, chia sẻ với nhau bằng sự thấu hiểu chân thành và không còn mặc cảm.
Ngày hôm nay, Việt Nam và Mỹ - từ cựu thù - đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện. “Vậy thì không có lý do gì để những người Việt Nam - cùng chung huyết thống, cùng một mẹ Âu Cơ, luôn đau đáu về một đất nước thống nhất, phồn vinh - lại còn mang mãi trong lòng nỗi hận thù, chia rẽ và ngăn cách” - theo Tổng Bí thư.
Khối cờ Đảng, cờ Tổ quốc tại lễ tổng duyệt diễu binh, diễu hành sáng 27-4. Ảnh: HOÀNG GIANG
Ông cũng khẳng định hòa hợp dân tộc không có nghĩa là quên lãng lịch sử hay xóa nhòa sự khác biệt, mà là chấp nhận những góc nhìn khác nhau trong tinh thần bao dung và tôn trọng, để cùng hướng tới mục tiêu lớn hơn. Đó là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, hùng mạnh, văn minh, thịnh vượng để các thế hệ mai sau không bao giờ phải chứng kiến chiến tranh, chia ly và hận thù, mất mát như cha ông từng đối mặt.
Tổng Bí thư bày tỏ tin tưởng mọi người con đất Việt - dù sinh sống ở đâu, dù quá khứ thế nào đều có thể đồng hành, chung sức, góp phần xây dựng một tương lai tươi sáng cho dân tộc. Đảng và Nhà nước luôn nhất quán mở rộng vòng tay, trân trọng mọi đóng góp, lắng nghe mọi tiếng nói xây dựng, đoàn kết từ cộng đồng người Việt ở nước ngoài - những người đang góp phần kết nối Việt Nam với thế giới.
“Chúng ta không thể viết lại lịch sử nhưng chúng ta có thể hoạch định lại tương lai. Quá khứ là để ghi nhớ, để tri ân và để rút ra bài học. Tương lai là để cùng nhau xây dựng kiến tạo và phát triển.
Đó là lời hứa danh dự của thế hệ hôm nay với những người đã ngã xuống, là tâm nguyện chung của một dân tộc từng trải qua nhiều đau thương nhưng chưa bao giờ khuất phục” - theo Tổng Bí thư.
Xe rước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lễ tổng duyệt diễu binh, diễu hành sáng 27-4. Ảnh: HOÀNG GIANG
Nhìn về phía trước, đổi mới và phát triển
Theo Tổng Bí thư, thế hệ hôm nay hiểu rõ rằng độc lập và thống nhất không phải là cái đích cuối cùng, mà là điểm khởi đầu cho một hành trình mới - hành trình xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, giàu mạnh, văn minh, phát triển và trường tồn.
Nếu như thế hệ cha anh đã khắc ghi chân lý “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” bằng những hy sinh, mất mát thì thế hệ hôm nay phải biến lý tưởng đó thành động lực phát triển, thành đôi cánh vươn lên trong thời đại mới.
“Phải làm cho mỗi người Việt Nam, dù ở đâu, dù làm gì, đều tự hào về đất nước, tin tưởng vào tương lai và có cơ hội đóng góp vào sự phát triển chung” - ông viết và nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần có bản lĩnh vững vàng, tỉnh táo, không để bị cuốn vào những vòng xoáy địa chính trị hay rơi vào thế bị động trước các xung đột quốc tế.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng kêu gọi hơn lúc nào hết, chúng ta cần xây dựng một nền kinh tế tự lực, tự cường; một nền quốc phòng, an ninh toàn dân, toàn diện và hiện đại; một hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, một xã hội phát triển, đoàn kết, văn hóa và nhân văn. Muốn như vậy, theo ông, nhất thiết phải phát huy trí tuệ và sức mạnh của toàn dân tộc, trong đó có cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài - bộ phận không tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân.
Khối nữ gìn giữ hòa bình liên hợp quốc tại lễ tổng duyệt diễu binh, diễu hành sáng 27-4. Ảnh: HOÀNG GIANG
Kỷ nguyên mới mà chúng ta đang bước tới - với công nghệ trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh và phát triển bền vững đòi hỏi phải có tư duy mới, mô hình phát triển mới, con người mới.
“Lịch sử đã chứng minh dân tộc Việt Nam chưa từng lùi bước trước gian nan, khó khăn, thách thức. Vấn đề là chúng ta có đủ dũng khí để thay đổi, đủ ý chí để vươn lên và đủ đoàn kết để biến khó khăn thành động lực phát triển hay không” - Tổng Bí thư gợi mở.
Ông kêu gọi thế hệ hôm nay - từ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đến mọi tầng lớp nhân dân cần ý thức sâu sắc về việc kế thừa di sản và có trách nhiệm làm rạng danh đất nước trong thời đại mới.
“Mỗi hành động hôm nay phải xứng đáng với máu xương đã đổ xuống, với những hy sinh, mất mát mà cả dân tộc đã từng gánh chịu” - Tổng Bí thư nói và nhấn mạnh chúng ta không thể để đất nước tụt hậu. Chúng ta không thể để dân tộc đánh mất cơ hội. Chúng ta không thể để lặp lại những vòng xoáy của lịch sử, phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết. Chúng ta phải hành động vì tương lai lâu dài chứ không vì thành tích ngắn hạn.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhìn nhận thế kỷ 21 là thế kỷ của những dân tộc biết làm chủ vận mệnh của mình. Và dân tộc Việt Nam với tất cả những bài học từ quá khứ, với tất cả sự đoàn kết hôm nay nhất định sẽ viết tiếp những chương mới rực rỡ trong hành trình phát triển của mình. Vì một nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc, phồn vinh, văn minh, thịnh vượng, có vị thế và tiếng nói quan trọng trong cộng đồng quốc tế.
Thắng lợi của dân tộc anh hùng
Trong suốt 30 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân và đế quốc (1945-1975), dân tộc Việt Nam đã phải đối mặt với muôn vàn gian khổ, hy sinh, mất mát nhưng chưa bao giờ ý chí về một nước Việt Nam độc lập, thống nhất bị lay chuyển.
Hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, biết bao gia đình mất mát người thân, làng mạc, đô thị bị tàn phá, bao thế hệ thanh niên phải tạm gác ước mơ học tập, hoài bão tương lai để lên đường bảo vệ Tổ quốc với lời thề “chưa hết giặc là ta chưa về”…
Đó là hình ảnh những người mẹ tiễn con, vợ tiễn chồng ra trận mà không hẹn ngày trở lại, những em nhỏ lớn lên trong mưa bom, bão đạn, những bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã ngã xuống, những chiến sĩ biệt động thành chiến đấu giữa lòng địch, dân quân du kích... tất cả đều mang trong mình một niềm tin mãnh liệt vào ngày thống nhất đất nước, Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà.
Chiến thắng 30-4-1975 là thành quả kết tinh từ lý tưởng và ý chí thép của một dân tộc không bao giờ bị khuất phục, từ máu xương của hàng triệu người con đất Việt, từ tình yêu quê hương, đất nước, từ bản lĩnh, niềm tin chiến thắng và quyết tâm không bao giờ lùi bước.
Tổng Bí thư TÔ LÂM
ĐỨC MINH - NGUYỄN THẢO
Nguồn PLO : https://plo.vn/video/tong-bi-thu-to-lam-hoa-hop-dan-toc-la-chien-luoc-tru-cot-post846919.html