Cảnh giác với thuốc giả

Cảnh giác với thuốc giả
35 phút trướcBài gốc
Nhiều loại thực phẩm chức năng được chị Hoài đặt mua trên mạng chỉ dựa vào vài dòng quảng cáo mà không biết rõ nguồn gốc xuất xứ-Ảnh: H.N
Bị bệnh khớp nhiều năm nay nên chị Thanh Hoài (45 tuổi), ở huyện Vĩnh Linh, thường xuyên dùng thuốc. Đa số chị Hoài dùng thuốc theo đơn của bác sĩ, được mua tại quầy thuốc bệnh viện. Tuy nhiên, với các loại thực phẩm chức năng bổ xương khớp thì lâu nay chị vẫn mua qua mạng. Nay đọc được thông tin cơ quan chức năng vừa triệt phá đường dây làm thuốc giả, nhiều trong số đó liên quan đến các bệnh về xương khớp, chị không tránh khỏi lo lắng.
Vì mua quá nhiều loại nên chị Hoài phải tìm lại lịch sử giao dịch từ rất lâu trước đó để kiểm tra. “Tuy không có loại thuốc có tên trong danh sách các loại thuốc giả vừa bị cơ quan chức năng phát hiện nhưng tôi có cảm giác không an tâm. Với các loại thuốc chữa bệnh thì tôi tuyệt đối tuân thủ đơn của bác sĩ nhưng đối với thực phẩm chức năng, có tác dụng hỗ trợ bệnh xương khớp thì tôi có phần chủ quan. Ngoài mua trên mạng, tôi còn mua qua sự giới thiệu của người quen, lại chuộng hàng xách tay”, chị Hoài chia sẻ.
Đây cũng là thói quen của rất nhiều người. Một số người cho rằng thuốc do nước ngoài sản xuất thường tốt hơn thuốc trong nước. Vì thế, các loại thực phẩm chức năng có xuất xứ ở nước ngoài đều được tiêu thụ nhiều trong nước. Ông Lê Văn Lộc, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, là một trong những người thích dùng thực phẩm chức năng, nhất là các loại được quảng cáo tốt cho tim mạch. Sau đợt bị phát hiện mắc bệnh tim, ông sử dụng tảo xoắn Nhật Bản thường xuyên, đều đặn mỗi ngày 30 viên. Tuy nhiên, nguồn mua của ông lại không ổn định, khi thì mua ở tiệm thuốc, khi thì đặt trên mạng. Tiền đã có các con chu cấp hàng tháng nên ông không bận tâm. Mặc dù về sau có con trai đi lao động tại Nhật Bản, ông Lộc vẫn duy trì thói quen này để tránh làm phiền con.
Thói quen mua thuốc và các loại thực phẩm chức năng trên mạng, mua hàng xách tay tiềm ẩn nhiều rủi ro. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết, tâm lý chủ quan của người tiêu dùng và lỗ hổng trong kiểm soát thị trường, thuốc giả xuất hiện ngày càng nhiều với mức độ ngày một tinh vi. Không chỉ thuốc giả được sản xuất trong nước mà một lượng lớn được sản xuất ở nước ngoài, sau đó nhập vào Việt Nam dưới mác “hàng xách tay”. Trong khi đó, người dân vẫn giữ thói quen mua thuốc không cần đơn bác sĩ, không kiểm tra bao bì, thậm chí không hề quan tâm thuốc mình đang sử dụng có nguồn gốc từ đâu.
Biết được tâm lý “sính ngoại” của không ít người dân, nhiều đối tượng sử dụng mạng xã hội để quảng cáo, giới thiệu thuốc, thực phẩm chức năng là “hàng xách tay”. Để tăng niềm tin cho khách hàng, các đối tượng làm giả tem chống hàng giả, nhái mã QR, bắt chước mẫu mã thuốc thật đến mức khó phân biệt nếu không có chuyên môn. Từ kháng sinh, thuốc điều trị cao huyết áp, tiểu đường đến thực phẩm chức năng, tất cả đều có thể trở thành mục tiêu của các đối tượng làm giả.
Theo bác sĩ CKII Trần Cảnh Toàn, quyền phụ trách Bệnh viện Đa khoa khu vực Vĩnh Linh, nhiều loại dược phẩm đòi hỏi chỉ định nghiêm ngặt của bác sĩ đang bị làm giả rất tinh vi tại Việt Nam. Đây không chỉ là hành vi gian lận thương mại mà còn là mối đe dọa trực tiếp đến sinh mạng con người. Nhiều loại thuốc giả được đóng gói như thật, trộn lẫn với thuốc thật và phân phối nhỏ lẻ ra thị trường nên rất khó phát hiện. “Vì thế, tuyệt đối không mua thuốc qua mạng xã hội, các trang cá nhân không rõ danh tính hoặc qua hình thức livestream - những kênh có nguy cơ rất cao phát tán thuốc giả”, bác sĩ Toàn cho biết.
Còn theo bác sĩ Ngô Thế Nam, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, về mặt y học, thuốc giả mang đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, trong đó thất bại trong điều trị là một trong những hậu quả phổ biến nhất. “Đối với những bệnh lý nguy hiểm như nhiễm khuẩn, tim mạch hay ung thư, việc sử dụng thuốc giả có thể khiến người bệnh bỏ lỡ thời điểm điều trị tối ưu, dẫn đến mất cơ hội sống. Ngoài ra, thuốc giả còn tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc, dị ứng do chứa tạp chất độc hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến gan, thận, tim mạch hoặc gây phản ứng phản vệ nguy hiểm đến tính mạng”, bác sĩ Nam cho biết.
Trước thực trạng này, việc ngăn chặn thuốc giả không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan quản lý mà còn đòi hỏi sự chủ động và cảnh giác từ phía người dân. Người dân cần thận trọng trong việc sử dụng thuốc, chỉ nên mua tại các cơ sở được cấp phép, tuân thủ đúng chỉ định bác sĩ và tuyệt đối không tự ý mua thuốc qua mạng hay các kênh không rõ nguồn gốc. Một số dấu hiệu nhận biết là thuốc giả thường đi kèm giá “mềm” bất thường, chênh lệch lớn so với thị trường cùng chiêu quảng cáo như “thần dược”, “chữa bách bệnh”, “thuốc xách tay giá rẻ”...
Để đảm bảo an toàn cho bản thân, người dân cần vào hệ thống tra cứu để kiểm tra thuốc thật hay thuốc giả trước khi mua.
Theo đó, người dân có thể truy cập đường link https://dichvucong.dav.gov.vn/congbothuoc để kiểm tra loại thuốc mình mua. Nếu không có thông tin về sản phẩm thì đó là thuốc giả. Trong trường hợp có thông tin tên thuốc, nhưng các thông tin khác về nhà sản xuất... không đúng như sản phẩm có trên hệ thống thì cũng không phải thuốc thật. Khi mua, cần chú ý bao bì thuốc phải nguyên vẹn, không rách, không mờ và không có dấu hiệu sửa đổi.
Một tin vui đối với người tiêu dùng, đó là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (Luật số 44/2024) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Theo đó, chỉ các loại thuốc không kê đơn mới được phép kinh doanh (bán lẻ) qua thương mại điện tử. Bộ Y tế cũng đang đề xuất sửa đổi Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó bổ sung quy định xử phạt nghiêm khắc các hành vi buôn bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc...
Hoài Nam
Nguồn Quảng Trị : http://www.baoquangtri.vn/canh-giac-voi-thuoc-gia-193554.htm