Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo liên quan mô hình chính quyền 2 cấp

Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo liên quan mô hình chính quyền 2 cấp
8 giờ trướcBài gốc
Việc sáp nhập tỉnh, thành và tổ chức lại bộ máy là “bước đi lịch sử”, đánh dấu giai đoạn phát triển mới trong xây dựng nền hành chính hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Bộ máy đơn vị hành chính 2 cấp đã chính thức vận hành từ ngày 1-7-2025 bảo đảm đúng tiến độ, bước đầu hoạt động thông suốt, ổn định.
Tuy nhiên, theo chỉ huy Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao CATP Hà Nội, trong giai đoạn này, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tiếp tục lợi dụng không gian mạng để đăng tải, phát tán nhiều thông tin sai sự thật, xuyên tạc, bóp méo nhằm gây nhiễu loạn dư luận, làm giảm sút niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.
Các đối tượng tạo mã QR giả mạo, app giả mạo để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Các đối tượng tiếp tục “phân tích”, “bình luận”, hoặc “góp ý xây dựng” nhưng thực chất là sự bịa đặt, thổi phồng, xuyên tạc về công tác sáp nhập đơn vị hành chính.
Một số tài khoản trang mạng xã hội thậm chí còn cố tình cắt ghép, đưa tin sai lệch để tạo sự hoài nghi, chia rẽ nội bộ, gây mất đoàn kết trong Đảng và tạo bất ổn trong xã hội. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Bên cạnh việc sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia; một số đối tượng xấu còn lợi dụng tình hình này thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân.
Cụ thể, bọn chúng giả danh Công an, nhân viên điện lực, nhân viên bảo hiểm xã hội yêu cầu khách hàng điều chỉnh thông tin nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Thủ đoạn lừa đảo phổ biến là các đối tượng gọi điện đến khách hàng với nội dung liên quan đến việc triển khai sáp nhập đơn vị, yêu cầu khách hàng truy cập vào đường link (đường dẫn) do đối tượng cung cấp để cập nhật thông tin theo địa chỉ mới.
Đồng thời, các đối tượng sẽ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, yêu cầu khách hàng nhắn tin, cài ứng dụng lạ, gọi trực tuyến có hình ảnh thông qua ứng dụng (video-call) để dễ dàng hướng dẫn; mục đích để lấy cắp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, sau đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của khách hàng từ 80 - 400 triệu đồng.
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo, người dùng mạng xã hội cần cảnh giác với những bài đăng có nội dung gây hoang mang, kích động dư luận, thông tin chưa được kiểm chứng từ các nguồn không chính thức và những bài viết có yếu tố cường điệu, thổi phồng sự việc nhằm tạo hiệu ứng tiêu cực.
Người dân cần đọc kỹ toàn bộ bài viết, không chỉ dựa vào tiêu đề giật gân; kiểm tra hình ảnh, đường dẫn, tác giả bài viết để xác định mức độ tin cậy; đối chiếu với các nguồn chính thống như báo chí, cổng thông tin điện tử của cơ quan chức năng và tránh chia sẻ những bài viết có nội dung gây hoang mang, chưa được xác minh.
Cơ quan Công an và các đơn vị không yêu cầu người dân cập nhật thông tin cá nhân hay truy cập vào đường link lạ qua điện thoại hoặc tin nhắn. Do đó, người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân như tài khoản, mật khẩu, mã OTP cho bất kỳ ai không rõ danh tính.
Nếu nhận được tin nhắn hoặc cuộc gọi nghi ngờ, báo cho cơ quan Công an gần nhất để xác minh thông tin. Người dân nâng cao cảnh giác, tránh để bị hại hoặc bị lợi dụng vào mục đích xấu.
Huyền Nguyễn
Nguồn ANTĐ : https://anninhthudo.vn/canh-giac-voi-thu-doan-lua-dao-lien-quan-mo-hinh-chinh-quyen-2-cap-post617477.antd